10 kiến trúc đình đền chùa Việt cổ nổi tiếng ở Hà Nội

14/01/2019

Tết này, tạp chí Travellive mời bạn đọc theo chân kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tìm hiểu về 10 ngôi đình, đền, chùa nổi tiếng ở Hà Nội còn bảo tồn được phần nào kiến trúc Việt cổ.

Đình, đền và chùa đều thuộc loại hình kiến trúc cổ truyền thống của người Việt, thường gắn liền với văn hóa làng xã và chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh xã hội Việt. Có thể nói đình, đền và chùa chính là bộ mặt của nền tảng kiến trúc, mỹ thuật cổ của người Việt và là kho tàng để khai thác biết bao kiến thức về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, Hán nôm… Đặc biệt, mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng nên vị trí xây dựng đình, đền và chùa thường gắn với cảnh quan tuyệt đẹp, không ít nơi có thể coi là những thắng cảnh nhân gian thu hút khách hành hương và vãn cảnh.

Chùa Việt – sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa

Phật giáo vào nước Việt từ rất sớm, nhiều nghiên cứu cho rằng từ đầu Công Nguyên. Phật giáo vào nước Việt nhanh chóng kết hợp với tín ngưỡng bản địa từ đó dẫn đến nhu cầu hình thành những công trình kiến trúc để thờ Phật. Vì vậy, chùa cũng có thể có từ sớm và dấu tích hiện nay cho thấy chùa phát triển mạnh vào thời Lý – Trần khi đạo Phật trở thành Quốc giáo của nước ta. Thời đấy, có lẽ chùa chiền được dựng khắp nơi. Đến nay, do thiên nhiên khắc nghiệt, qua nhiều lần trùng tu và do hậu quả của chiến tranh nên các ngôi chùa còn tồn tại không còn giữ được nguyên vẹn.

Chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi Tự”, thuộc làng Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Chùa Bối Khê ngoài quy mô, không gian cảnh quan đẹp còn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, mỹ thuật của người Việt. Theo văn bia, chùa được dựng vào năm Khai Hựu thứ 10 (1338). Văn bia còn cho biết chùa đã từng bị quân Minh phá hủy, sau đấy được tu bổ, dựng lại và mở rộng vào các đời sau nên có thể nhận thấy kiến trúc, chạm khắc chùa Bối Khê mang nhiều phong cách nghệ thuật của các giai đoạn khác nhau. Hiện vật cổ nhất còn giữ lại ở chùa là bệ Phật bằng đá hình hộp chữ nhật có niên đại cụ thể (1382) và một số mảng chạm rồng trên ván dong và bảy hiên thượng điện có phong cách nghệ thuật thời Trần. Tòa thượng điện còn giữ được gần như nguyên vẹn hai bộ vì nóc có phong cách nghệ thuật thời Mạc. Tuy thế ở phía ngoài, tòa tiền đường lại hoàn toàn có kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra phía sau chùa Bối Khê còn tòa thờ Thánh Nguyễn Bình An. Tòa này có kiến trúc mặt bằng gần như vuông, mái làm theo kiểu chồng rường và gác lên hệ đấu củng nhìn khá đặc biệt.

