Ước mơ của những người thích leo núi
Khi nghe tin tôi chuẩn bị đi Nepal leo núi, cô bạn gửi cho “Everest” – một cuốn sách khá cũ, có lẽ cũng qua tay khá nhiều người chia sẻ câu chuyện về những chuyến leo núi đầu tiên chinh phục ngọn núi ấy, về khát khao của con người từ thế kỷ trước và chân dung những nhà leo núi vĩ đại, những người đầu tiên lên đến đỉnh của ngọn núi Everest này.
Nếu như Fansipan là nóc nhà của Việt Nam, của Đông Dương thì Everest là nóc nhà của thế giới với độ cao hơn 8.000 m. Ở Việt Nam cũng có vài người từng đặt chân đến trong một chuyến đi hơn 10 năm trước và đến nay, việc trở thành những người tiếp theo chinh phục Everest dường như là ước mơ của nhiều người. Nhưng đây quả thực không phải là điều dễ dàng. Một thống kê nào đó đã cho biết, cứ 16 người chinh phục thành công thì sẽ có một người nằm lại hoặc mất tích. Người Việt, với sự bất lợi về thể trạng, ước mơ chinh phục đỉnh Everest ấy còn xa vời hơn.
Chuyến đi này, nhóm chúng tôi chọn mục tiêu là Everest Base Camp - bước đầu tiên để các nhà leo núi lên tiếp đến Trạm 1, Trạm 2, Trạm 3… và đỉnh Everest. Trên chặng đường ấy, có thể chúng tôi cũng sẽ có cơ may ngắm nhìn nóc nhà thế giới.
Dọc đường chinh phục
Sau khi đặt vé máy bay và tìm hiểu sơ bộ về lịch trình, việc của chúng tôi lúc này là tìm cho mình một đối tác đủ tin tưởng có thể hướng dẫn nhóm trong chuyến đi này. Mặc dù đã leo một vài đỉnh núi nhưng với độ cao từ khoảng 3.000 m đến hơn 5.000 m trong thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi không thể mạo hiểm tự vác balo mà đi được.
Ở Kathmandu, chúng tôi chọn ở khu vực Thahity để dễ dàng mua và thuê thêm đồ cho chuyến đi, rồi thưởng cho mình bữa tối tại nhà hàng Mountain Steak House nổi tiếng với dân trekking bởi món beef steak khổng lồ (500 gr và 1 kg cho mỗi suất ăn). Món bò ở đây tươi ngon và giúp bổ sung năng lượng rất tốt. Cả trước và sau khi hoàn thành chuyến đi chinh phục Everest Base Camp, chúng tôi đều ghé đến đây.
Chuyến bay từ Kathmandu đến Lukla là một trong những chuyến bay nguy hiểm nhất thế giới, sử dụng máy bay cánh quạt nhỏ 14 chỗ ngồi và sân bay Lukla là sân bay có đường băng dài chưa đến 2 km, dốc nhất thế giới và nằm ngay trên vách núi. Ở đường bay này, việc hạ cánh, cất cánh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là tình trạng sương mù ở Lukla. Nếu không đủ an toàn, đường bay có thể bị ngưng vài ngày và khách du lịch có thể chọn huỷ chuyến lấy lại tiền, hoặc ngồi chờ, hoặc bỏ thêm chi phí để thuê trực thăng bay thẳng lên Lukla. Chúng tôi bị delay chặng bay này cả khi đi lẫn về. Thậm chí, chuyến bay của hành trình quay về bị hủy và chúng tôi đã phải chờ đợi đến 24h trước khi được bay về thủ đô.
Do chuyến bay trễ ba tiếng nên khi đến Lukla, chúng tôi phải nhanh chân cho kịp trước khi trời tối. Lúc này, chúng tôi ở độ cao khoảng 2.800 m, điểm thấp nhất ở đây cũng đã ngang bằng với một số ngọn núi thuộc top 10 ở Việt Nam. Đón nhóm chúng tôi là bạn tour guide người Sherpa, một dân tộc vùng cao ở Nepal, những người phù hợp nhất với việc giúp đỡ các nhà leo núi chinh phục nóc nhà thế giới.
Đoạn đường trekking đầu tiên chủ yếu xuống dốc, men theo con đường nhỏ lượn quanh vách núi. Đoạn đường đầu tiên rộn ràng tiếng chào nhau của những trekker, gồm cả những người mới xuất phát và cả những người trở về sau khi đạt được mục đích của mình. Còn chúng tôi thì lạ lẫm, bỡ ngỡ với những gì lần đầu tiên được nhìn thấy - nó khác xa với những con đường trek ở Việt Nam mà tôi từng thấy qua.
“Tháng 4, sẽ có nhiều hoa đẹp trên con đường trekking Everest Base Camp". Tôi bán tín bán nghi với lời chia sẻ kèm hình ảnh của bạn tour guide trên Facebook. Nhưng khi con đường ngập sắc hoa đỗ quyên hiển hiện ngay trước mắt, mọi hoài nghi trong tôi đã hoàn toàn tan biến.
