4 món Bali chinh phục người chuộng vị lạ

05/11/2015

Nền văn hóa Hindu giáo phong phú kết hợp với tín ngưỡng đa thần ở Bali đã thành nguồn cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có ẩm thực. Các đặc sản Bali luôn nổi bật với hương liệu và gia vị địa phương, thường được dùng để dâng thần linh trong nghi lễ tôn giáo, giờ đây được phổ biến tới du khách như một niềm tự hào của hòn đảo du lịch lớn nhất Indonesia này.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

Babi Guiling - Lợn sữa quay 

Babi là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ lớn của người dân Bali. Món ăn này bao gồm cơm trắng ăn kèm với thịt heo sữa quay, các rau củ gia vị bản địa và nước tương cay đặc trưng. Chủ nhà hàng Ibu Oka, nhà hàng lợn sữa quay nổi tiếng nhất vùng Ubud, chia sẻ, lợn sữa dùng để quay không hề bé nhỏ như nhiều người tưởng tượng mà có thể đạt tới trọng lượng 70 kg, miễn là chúng được chăm sóc theo chế độ và nguồn thức ăn sạch để cho ra chất lượng tuyệt hảo. 

 

 

Theo truyền thống, lợn được làm sạch từ sáng sớm để chủ nhà có thể kịp phục vụ khách khứa vào bữa trưa. Đầu bếp sẽ xát nghệ toàn thân lợn để phần bì có được màu vàng óng như mật khi nướng, phần bụng được nhồi với hỗn hợp rau mùi, sả, lá chanh, lá salam, ớt, tiêu đen, tỏi, gừng, riềng... Cả con lợn được giữ trên than hồng bằng những cọc gỗ lớn, được những thanh niên lực lưỡng liên tục quay tròn thật chậm để đảm bảo thịt vừa chín tới, các loại gia vị thấm đều, đặc biệt là lớp bì phải thật giòn tan, béo ngậy mà không ngấy. Thỉnh thoảng anh đầu bếp lại nhanh tay vẩy một chút nước vào đám củi đang cháy dở để món ăn có một chút vị ám khói khác hẳn với món lợn quay hoặc lợn chiên ở các nơi khác. Đây có lẽ cũng chính là phần hấp dẫn nhất trong món Bali Guling truyền thống.

Hãy tưởng tượng sau bao háo hức đợi chờ, một đĩa thịt lợn sữa quay được dọn lên, đầy màu sắc và hương vị, với màu mật ong óng mượt của lớp bì giòn, màu trắng của gạo, màu xanh của nước tương cay đặc trưng cùng hương thơm của các loại gia vị gừng, sả, tiêu và ớt. Và xin đừng ngần ngại thưởng thức bằng tay theo đúng truyền thống mà người dân địa phương vẫn duy trì cho tới tận bây giờ.

 

Bebek Betutu - Vịt hầm 

Bebek Betutu là món ăn nổi tiếng về sự cầu kì. Đến nỗi, trước khi trở nên phổ biến tại các nhà hàng dành cho khách du lịch, món ăn này đòi hỏi thực khách phải đặt trước với đầu bếp ít nhất một ngày. Giống vịt được chọn phải là vịt địa phương, quanh năm ăn mót thóc lúa từ những ruộng lúa thơ mộng của vùng Ubud. Vịt sau khi được làm sạch sẽ được tiếp tục chà xát với me nhuyễn và muối để làm sạch mùi hôi sau đó đầu bếp nhồi trứng, lá sắn cùng hỗn hợp gia vị đặc biệt có tên "Bumbu Rajeng" để tạo nên hương vị đặc trưng của món Bebek Betutu. Những chú vịt này để được ướp gia vị từ 8-10 tiếng trước khi đầu bếp khéo léo gói chúng trong vỏ trầu và hầm cho tới khi thịt chín mềm và rời khỏi xương. 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Có lẽ sự cầu kì ngốn thời gian này chính là bí quyết đã làm nên một phần của ẩm thực Bali qua món ăn "lạ miệng". Hiện nay trên cả Bali, số nhà hàng phục vụ món ăn này cũng chỉ được đếm trên đầu ngón tay và phần lớn trong số đó đều có tuổi thọ hơn ba thập kỉ. Cùng với Bebek Betutu là một biến thể khác cũng được yêu mến không kém, đó là món vịt chiên giòn Bebek Goreng. 

 

Sate - Thịt xiên nướng

Nền ẩm thực quốc tế từng chứng kiến nhiều sự giao thoa ẩm thực xuất sắc, và món thịt xiên nướng của người Bali có lẽ nên được vinh danh là một trong những món ăn quốc tế phong phú nhất. Những nền ẩm thực khác nhau cho ra những hương vị nồng đượm văn hóa, đặc tính khí hậu và văn khóa khác nhau và ở Bali, thực khách có thể tận hưởng những xiên thịt nướng ngọt ngào giàu hương vị bậc nhất. 