Tượng quan âm Nam Hải trên bệ Phật đá thời Trần

Tượng quan âm Nam Hải trên bệ Phật đá thời Trần

Bộ vì nóc thượng điện thời Mạc

Bộ vì nóc thượng điện thời Mạc

Tiền đường chùa Bối Khê

Tiền đường chùa Bối Khê

Chùa Thầy nằm trong khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách thuộc thị trấn Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa Thầy có tên chữ là “Thiền Phúc Tự” và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa có địa thế, cảnh quan vào loại đẹp nhất Việt Nam. Theo truyền thuyết, toàn bộ ngôi chùa chính được xây dựng trên thế đất hình rồng, lưng tựa núi Sài Sơn mặt hướng ra hồ Long Trì. Núi Sài chính là con rồng, chùa được dựng trên trán rồng, sân chùa là lưỡi rồng, hai giếng là mắt rồng, Nhật – Nguyệt tiên kiều là hai râu rồng, thủy đình trên hồ là viên ngọc của rồng. Chùa chính gồm ba tòa song song nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Hạ và chùa Trung nối với nhau bằng phần ống muống tạo thành thế “hạ Công, thượng Nhất”. Kiến trúc chùa đến nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, tuy nhiên chùa Thầy lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ hơn của các thời khác nhau như bệ Phật đá tạo hình sư tử đội tòa sen thời Lý, bệ Phật đá, ngai thờ thời Trần, bệ tượng thời Lê Sơ, khám thờ, bệ tượng thời Mạc... Có thể nói chùa Thầy như một bảo tàng lưu giữ các hiện vật cổ có giá trị nghệ thuật cao.

Empty
Empty

Chùa Tây Phương nằm ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Chùa có tên chữ là “Sùng Phúc Tự” và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Toàn bộ khuôn viên chùa nằm trên một ngọn núi cao, khi qua cổng tam quan hạ ở dưới chân núi là con đường dẫn lên chùa làm bằng những bậc đá ong rắn chắc, với hai bên là cảnh quan rừng núi. Chùa chính là ba tòa có kiến trúc chồng diêm hai tầng mái được bố cục theo mặt bằng hình chữ “Tam”. Đặc biệt, chùa Tây Phương còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật thời Tây Sơn có giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao như bộ tượng Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Tổ đã đi vào bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của tác giả Huy Cận, bộ tượng Kim Cương... Tất cả đều là những kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc cổ của người Việt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
chua tay phuong (1)

Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Chùa Hương là một quần thể văn hóa rộng lớn bao gồm hệ thống đền, chùa, sông, núi, hang, động... kết hợp lại tạo thành hệ sinh thái động thực vật quí giá, phong phú trải dài khắp 5 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên và được chia làm ba tuyến chính: Thiên Trù – Hương Tích; Long Vân – Thanh Sơn; Bảo Đài – Tuyết Sơn. Với địa thế, không gian cảnh quan bề thế như vậy nên hội chùa Hương hàng năm kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan lễ Phật. Đến nay chùa Hương vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ giá trị như hệ thống bia đá, chuông đồng, tượng Phật, đặc biệt nhất là pho tượng Quan Âm tọa sơn bằng đá xanh tạo tác năm 1794 cũng là một kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc đá cổ. Toàn bộ quần thể chùa Hương cũng được xếp là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Gác chuông Thiên Trù

Gác chuông Thiên Trù

Tượng Quan Âm tọa sơn bằng đá

Tượng Quan Âm tọa sơn bằng đá

Động Hương Tích

Động Hương Tích

Đền – không gian tâm linh “uống nước nhớ nguồn”

Đền của người Việt cũng thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo nhằm mục đích thờ các vị thần thánh, các vị vua, các vị danh nhân tài giỏi hoặc có công lớn trong lịch sử... nên đền cũng gắn chặt với tâm linh tín ngưỡng của người Việt và được xây dựng ở khắp nơi. Những ngôi đền cổ thường được chọn ở những vị trí được cho là linh thiêng, nhiều khi nằm khá độc lập và tọa lạc trên một vùng đất rộng có cảnh quan rừng núi hoặc cánh đồng bao quanh khá tĩnh lặng và uy nghiêm. Tuy nhiên, đến nay, do quá trình đô thị hóa nên khuôn viên đền đã bị co hẹp lại, thậm chí vây sát xung quanh là nhà ở. Đền cũng không xác định được chính xác được hình thành từ bao giờ. Các ngôi đền cổ hiện nay đa số có kiến trúc phong cách thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn và rất ít ngôi đền còn giữ được một phần cấu kiện kiến trúc phong cách thời Mạc.

