Việt Nam khắc phục hạn chế về công tác quảng bá và hạ tầng du lịch

10/12/2019

Phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 đã diễn ra vào chiều 9/12 tại Hà Nội với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh". Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế về du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm. Thứ hạng về hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Riêng tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Đó là những con số khả quan được ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra trong bài phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra chiều 9/12.

Ông Lê Quang Tùng -Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc phiên toàn thể.

Ông Lê Quang Tùng -Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc phiên toàn thể.

Tuy vậy, ông thừa nhận nhiều thách thức còn tồn tại như năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp.

Phiên toàn thể thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tổ chức lại hoạt động du lịch thông qua hai chuyên đề chính: Giải pháp “Vì một Việt Nam đẹp, yêu chuộng hòa bình văn hóa đặc sắc trong lòng du khách” và "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không, chắp cánh cho du lịch".

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tại chủ đề 1, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về những hạn chế trước mắt cần phải giải quyết. Trong đó, chỉ số bền vững môi trường và hạ tầng du lịch của Việt Nam đang xếp vào nhóm thấp nhất thế giới là điều rất cần khắc phục. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế...

Empty

Nhiều đại biểu tại Diễn đàn cũng đặt ra quan ngại về ngân sách quảng bá cho du lịch Việt khiêm tốn với con số 2 triệu USD mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho biết sẵn sàng tham gia đề xuất mở quỹ 60 tỷ đồng để góp phần quảng bá du lịch Việt.

Tại chủ đề 2, một vấn đề trọng điểm được Diễn đàn Cấp cao Du lịch nêu ra là quá tải hạ tầng hàng không. Theo ông Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không, hạ tầng quá tải là đương nhiên vì Việt Nam có 22 sân bay, nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)... Trong khi hạ tầng hàng không quá tải ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch, bởi 80% khách du lịch đến Việt Nam qua đường hàng không.

Cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển hạ tầng du lịch.

Cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển hạ tầng du lịch.

Để giải quyết vấn đề này, ở góc độ tư nhân, ông Chu Việt Cường - thành viên HĐQT Vietjet đề nghị, cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng. Theo ông, hiện nhiều quốc gia Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt. Việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư là cần thiết nhưng chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Vấn đề visa cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách mời quốc tế khác. Ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định, tuy đứng đầu Đông Nam Á, số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 70%. Để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, theo ông, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...

Đại sứ Anh - Gareth Warth đề xuất giải pháp phát triển du lịch Việt Nam.

Đại sứ Anh - Gareth Warth đề xuất giải pháp phát triển du lịch Việt Nam.

Phiên toàn thể chiều qua còn diễn ra lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Đáng chú ý là ký kết hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn Du lịch về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia.

Thông tin thêm

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 - năm 2019 do Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện cấp cao thường niên nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (ViEF) - diễn đàn đối thoại công - tư lớn nhất giữa Chính phủ cùng doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

My Tống
RELATED ARTICLES