Đỗ quyên là quốc hoa của Nepal, được in lên tiền và là biểu tượng quảng bá cho du lịch. Không giống như đỗ quyên ở Việt Nam có kích cỡ lớn, hoa ở Nepal nhỏ hơn, có lẽ do ảnh hưởng của độ cao và thời tiết khắc nghiệt. Ở mỗi độ cao, chúng tôi lại bắt gặp một loại đỗ quyên với những màu khác nhau từ hồng, trắng đến phơn phớt hồng và càng lên cao thì bông càng nhỏ. Thời điểm này cũng là lúc hoa anh đào nở rộ nhất nhưng chỉ một tuần sau, khi chúng tôi trở lại thì hoa đã rụng hết.
Là đất nước Phật giáo, không khó để bắt gặp ở Nepal những dây cờ cầu nguyện, gồm năm lá với năm màu, được treo khắp nơi, dọc các cây cầu, khắp các ngôi nhà và ở những đỉnh núi cao. Với người dân Nepal và nhiều những đất nước Phật giáo khác, lá cờ cầu nguyện mang ý nghĩa to lớn và thường được vẽ hình và chép kinh Phật lên, treo cao để bay trong gió với hi vọng đem lại may mắn và bình an. Ngoài ra, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những dòng chữ được khắc vào vách đá, khắp các bờ tường… mà theo lời của tour guide, đó là kinh Phật được khắc lên đá từ lâu đời.
Con đường trekking lên Everest Base Camp được kè bằng đá, không chỉ dành cho những người leo núi mà còn là con đường vận chuyển lương thực, hàng hoá… chủ yếu để phục vụ ở các tea-house cho khách du lịch. Việc vận chuyển đồ này hoàn toàn sử dụng sức người và gia súc, không hề có một phương tiện cơ giới nào. Với những bao tải đồ được chất trên lưng, từng đàn bò yak (một giống bò khổng lồ của Tây Tạng) và lừa chen chân những nhà leo núi mà đi lên. Nếu đang đi mà nghe thấy tiếng leng keng đang đến gần, nhớ tranh thủ nép vào sát mép núi, nhường đường cho những chú bò hay lừa đi qua nhé. Ít nhất hai lần trong hành trình này, tôi bắt gặp cảnh những chú lừa vì chen chân nhau mà trượt chân rơi xuống vực, may mắn được cây lớn đỡ lại và được người kéo lên… Nhớ nhé, nép sát về phía mép núi, tránh việc hoặc là lũ lừa hoặc là chính bạn bị đẩy xuống vực.
Đi cùng tour guide hỗ trợ đoàn chúng tôi là hai chú bò yak mang vác đồ đạc của bảy người. Những đoàn leo núi khác thì thuê những phu khuân vác người Sherpa. Những túi đồ to hơn cả cơ thể, thậm chí những cây gỗ lớn, mái tôn để dựng nhà đều được phu khuân vác mang trên lưng mà nhích từng bước một. Với mức lương 18 - 20 USD/ngày thì mặc dù nặng nhọc nhưng từ khi khách du lịch đến với Nepal cũng như cung đường Everest Base Camp được nhiều người biết đến, công việc này giúp họ đem lại nguồn thu kha khá để đảm bảo cuộc sống.
Đích đến là khởi đầu!
Ngày thứ ba của hành trình, tôi tỉnh giấc sau một đêm mưa lạnh ở Namche Bazzar trong phòng ngủ của hostel. Độ cao lúc này rơi vào khoảng 3.405 m, cao hơn đỉnh Fansipan, nhiệt độ khoảng 1oC. Ngoài cửa sổ, ngọn núi Kongde Ri phủ băng tuyết trắng xóa, cao hơn 6.107 m đang ló dạng dưới những ánh nắng đầu tiên của ngày. Sau ngày này, trên dọc đường đi, dãy núi, con sông hay thậm chí những con đường, hầu hết hoặc phủ đầy băng giá, hoặc mịt mờ sương lạnh thấu xương.
Tôi lần đầu chạm tay vào tuyết cũng là ở nơi đây. Việc thấy tuyết, đùa nghịch với những bông tuyết khiến chúng tôi, những người sống ở đất nước nhiệt đới quanh năm 30oC, cảm thấy mình như những đứa bé lần đầu được mua cho đồ chơi mới.
Những con dốc ở đường đến Everest Base Camp cũng không quá khắc nghiệt khi đem so sánh với những ngọn núi ở Việt Nam, hoặc do thời gian di chuyển diễn ra trong nhiều ngày nên sự thay đổi độ cao đã được “san sẻ” bớt. Nhưng chứng “sốc độ cao” hay thời tiết khắc nghiệt ở đây cũng làm cho việc di chuyển có vẻ như khó khăn hơn.
