Những cô bóng - Người giữ hồn cho hát bóng rỗi Nam Bộ

20/07/2019

Hát bóng rỗi đã từng được ghi nhận trong cả hai bộ sách chính thống thời nhà Nguyễn là Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí, từ đó cho thấy sự công nhận của các nhà viết sách xưa đối với loại hình diễn xướng dân gian có chức năng thực hành nghi lễ này. Nhưng theo sự thay đổi của thời đại, sự duy trì và bảo tồn của hát bóng rỗi gần như hoàn toàn dựa vào lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của các cô bóng.

Lược sử của Hát Bóng rỗi

Theo bài viết “Tìm về nguồn cội của hát bóng rỗi Nam Bộ” của tác giả Huỳnh Thanh Bình, chữ “hát” trong từ “hát bóng rỗi” là chỉ các loại hình diễn xướng có ca, nhạc, múa, trò diễn và sân khấu; chữ “bóng” có thể hiểu là chỉ các cô bóng – người thực hiện công việc diễn xướng, cũng có thể hiểu là phần bóng của con người, giúp phân biệt con người với ma quỷ (dưới ánh sáng, ma quỷ không có bóng). Và nếu hiểu chữ “bóng” theo nghĩa là linh hồn thì chữ “rỗi” sẽ được hiểu theo nghĩa là cứu vớt, giải thoát linh hồn khỏi những điều xấu xa. Bản thân người viết cũng rất thích cách giải thích như vậy vì nó phù hợp với tính chất của hát bóng rỗi: trong không gian của miễu, con người với lòng thành hướng về thần linh mong được phù hộ sẽ được thanh tẩy linh hồn nhờ những lời hát trang trọng, thành kính của các cô bóng.

H01 Hat roi

Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu Bắc Bộ đã ngộ nhận hát bóng rỗi là một sự xê dịch không gian từ Bắc Bộ vào Nam Bộ của tín ngưỡng Tam đài Tứ Phủ do loại hình này cũng gắn liền với tục thờ nữ thần, tục thờ Mẫu – một dạng thức Shaman giáo, thì các thành tố văn hóa tạo nên hát bóng rỗi có nguồn gốc trực tiếp từ vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là từ văn hóa Champa (điều này thể hiện rất rõ trong bài múa dâng mâm của các cô bóng, chiếc mâm đó chính là hình ảnh của ngôi tháp Chăm – là nơi ngự của các vị thần).

images1729507_66

Thời gian ra đời của hát bóng rỗi đến nay vẫn chưa được xác định, tuy nhiên dựa vào những ghi chép trong hai sách “Gia Định thành thông chí” và “Đại Nam nhất thống chí” thì loại hình này đã trở nên phổ biến vào thế kỉ XIX.

Không gian biểu diễn của hát bóng rỗi là các miễu ở Nam Bộ. Nơi đây là cơ sở tín ngưỡng nữ thần, là nơi ngự trị của các vị thần linh như Thiên Y A Na, Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu, Kim Huê, Thánh Anh La Sát, Thất Thánh Nương Nương, Cố Hỷ, Thượng Động, Cô Hồng, Cô Hạnh, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ,… Tuy nhiên, khán giả Sài Gòn đã có dịp thưởng thức Hát Bóng rỗi trong không gian của sân khấu do Cutural Community Discourse (CCD) tổ chức ở nhà hát Kim Ngân ngày 13/07 vừa rồi. Sự thay đổi không gian biểu diễn này tuy có làm thay đổi một chút tính chất của buổi diễn (người đến xem không phải để cầu may mắn mà để thưởng thức, trải nghiệm) nhưng đã đưa loại hình diễn xướng này đến gần hơn diện mạo của một loại hình nghệ thuật sân khấu thực thụ, mà ở đó các cô bóng không chỉ là người “làm vui cho bà” mà còn là những người nghệ sĩ thực thụ.

hdmuabongroi-23-15456007735051313865656

Một chương trình hát bóng rỗi có thể kéo dài trong một hoặc nhiều ngày nếu có thêm các tiết mục khác, nhưng thể thức phổ biến thì gồm các tiết mục sau: Khai tràng, Hát chầu mời – thỉnh tổ, Múa dâng bông, Múa dâng mâm, Bán lộc, An vị và Diễn chặp tuồng bóng Địa – Nàng.

Niềm tự hào của các cô bóng về trách nhiệm “làm vui cho bà”

Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao người thực hiện nghi lễ, người có trách nhiệm phụng sự các bà lại là những cô bóng? Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng trong buổi trò chuyện với các khán giả của chương trình “Bóng rỗi, Địa – Nàng” đã đưa ra cách lí giải đầy thú vị. Theo anh, người bán nam bán nữ như các cô bóng trong tiếng Hán còn gọi là người âm dương. Và theo sự ghi chép của Kinh Dịch, thế giới trước khi phân thù là một cõi hỗn mang, âm dương cùng một thể, sau này mới tách ra thành đôi, khí nhẹ, trong thì bay lên cao tạo thành trời, khí đục, nặng thì bay xuống dưới tạo thành đất. Như vậy các cô bóng với cơ thể chứa sẵn hai cực âm dương tượng trưng cho thể hỗn mang ban sơ của vũ trụ và do đó mang tính kết nối.

Tuy đây chỉ là kiến giải của cá nhân anh Đăng thông qua sự quan sát và tìm hiểu nhưng cũng đã gợi mở phần nào cho chúng ta về thân phận đặc thù của các cô bóng. Vì là những người mang trách nhiệm phụng sự thần linh, cầu chúc cho quốc thái dân an, gia sự phước lành nên họ không lập gia đình, không có con, cả đời chuyên tâm tập luyện để sao cho câu hát, điệu múa của mình có thể “làm vui cho bà”. Và họ luôn lấy làm tự hào về nhiệm vụ của mình, xem đó là một niềm vinh hạnh.

