Ngắm hoàng hôn trên núi Sam
Sau hành trình dài khoảng 6 tiếng đi xe khách từ Sài Gòn, chúng tôi cuối cùng cũng đến được chỗ nghỉ trên núi Sam. Ngọn núi này cũng được nhiều người biết tới với những tên khác như Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn. Nằm cách mặt nước biển 284 m, núi Sam là một trong những địa điểm du lịch ở An Giang nổi tiếng. Tại đây có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi, sườn núi cho tới tận trên đỉnh. Tuy nhiên, thứ tôi mong chờ khi đến đây là được thưởng thức khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp.
Thật may mắn là lúc lên đến núi Sam cũng là thời điểm hoàng hôn buông xuống. Chúng tôi vừa được hít thở bầu không khí trong lành của miền Tây, vừa ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn ngoạn mục trên đồng bằng sông Cửu Long.
Thời điểm tôi đi là tháng 10 nên những cánh đồng lúa bên dưới đều xanh ngắt, một màu xanh tươi mới và dễ chịu. Cảnh đẹp đến vậy nhưng chỉ lác đác có vài khách du lịch nên tha hồ chụp ảnh và tận hưởng. Cảm giác bình yên khiến tôi ngay lập tức quên đi cảnh khói bụi và xô bồ của chốn Sài Thành. Có thể nói, hoàng hôn ở Châu Đốc là một trong những cảnh hoàng hôn đẹp nhất tôi từng được ngắm nhìn. Không chỉ có vậy, chúng tôi đến Châu Đốc vào đúng dịp trăng rằm nên đêm nào cũng được ngắm nhìn ánh trăng sáng tỏ và thơ mộng.
Khám phá ngôi chùa có hang sâu
Nhắc đến du lịch tâm linh ở Châu Đốc, ai cũng nói nhất định phải đến miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng ở chân núi Sam. Nhưng với mục đích vãn cảnh chùa là chính, chúng tôi đã dành thời gian đi chùa Phước Điền hay còn gọi là chùa Hang. Ngôi chùa ban đầu là một am tu giản dị được dựng lên từ khoảng những năm 1840 - 1850 bởi ni sư Lê Thị Thơ (1818 - 1899), pháp danh Diệu Thiện. Sau các lần mở rộng và trùng tu, chùa Hang trở thành một danh lam thắng cảnh trên núi Sam và được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1980.
Để vào bên trong chùa, du khách phải gửi giày dép bên ngoài và đi đất toàn bộ quãng đường còn lại (đoạn đường này khá dài, bao gồm cả phần ngoài sân và trong hang). Nếu đi tham quan hết chùa sẽ mất khoảng 2 giờ. Khung cảnh nơi đây tĩnh mịch với lối kiến trúc khá độc đáo và tinh xảo. Các tiểu cảnh ở không gian ngoài trời thì đẹp tựa tiên cảnh, có rất nhiều góc chụp ảnh đa dạng. Lên đến phần cao nhất của chùa, chúng tôi còn được ngắm cảnh đồng bằng mênh mông bát ngát và hưởng làn gió mát sảng khoái.
Phần thú vị nhất đối với tôi là được khám phá không gian bên trong hang của chùa. Hang khá sâu với nhiều hốc có đặt tượng thờ, cảm giác vô cùng tĩnh lặng và bí ẩn. Lần đầu tiên, tôi tham quan một hang sâu trong núi với đôi chân trần, tiếp xúc trực tiếp với đất thiêng đã đem đến những cảm xúc rất khó tả. Chuyến tham quan này cũng không có hướng dẫn viên dẫn đường. Lúc đầu, tôi có chút sợ hãi giống như mình đang lạc vào một mê cung huyền bí không có lối thoát. Thế nhưng chỉ cần lắng tai nghe kĩ, bạn sẽ thấy có tiếng nước chảy róc rách. Trong hang sâu, nước chính là biển hiệu chỉ đường đặc biệt và chỉ cần đi theo hướng nước chảy là sẽ tìm ra lối đi.
Mùa nước nổi nên thơ ở rừng tràm
Chúng tôi chọn đi Châu Đốc vào tháng 10 cũng bởi nghe nói mùa nước nổi khoảng tầm tháng 9 đến tháng 11 là đẹp nhất. Trước khi khởi hành, tôi cũng hơi lo lắng rằng mùa này sẽ mưa nhiều, nhưng may mắn là trời thường mưa vào chiều tối hoặc về đêm, còn buổi sáng vẫn nắng đẹp để đi chơi. Châu Đốc mùa nào cũng đẹp nhưng độc đáo nhất có lẽ là mùa nước nổi, khi bèo cám xanh mơn mởn phủ kín mặt nước rừng tràm.