Không ít lần tôi gặp những đoàn trekking có các cụ trung niên và cả lão niên. Những ông chú người Nhật hai tay hai gậy đi từng bước theo sự hướng dẫn của các bạn tour guide, hay nhóm các cụ 70 tuổi người Bulgaria chúng tôi gặp ở tea-house Dingboche, ngày vẫn đi và tối vẫn cầm đàn hát hò. Thế nhưng cũng không ít người không kịp thích nghi với độ cao, dẫn đến cơ thể bị phù nề, khó thở hay mệt mỏi…, phải quay về bằng ngựa hoặc trực thăng. Để tránh mắc chứng “sốc độ cao” đó, chúng tôi phải chuẩn bị thể lực bằng những chuyến trekking trong nước, sử dụng thuốc phòng tránh theo sự hướng dẫn của tour guide và uống thật nhiều nước.
Sau 8 ngày trekking liên tục, chúng tôi mới đặt chân đến được Everest Base Camp, độ cao lúc này là 5.364 m. Lọt vào tầm mắt là cả một khu cắm trại khổng lồ với nhiều chiếc lều lớn, đa màu sắc được dựng lên cho những nhà leo núi chuyên nghiệp chuẩn bị hành trình chinh phục nóc nhà thế giới. Cả buổi chiều khi đứng ở đó, trước sông băng Khumbu - con sông băng vĩnh cửu mà tôi đọc đi đọc lại trong cuốn sách “Chinh phục Everest”, tôi cứ nghĩ về khát khao chinh phục đỉnh Everest của những nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách. Đến đây, với chúng tôi là một sự cố gắng nhưng với nhiều người thì chỉ là mới bắt đầu… Suốt cả hành trình, chúng tôi chỉ được nhìn thấy Everest từ phía xa một lần, nhưng mục tiêu của họ là đặt chân lên nó, đứng ở đỉnh cao nhất của cả thế giới. Hành trình sắp tới của những nhà leo núi chinh phục Everest có thể sẽ phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình nhưng với họ, đó chắc chắn là hành trình của cả cuộc đời, hành trình mà họ cảm thấy hạnh phúc nhất!
THÔNG TIN THÊM:
Visa: Người Việt Nam có thể nhập cảnh Nepal bằng visa được cấp trực tiếp tại sân bay với giá 25 USD/15 ngày và 40 USD/30 ngày. Một cung trekking Everest Base Camp thường hết khoảng 11 ngày, do đó, chỉ cần mua visa 15 ngày là đủ.
Hành trình: Từ Việt Nam, không có đường bay thẳng đến Nepal, thường phải transit tại Bangkok hoặc Kuala Lumpur, sau đó đáp chuyến bay của hãng Yeti Airlines để bay từ Kathmandu đến Lukla.
Tiền tệ: Nepal sử dụng đồng tiền Rupees (NPR), bạn có thể đổi ở sân bay Kathmandu hoặc ở khu Thahity. Nên đổi đủ số tiền cần sử dụng trước khi đến Lukla vì càng lên cao thì tỉ giá càng đắt.
Ẩm thực: Ở Kathmandu có thể tìm đến nhà hàng Mountain Steak House để thưởng thức món beefsteak nổi tiếng hay nhà hàng Pho99 Thamel bán các món ăn Việt Nam. Bạn cũng nên thử các món ăn truyền thống của Nepal làm từ cà ri và đậu hầm.
Trang phục:
- Chuẩn bị trang phục giữ nhiệt cho 11 ngày trekking, đặc biệt là găng tay và tất giữ ấm.
- Lưu ý mang theo gậy leo núi, kính mắt chống UV và sử dụng kem chống nắng suốt thời gian trekking.
Điện thoại: Sim 3G mua ở Kathmandu chỉ sử dụng được đến độ cao khoảng 4.000 m, sau đó bạn sẽ phải mua các thẻ có giá 6 USD/200Mb để dùng wifi ở các nhà nghỉ. Tuy nhiên, nếu không có việc gấp thì không nên sử dụng vì lượng data này cực kỳ nhanh hết.
Lưu ý khác: Chuẩn bị nhiều chocolate, thanh năng lượng và uống nhiều nước, tham khảo ý kiến tour guide để sử dụng thuốc chống “sốc độ cao”. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể xin nước tại nhà bếp và sử dụng lọc nước hay viên khử độc trước khi sử dụng. Hành trình càng lên cao, nước càng đắt đỏ, có thể lên đến 4 USD/lít.
Chi phí cho chuyến đi: Tổng chi phí nếu đi tự túc dao động từ 1200 – 1500 USD/người. Trong đó, vé máy bay khứ hồi cho hai chặng bay: 834 USD; bảo hiểm du lịch: 50 USD/người; chi phí thuê tour guide là 25 USD/ngày và chi phí thuê phu khuân vác là 20 USD /ngày/nhóm; chi phí ăn uống khoảng 10 - 20 USD/ngày; các chi phí khác: 200 USD/chuyến đi.