 

 

Người dân Bali thường ăn Sate trong những bữa tiệc lớn, khi chủ nhà và khách ngồi xếp bằng quanh “mâm cơm” được làm từ những bẹ chuối nối dài với nhau. Cùng với Sate là cơm rang, món nộm giá, bánh phồng tôm và những hạt đậu tương nướng giòn. 

Đến với món ăn này, một đầu bếp khách sạn năm sao hay một anh bán hàng vui tính ngay vỉa hè  đều mang đến cho thực khách một niềm hào hứng chung khi liên tục nhúng những xiên thịt vào trong khay nước tương ngọt và khéo léo nướng trực tiếp trên than hồng. Một vài nhà hàng phục vụ nước chấm ăn kèm giống như hỗn hợp trộn sử dụng ở món Babi Guiling và Bebek Betutu, có nơi thêm thêm thảo quả, quế và hạt thì là, có nơi lại nghiền lạc thành tương ăn kèm để tạo nên mùi vị riêng biệt. Thế nhưng với những cái bụng đang đói cồn cào mà ngửi thấy mùi đường cháy, lại thêm những làn khói bốc lên sau những tiếng xèo xèo mời gọi, thì chớ "hoãn cái sự sung sướng đó lại. Hãy tự thưởng cho mình một xiên Sate hay bất cứ một món nướng nóng sốt trên vỉ nướng sau một ngày dài lang thang khắp những con đường lãng mạn của Bali! 

 

Masakan Padang - Cơm chọn món

Padang là tên một ngôi làng của người Minangkabau ở Tây Sumatra, Indonesia và Masakan Padang được hiểu là món ăn của làng Padang. Hầu hết người Minangkabau là người Hồi giáo, ẩm thực Minangkabau được chế biến dựa vào chế độ ăn uống nghiêm ngặt không có thịt lợn. Tuy nhiên khi tới Bali, bạn sẽ chứng kiến một sự giao thoa và thăng hoa ẩm thực khi thấy người dân ở đây chế biến khéo léo các nguyên liệu thịt bò, trâu, dê, thịt cừu, thịt lợn và thịt gia cầm và cá, bao gồm bộ phận nội tạng một cách đầy hương vị. 

 

 

Ẩm thực Padang là minh chứng của ảnh hưởng ẩm thực Đông Ấn Độ và Trung Đông trong ẩm thực Indonesia với các món ăn được nấu trong nước sốt cà ri dừa sữa sệt và sử dụng rất nhiều hỗn hợp gia vị. Các món ăn được chế biến thay đổi hàng ngày, và menu không gì khác chính là những món ăn đó được bày trong tủ kính. Các thực khách chỉ việc lướt qua là biết được nhà hàng đó có món mình yêu thích hay không. Nếu còn phân vân, người phục vụ sẽ giới thiệu hoặc giúp bạn chọn các món ăn được yêu thích như Rendang - thịt bò kho cay, gà chiên, cà ri cá và tất nhiên là sambal, một loại nước sốt cay phổ biến tại Bali. Tất cả các món ăn sẽ được nhanh chóng dọn ra kèm với cơm nóng. Rau ăn kèm chủ yếu là lá sắn luộc, hoặc  mít non và cải bắp ăn cùng sốt cà ri. 

 

Xin bạn đừng ngạc nhiên khi các nhà hàng Makasan Padang đưa cho bạn  Kobokan,  một bát nước với một lát chanh trước khi dọn đồ ăn ra bàn. Nước này được sử dụng để rửa tay trước và sau khi ăn bởi theo cách truyền thống, người Bali sẽ chỉ dùng tay không để bốc thức ăn. Nếu bạn không thoải mái ăn bằng tay trần, hãy lịch sự đề nghị dĩa và thìa. Đến đây, hẳn bạn đã thấy sự khác biệt trong phong cách ẩm thực Bali, ngay từ trong cách ăn?

 

Thông tin thêm:

+ Bali nằm ở phía đông của Indonesia & cách thủ đô Jakarta hơn 1.000km về phía Tây. Với diện tích khoảng 5.632km2 và dân số hơn 3,15 triệu người, đây là một trong những hòn đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới.

+ Bali quá nổi tiếng với nhiều danh hiệu như “đảo hòa bình” (Island of Peace), "Bình minh của thế giới” (Morning of the World). Thế nhưng cái tên "đảo của những vị thần linh” (Island of Gods) có lẽ gắn liền với tôn giáo đa sắc màu nơi đây. Du khách sẽ cảm nhận phần nào “sự đa sắc màu” đó qua nghệ thuật ẩm thực độc đáo của Bali.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES