Xinh đẹp và mến khách chính là cảm nhận của những người đã từng một lần đến Thái Lan. Đến nơi này trong trong dịp đầu năm mới, tôi thực sự đã bị thu hút bởi những điểm đến quen thuộc nhưng không hề xưa cũ.
THỦ ĐÔ BANGKOK NÁO NHIỆT
Từ sân bay Suvarnabhumi, di chuyển theo hai chuyến tàu điện trên không và tàu điện ngầm, tôi vào đến trung tâm thành phố Bangkok. Thoát khỏi cảnh náo nhiệt của thành phố, từ ga Hua Lamphong, tôi tản bộ đến cuối đường Yaowarat thuộc quận Samphanthavong để vào tham quan địa điểm đầu tiên, Wat Traimit.
Wat Traimit là ngôi chùa nổi tiếng ở Thái Lan bởi vẻ đẹp độc đáo và lịch sử lâu đời của nó. Chuyện kể rằng, xưa kia, người dân địa phương quyết định dời tượng Phật bằng xi măng từ ngoài trời vào trong chùa nhưng vì bức tượng quá nặng nên đã bị ngã sụp xuống trong quá trình di dời. Ngay sau đó, một cơn mưa lớn kèm theo sấm sét kéo đến khiến tất cả mọi việc phải dừng lại. Cho đến khi tạnh mưa, một vị sư bỗng phát hiện ra những tia sáng loé lên từ vết nứt. Sau khi đục lớp xi măng, tất cả mọi người kinh ngạc khi thấy bức tượng Phật chính là một khối vàng lớn. Đây cũng chính là bức tượng Phật bằng vàng khối lớn nhất thế giới với khối lượng lên đến 5,5 tấn và cao 3m.
Tạm biệt Wat Traimit, tôi tiếp tục ghé vào Cung điện Hoàng gia Thái Lan. Đứng trước cung điện nguy nga lộng lẫy nhưng không kém phần cổ kính, trang nghiêm này, tôi thực sự bị ngỡ ngàng. Nơi đây có ba khu chính: Hoàng cung, văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa. Đặc biệt, tôi còn có dịp chiêm ngưỡng những lá vàng thật dát trên tháp chùa lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến Bangkok mà không ghé Wat Pho. Vốn là chùa của Hoàng gia nên Wat Pho có rất nhiều pho tượng Phật quý giá. Trong đó, độc đáo và nổi tiếng nhất là tượng Phật trong tư thế nhập Niết Bàn có chiều dài 45 m và cao 15 m. Pho tượng được đúc bằng thạch cao, bên ngoài phủ kín vàng và nằm trên một chiếc bệ dát vàng sáng chói. Phần mắt và chân tượng Phật được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Hai lòng bàn chân Phật có những hình tượng hoa văn khảm ngọc mô tả 108 tướng tốt của đức Phật Thích Ca.
Vào cuối ngày, thật hào hứng khi tôi có dịp ngoạn cảnh trên sông Chao Phraya. Qua đó, tôi có thể hình dung tương đối rõ nét về cuộc sống của người dân địa phương, thấy những ngôi nhà gỗ dựng trên mặt nước bên bờ sông, những chiếc thuyền nhỏ bày bán đủ loại trái cây và đồ lưu niệm.
THỊ TRẤN KANCHANABURI YÊN BÌNH
Bỏ lại một Bangkok nhộn nhịp sau lưng, tôi lên xe tìm đến vùng quê yên bình của tỉnh Kanchanaburi ở miền Trung Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 130 km. Sở hữu địa hình thung lũng rộng lớn bao quanh bởi rừng núi trập trùng và sông Kwai thơ mộng, Kanchanaburi được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tìm sự an yên trong tâm hồn sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Vì muốn tạo điều ra một điều mới mẻ cho hành trình, thay vì đi xe đò, tôi quyết định chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Chuyến tàu xình xịch lăn bánh từ ga Thon Buri bên bờ sông Chao Phraya, Bangkok và mất 2 tiếng rưỡi đến ga Kanchanaburi. Tàu có nhiều toa chở khách, theo kiểu tàu chợ, nội thất bên trong cũ kỹ với vài hàng ghế được xếp ngang và dọc, có cả một khoảng rộng cho những hành khách đứng nếu quá đông. Vé lên tàu không in số ghế, ai lên trước thì chọn chỗ ngồi tốt. Có cả những bà bán hàng rong cũng lên tàu mời chào. Tuy tàu không có máy lạnh, máy quạt nhưng các ô cửa sổ mở tung, đón gió trời thổi vào lồng lộng.
Thông tin về vùng đất Kanchanaburi trên các trang mạng còn ít ỏi, vì vậy, khi muốn hỏi thăm về cách thức phượt bụi tại thị trấn cũng khá khó khăn. Lúc này, tôi chỉ còn cách tìm đường đi qua ứng dụng Google Map. Hơn nữa, người dân Thái Lan không phải ai cũng nói giỏi tiếng Anh, đặc biệt ở vùng quê, họ càng không rành.
Tôi vẫy một chiếc xe song thẻo (songthaew - phương tiện công cộng giá rẻ của người Thái, giống xe lam của Việt Nam nhưng lớn hơn) trước ga Kanchanaburi, đưa ra mảnh giấy in sẵn địa chỉ khách sạn kèm bản đồ mà tôi chuẩn bị sẵn từ Việt Nam. Vậy mà tôi vẫn gặp khó khăn vì ông lái xe đọc không hiểu tiếng Thái theo dạng phiên âm ký tự La tinh. Khách sạn mà tôi lưu trú tại Kanchanaburi khá xa trung tâm thị trấn, sau nhiều đoạn rẽ ngoằn ngoèo, cuối cùng tôi cũng đã tới nơi. Khách sạn này cách cầu sông Kwai nổi tiếng chừng 2 km.
Nhận phòng khách sạn xong, tôi tản bộ ra ngoài, kiếm chỗ thuê xe máy để có thể chủ động trong việc khám phá vùng quê Kanchanaburi. Chỗ cho thuê xe có sẵn dịch vụ xe đạp, xe tay ga theo kiểu Scooter và xe mô tô cao cấp. Tuy vậy, tôi phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với việc chạy xe ở làn đường bên trái (ngược lại với Việt Nam). Đường sá ở thị trấn Kanchanaburi không tấp nập như thành thị, mang cảm giác bình yên vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Nhà cửa thôn quê thưa thớt với quãng sân vườn rộng, trồng nhiều cây cối xanh mướt.
Lần theo tờ bản đồ, tôi chạy xe đến bên cầu sắt bắc qua sông Kwai, địa điểm nổi tiếng của tỉnh Kanchanaburi. Tôi biết đến cây cầu này qua bộ phim kinh điển “Bridge on the River Kwai” (Cầu sông Kwai) – nói về thời Thế chiến thứ hai, được chuyển thể từ sách của một nhà văn người Pháp và đạt giải Oscar vào năm 1957. Phim nói về cảnh những tù binh bị quân đội Nhật ra lệnh phải xây một cây cầu bắc qua sông Kwai nhằm nối liền tuyến đường sắt Thái Lan với Miến Điện và đã có hàng chục nghìn người bỏ mạng vì kiệt sức trong quá trình thi công.
Sát với lối lên cầu là khu ngoài trời trưng bày hai phần đầu của chiếc tàu hỏa nguyên gốc thời thế chiến đã từng chạy qua cầu Kwai. Bất cứ du khách nào cũng có thể chạm vào, chụp hình lưu niệm cùng với chúng.
Cầu Kwai có những trụ cầu xi măng sơn trắng, thân cầu 11 nhịp chính bằng gỗ và sắt. Tôi bước chầm chậm trên những thanh tà vẹt và tấm ván lót dọc hai bên đường ray trên cầu, đón những cơn gió mát luồn qua mái tóc. Đến những đoạn nhô ra của cầu, tôi dừng lại đó để ngắm cảnh sông nước mênh mông, những mái nhà thấp thoáng. Thật không ngờ nơi có khung cảnh hữu tình, yên bình đã từng là một nơi khốc liệt như thế dưới thời thế chiến.
Chạy xe bon bon trên đường lớn 3228 cách thị trấn 5 km, tôi thấy một pho tượng Phật cùng tên của ngôi chùa Tham Khao Poon trên ngọn đồi. Tôi rẽ vào ngã ba và chạy thẳng lên đồi, một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ hiện ra – những chiếc bè chở du khách lững lờ lướt trên dòng sông Kwai uốn lượn đang phát ra tiếng nhạc Thái xập xình, những tán cây xanh rì và đằng xa là dãy núi lượn sóng xanh thẫm.
Trên đồi còn có một đoạn đường sắt vắt ngang cùng với chuyến tàu cổ vẫn còn được lưu giữ. Hiện nay, con tàu vẫn đều đặn được đưa vào vận hành để cho du khách trải nghiệm “tuyến đường sắt tử thần” trong lịch sử. Và, đó cũng là cách mà người Thái làm du lịch!