Đền Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Đền thờ Thánh Gióng, người anh hùng trong truyền thuyết có công đánh đuổi giặc Ân, đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Khu di tích đền Sóc nằm tách biệt và ẩn mình trong một vùng rừng núi bao la với quang cảnh thâm nghiêm, cổ kính. Với vị trí như vậy, không gian đền Sóc mang đến có cảm giác thư thái và yên bình. Kiến trúc hiện nay của đền Sóc là kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn, có nhiều hạng mục như đền Hạ, đền Thượng, chùa Đại Bi, đền Mẫu và chùa Non Nước. Phần lớn các hạng mục của đền có quy mô nhỏ, nằm hài hòa với cây cỏ xung quanh. Duy có chùa Non Nước ở trên núi hiện đã được xây mở rộng thêm với quy mô khá bề thế.

Đền Thượng

Đền Thượng

Chùa Non Nước

Chùa Non Nước

Đền Phù Đổng cũng là một nơi thờ Thánh Gióng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Đền nằm quay mặt ra đê sông Đuống, trước mặt là hồ. Đền có đầy đủ các hạng mục: thủy đình, ngũ môn, phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc và ít nhiều còn giữ được kiến trúc thời Lê Trung Hưng với nhiều mảng chạm rồng, thú... Ngoài cổng ngũ môn có đôi rồng, phía trong là đôi nghê đứng chầu. Cả rồng và nghê được tạo tác vào khoảng thế kỷ XVIII, đều bằng đá đậm chất dân gian, nhìn ngộ nghĩnh, hiền hòa. Ngoài ra, đền vẫn bảo lưu được nhiều di vật cổ. Với những giá trị như vậy, đền Phù Đồng cũng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Cổng Ngũ Môn

Cổng Ngũ Môn

Đền Hai Bà Trưng thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Đền thờ hai bà Trưng Trắc và Trung Nhị, hai vị nữ anh hùng dân tộc đã có công đánh đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào những năm 40 – 43. Đền tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng với hai bên là cánh đồng lúa mênh mông. Quy mô của đền có nhiều hạng mục như nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ - thân mẫu của hai Bà, đền thờ các nữ tướng, đền thờ các nam tướng, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi và dấu tích thành cổ Mê Linh – tương truyền ngày xưa có cung điện được xây dựng ở đây. Kiến trúc hiện nay của đền chủ yếu là kiến trúc phong cách thời Nguyễn. Ngoài những di vật cổ bằng đá ở ngoài như voi, ngựa đá, rồng đá thành bậc, đền còn giữ được nhiều di vật cổ bằng gỗ như kiệu, khám thờ... Đền Hai Bà Trưng cũng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

den hai ba trung (3)

Đình – Đặc trưng điển hình nhất cho kiến trúc Việt cổ

Ngôi đình chính là hạt nhân quan trọng nhất trong ngôi làng của người Việt. Chùa và đền là hai loại hình gắn với tôn giáo tín ngưỡng ngay từ khi hình thành nhưng đình không phải vậy. Khởi nguyên, có thể chỉ là những ngôi đình trạm, vốn là nhà công cộng để nghỉ chân, đình dần phát triền thành nơi sinh hoạt văn hóa của cả dân làng. Đình ngày càng gắn chặt và xoay quanh cuộc sống của dân làng. Trong một ngôi làng, ngôi đình là công trình kiến trúc lớn và bề thế nhất. Ngôi đình thường chứa đựng mọi tâm tư, nguyện vọng thông qua những hình ảnh mỹ thuật chạm khắc được người dân thể hiện trong quá trình dựng đình. Do đó, có thể nói đình là gương mặt điển hình và đặc trưng nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam. Hiện nay, cũng giống như chùa và đền, các ngôi đình cổ cũng đã ít nhiều biến đổi so với ban đầu. Ngôi đình được coi là sớm nhất vẫn còn tồn tại đến nay là đình Thụy Phiêu ở Ba Vì. Đình còn giữ được nhiều cấu kiện kiến trúc có chạm khắc phong cách nghệ thuật thời Mạc. Ngoài ra đình vẫn còn cây cột cái khắc ba dòng chữ: “Thôn Đông, giáp Nam, Đại Chính nhị niên, Tân Mão niên, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý” nghĩa là: “Ngày bảy tháng mười hai năm Tân Mão niên hiệu Đại Chính thứ 2 (1531) giáp Nam, thôn Đông tu sửa đình”.

