Ngôi chùa mà tôi nói đến là chùa Bửu Long (Quận 9, TP.HCM). Cùng với chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, hai ngôi chùa này từng được trang du lịch nổi tiếng thế giới National Geographic xướng tên là một trong những ngôi chùa đẹp được nhiều người biết đến.
Xách chiếc ba lô lên rồi chạy con xe cà tàng khởi hành đến chùa khi nắng ngày mới lên, dù đoạn đường dài ngồi tê rần cả cẳng chân nhưng trong lòng tôi lại háo hức vô cùng. Rốt cục cũng đến nơi và quả thật, không thất vọng khi được nhìn thấy tận mắt một trong hai ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam.
Chùa Bửu Long được xây theo lối kiến trúc Phật giáo Nam Tông, khác với kiến trúc Bắc Tông thường thấy. Với Phật giáo Bắc Tông thì chùa nào cũng thờ Quan Âm, còn với Phật giáo Nam Tông thì không hề có tượng nữ, đặc biệt lại thờ thần rồng Naga. Hình dáng của thần rồng Naga không hề có chân, và là thần bảo hộ giếng nước, sông hồ, biển cả. Tương truyền, vào lúc Đức Phật Thích Ca sinh ra đã được thần rồng Naga tắm mát và bảo hộ Đức Phật trong lúc người tu đạo. Thần rồng Naga cũng là một trong hai vị thần đứng đầu trong Thiên Long Bát Bộ, bên cạnh Đế Thích Thiên trong Bát Bộ Chúng.
Trong sân chùa có một hồ nước, và chính giữa có một bức tượng thần rồng Naga nhiều đầu phun nước biểu trưng cho sự thịnh vượng, mưa thuận gió hòa. Những lối đi cầu thang đều có các bức tượng thần rồng Naga uốn quanh theo với ý nghĩa liên kết thiên giới và hạ giới.
Có thể nói chùa Bửu Long là một trong những ngôi chùa mang nhiều hình ảnh tốt đẹp và phước lành nhất tôi từng thấy. Trong sân chùa còn có hình ảnh chim hạc cưỡi rùa vốn được nhìn thấy nhiều trong đền miếu của Việt Nam. Hạc và rùa tượng trưng cho trời đất và âm dương. Thuở xưa, hạc và rùa là đôi bạn thân, khi trời mưa giông bão thì rùa chở hạc đến nơi đất liền còn khi trời hạn khô thì hạc cắp rùa đến nơi sông nước. Ngoài ra còn có tượng hai chú voi hành lễ hướng Phật - con vật có liên quan mật thiết đến Đức Phật bởi được coi là một trong những tiền kiếp của Đức Phật.
Vào bên trong chùa, mỗi một tầng đều có tháp trưng biện xá lị rất đẹp, lung linh, lấp lánh và huyền bí. Tương truyền, xá lị là tinh hoa, cốt tủy của các vị Thánh Tăng, Chư Phật đã viên tịch. Những hũ thủy tinh trong suốt đựng những viên xá lị màu đỏ, vàng, lục... đủ màu sắc như những hạt ngọc phát sáng, soi đường dẫn lối cho mọi người thoát khỏi bể khổ. Ở tầng cao nhất có tượng Phật nằm viên tịch, hình ảnh này khiến tôi bất chợt rơi nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ mình đã được rũ sạch mọi mệt mỏi, lo âu của cuộc sống thường nhật.
Nếu bạn từng mơ ước được đặt chân đến chùa vàng, chùa bạc trên đất Thái nhưng không có điều kiện thì hãy một lần đặt chân đến chùa Bửu Long để cảm nhận sự thanh thoát, xóa tan mọi ưu phiền, để thấy Phật rất ở gần chúng ta.