Nếu như trong Hầu đồng Tứ phủ, các bà đồng chỉ thực hiện chức năng nghi lễ, còn nhạc là do các cung văn đảm nhận; các cung văn chính là những người tạo ra một miền viễn tưởng để các bà đồng có thể đóng đi qua các miền khác nhau và nhập vào các vai khác nhau thì các cô bóng trong Nam chính là một người nghệ sĩ, họ vừa sử dụng các loại nhạc cụ thuộc bộ gõ để đệm như trống, phách vừa hát chầu. Đây là một đoạn nhỏ trong “Bài Chầu bà” (nguồn: http://www.vienamnhac.vn/bai-viet/nhac-co/hat-bong-roi-o-thanh-pho-ho-chi-minh)

Trên phần hương, lễ vọng các cung

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thánh thần tọa giáng đồng chung ngự về

Giữa trời dựng bảng Tam quan

Kế Linh Tiêu điện thỉnh vua Ngọa Hoàng

Ngọc Hoàng, Ngọc Đế nghe khuyên

Thỉnh ông Nam Tào, Bắc Đẩu hội yến diên ngự về

Thứ nhất bà cả Tiên Nga

Mời bà hai Tiên Đế, thỉnh bà Ba cô Hường

Bà tư Tứ động nghe khuyên

Bà năm Ngũ Đế chứng miêng (minh) giờ này

Sáu bà dạo cảnh huê viên

Bảy bà Thượng động, hộ kim liên bửu tòa

Hát chầu mời - Thỉnh tô trong buổi diễn

Hát chầu mời - Thỉnh tô trong buổi diễn "Bóng rỗi, Địa - Nàng" (Ảnh: Anh Khoa)

Không chỉ vậy, các điệu múa của các cô bóng còn đòi hỏi sự khéo léo không kém gì của một diễn viên xiếc.

Nghệ nhân Ngọc Hậu thực hiện điệu múa dâng bông (Ảnh: Anh Khoa)

Nghệ nhân Ngọc Hậu thực hiện điệu múa dâng bông (Ảnh: Anh Khoa)

Nghệ nhân Ngọc Thanh thực hiện điệu múa Thanh Thuỷ Liêu Huê. Đây là điệu múa nước tưới cây hoa và cỏ, nhờ bông hoa sáng thời để cầu phước lộc tài, gia đình hạnh phúc (Ảnh: Anh Khoa)

Nghệ nhân Ngọc Thanh thực hiện điệu múa Thanh Thuỷ Liêu Huê. Đây là điệu múa nước tưới cây hoa và cỏ, nhờ bông hoa sáng thời để cầu phước lộc tài, gia đình hạnh phúc (Ảnh: Anh Khoa)

Nghệ nhân Ngọc Thanh thực hiện bài múa dâng mâm (Ảnh: Anh Khoa)

Nghệ nhân Ngọc Thanh thực hiện bài múa dâng mâm (Ảnh: Anh Khoa)

Ngoài ra, các cô bóng còn có khả năng múa và biểu diễn tuồng.

Chặp tuồng bóng Địa - Nàng do nghệ nhân Phương Thư (Vai tiên nữ Hằng Nga) và nghệ nhân Minh Đức (Vai thổ địa) thể hiện (Ảnh: Anh Khoa)

Chặp tuồng bóng Địa - Nàng do nghệ nhân Phương Thư (Vai tiên nữ Hằng Nga) và nghệ nhân Minh Đức (Vai thổ địa) thể hiện (Ảnh: Anh Khoa)

Hát Bóng rỗi – một di sản dân tộc cần được bảo tồn

Hát bóng rỗi không chỉ là một loại hình diễn xướng dân gian có tính chất thực hành nghi lễ mà bố cục, hình thức trình bày và nội dung của nó hoàn toàn có thể được xem là một buổi biểu diễn nghệ thuật chứa đựng những nét văn hóa dân gian đặc sắc. Còn với những người đến miễu với mong muốn cầu mong bình an thì hát bóng rỗi giống như một món ăn tinh thần giúp thanh lọc tâm hồn của họ giữa cuộc sống hiện đại xô bồ.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, hát bóng rỗi chỉ tồn tại trong văn hóa dân gian, nghĩa là được duy trì bằng tập quán văn hóa, và nhóm đối tượng để duy trì, kí thác loại hình nghệ thuật này chính là các cô bóng mà chưa có một sự tài trợ hay khuyến khích từ Nhà nước giúp duy trì và bảo tồn di sản văn hóa này. Một số chương trình truyền hình, cuộc thi để khuyến khích các cô bóng tham gia nhưng đó vẫn chưa phải là phương pháp có tác động thực sự đến việc duy trì văn hóa. Trong khi đó, để trở thành một cô bóng thực thụ, có thể biểu diễn điêu luyện cần rất nhiều thời gian và công sức. Như lời chia sẻ của nghệ nhân Phương Thư, người diễn vai Tiên trong chặp bóng Địa – Nàng, dù cô may mắn có được sự ủng hộ thầm lặng của mẹ nhưng trên con đường tu tập gian khổ khiến cô đã từng bỏ cuộc và sa ngã. May sao nhờ có thầy của mình mà cô đã tìm lại được tình yêu với hát bóng rỗi và lập nên đoàn hát của riêng mình với mong muốn duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian hết sức đặc sắc này của dân tộc. Mong rằng trong thời gian tới, trên chặng đường bảo tồn và phát triển của hát bóng rỗi sẽ có thêm sự hỗ trợ, cổ vũ từ nhiều nguồn để các cô bóng không còn là nơi kí thác đơn độc.

Thu Trang
RELATED ARTICLES