Đình làng Tây Đằng trước thuộc Kẻ Đằng, phủ Quảng Oai, nay thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Đình đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt. Dù không xác định được niên đại khởi dựng cụ thể nhưng qua nghiên cứu, đình Tây Đằng cũng mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Mạc. Đình Tây Đằng có khuôn viên không rộng nhưng khá hoàn chỉnh, đầy đủ nghi môn kiểu tứ trụ, tả - hữu vu, đại đình và hồ nước bán nguyệt. So với đình Thụy Phiêu, kiến trúc chạm khắc của đình Tây Đằng còn lại khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh. Các mảng chạm khá dày có phong cách nghệ thuật thời Mạc, miêu tả các đề tài về con người, rồng, phượng, thú cùng nhiều hoạt cảnh sinh động. Nổi bật là các ván nong chạm đề tài hoa lá mềm mại tựa như đang đung đưa trong gió. Rất nhiều mảng chạm ở đây đã được các nhà nghiên cứu nổi tiếng đưa vào sách. Có thể nói đình Tây Đằng chính là tiêu biểu của kiến trúc đình làng có phong cách nghệ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI).

Đình làng Chu Quyến trước thuộc làng Chu Chàng, xã Châu Chàng, phủ Quảng Oai nên thường gọi là đình Chàng, nay thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đình có không gian cảnh quan xung quanh đẹp, bao bọc bởi những cánh đồng lúa, phía trước là hồ nước lớn. Đình Chu Quyến là một ngôi đình tiêu biểu cho giai đoạn kiến trúc có phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Kiến trúc chính là một tòa đại đình lớn gồm ba gian hai chái với mặt đứng có tỷ lệ mái khá cao, bằng khoảng hai lần so với thân đình. Hiện nay tòa đại đình vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc, các mảng chạm, sàn đình và hệ cột rất lớn. Rồng được chạm nhiều trên các cấu kiện kiến trúc theo các đề tài dân gian như “rồng ổ”, “táng mả hàm rồng” mang phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng với sự hình thành chạm trổ kiểu đao mác. Tượng tròn cũng là đề tài nổi bật của đình Chu Quyến được thể hiện gắn trên các tai cột mô tả người cưỡi hổ, cưỡi voi... rất sinh động, có tính nghệ thuật cao. Đặc biệt là bức tượng tròn chạm phượng như nói lên câu chuyện gà mẹ đang che chở đàn gà con, chưa thấy ở các ngôi đình khác.

Đình So trước đây thuộc xã Sơn Lộ, tổng Tiên Lữ, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Dấu tích để lại ở đình So sớm nhất vào khoảng thế kỷ XVII nhưng không nhiều mà kiến trúc hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với quy mô khá rộng lớn. Đình So nằm trên một địa thế phong thủy hữu tình, cảnh quan rất đẹp. Phía trước đình là hồ bán nguyệt lớn được bo bởi con đê hình vòng cung. Trên hồ bán nguyệt là sân đình hình chữ nhật nối với nghi môn là hàng bậc đá có thành bậc chạm rồng. Tiếp qua nghi môn là sân trong rồi mới đến tòa đại đình, toàn bộ được bao bọc bởi các công trình phụ trợ xung quanh tạo thành mặt bằng theo kiểu “nội Công, ngoài Quốc”. Đề tài chạm khắc trong tòa đại đình chủ yếu là rồng, phượng, lân và tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Tuy không cổ kính như đình Tây Đằng, Chu Quyến nhưng đình So vẫn luôn để lại ấn tượng mạnh cho người đến thăm nhờ không gian kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp.

dinh so (3)
Trần Trung Hiếu
RELATED ARTICLES