Ngày cuối ở Châu Đốc, chúng tôi háo hức đi thăm rừng tràm Trà Sư, cứ ngỡ đông khách du lịch lắm nhưng lúc đến nơi hầu như không có ai, thì ra vì hôm đó là ngày thường. Điều này khiến trải nghiệm rừng tràm của chúng tôi càng thêm thư giãn khó quên.
Cảnh sông nước đặc trưng của miền Tây dần hiện ra trước mắt, nhiều đoạn bèo cám phủ kín mặt nước, uốn lượn thành nhiều mảng xanh ngắt trông thật nghệ thuật. Ấn tượng nhất là lúc chúng tôi đi lên cầu gỗ Tình Yêu, dưới cầu là bèo xanh, bên trên là các hàng cây tràm mảnh khảnh, thật sự là một cảnh đẹp độc đáo có lẽ chỉ tìm thấy nơi đây.
Bữa trưa ở rừng tràm cũng rất ngon miệng. Chúng tôi gọi gà nướng mật ong và cá lóc hấp, đồ ăn tươi, chế biến kiểu dân dã miền Tây. Ở đây, bạn sẽ được ngồi ăn ở các chòi gỗ nhô ra mặt nước, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Ngay gần đó, có một đài quan sát chim, nhưng nghe nói đi sáng sớm và chiều tối thì sẽ ngắm được cảnh chim bay đẹp hơn nên chúng tôi bỏ qua trải nghiệm này. Trước khi tạm biệt rừng tràm, chúng tôi còn được ngắm hoa giấy thỏa thích với đủ mọi màu sắc và thử nước thốt nốt và quả cà na. Rừng tràm Trà Sư xứng đáng là một điểm du lịch không thể bỏ qua của Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị.
Đặc sắc trang phục dân tộc Chăm
Tuy không đi thăm làng Chăm nhưng thật tình cờ chúng tôi vẫn được tìm hiểu về trang phục dân tộc này tại chính rừng tràm Trà Sư qua lời kể của các chị người Chăm làm việc tại đây. Điểm đặc biệt là các bạn nữ có thể thuê trang phục Chăm để chụp ảnh chỉ với giá 30.000 đồng/bộ. Trang phục tôi thuê là bộ váy áo bằng vải gấm màu vàng hồng rất lộng lẫy của thiếu nữ Chăm, có đi kèm khăn che tóc vì người Chăm theo đạo Hồi. Các bạn nữ cũng có thể chụp ảnh với áo bà ba tại rừng tràm Trà Sư, nhưng ở đây áo bà ba chỉ bán chứ không cho thuê. Còn theo tôi thì một bộ trang phục Chăm sẽ lạ và nổi bật hơn nhiều.
Trong dịp khám phá Châu Đốc này, chúng tôi đã bỏ qua khá nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác như núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ và các làng người Chăm. Nếu bạn yêu thích kiểu du lịch nghỉ dưỡng thư giãn thì chỉ ba địa điểm núi Sam, chùa Hang và rừng tràm Trà Sư hoàn toàn có thể đem đến một kỳ nghỉ nhẹ nhàng mà vẫn không kém phần lý thú. Vẻ đẹp bình yên của Châu Đốc mùa nước nổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và làm tôi vô cùng hài lòng với chuyến đi lần này. Cho dù có tìm hiểu kĩ đến đâu trước chuyến đi thì chắc chắn Châu Đốc vẫn sẽ đem đến cho bạn những điều ngỡ ngàng tuyệt vời, đặc biệt là sự thân thiện chân chất của người dân nơi đây sẽ khiến bạn muốn quay lại.
Thông tin thêm
Di chuyển: Bạn có thể đi từ Sài Gòn đến Châu Đốc bằng xe khách hoặc thuê xe riêng. Châu Đốc có dịch vụ thuê xe máy của các khách sạn hoặc đi taxi.
Khách sạn: Chúng tôi chọn khách sạn Victoria Núi Sam, giá một phòng đôi khoảng 1.400.000 đồng/đêm. Khách sạn nằm trên núi nên có nhiều cầu thang, vì vậy không nên mang hành lý quá khổ và người bị đau chân nên cân nhắc.
Ẩm thực: Bún cá linh, lẩu mắm, đường thốt nốt, bông điên điển (một loại hoa vàng ăn hơi giống hoa thiên lý), lá giang, xôi xiêm, quả cà na... là những món mà du khách nên nếm thử.
Địa điểm tham quan: Khu du lịch Núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, làng Chăm Đa Phước và làng Chăm Châu Giang.
Lưu ý khác: Nên mang theo thuốc xịt muỗi, mắc màn khi ngủ và mặc quần áo dài để phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy tháng 9 đến tháng 11 là mùa mưa nhưng nắng vẫn gắt, vì vậy vẫn nên mang theo kem chống nắng, mũ hoặc ô.