Sài Gòn, vẻ đẹp của sự tương phản

16/06/2019

Phóng viên Sandip Hor của nhật báo Khaleej Times (UAE) vừa có chuyến thăm đến TP.HCM. Chuyên gia kỳ cựu về du lịch này đã có những cảm nhận hết sức thú vị về thành phố lớn nhất Việt Nam.

Phóng viên từng đi tới 88 quốc gia, 6 lục địa này đặc biệt ấn tượng khi đến thăm Hội trường Thống Nhất (trước đây là dinh Độc Lập). Theo Sandip Hor, sự hùng vĩ của toà nhà 5 tầng màu trắng được xây dựng vào năm 1966 này thật khó diễn tả, nhưng chính những mảnh lịch sử được lưu giữ bên trong Hội trường Thống Nhất mới là điều khiến ông không thể nào quên.

Hội trường Thống Nhất (trước đây là dinh Độc Lập)

Hội trường Thống Nhất (trước đây là dinh Độc Lập)

44 năm đã trôi qua nhưng khi được chứng kiến những hình ảnh đặc biệt ở nơi đây, từ những căn phòng sang trọng đầy ắp những sự kiện lịch sử, hệ thống hầm ngầm kiên cố cho đến chiếc xe tăng ở ngoài khuôn viên hay máy bay trực thăng trên nóc sân thượng, phóng viên của tờ Khaleej Times cảm thấy rất rõ âm hưởng của ngày Thống Nhất như mới diễn ra cách đây không lâu.

Cảm xúc của Sandip Hor chùng xuống khi ông thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đó là khi ông tận mắt chứng kiến hình ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai, một trong những tội ác tàn bạo nhất của quân đội Mỹ đối với 500 thường dân, trong đó có cả phụ nữ, người già, trẻ em; chiếc máy chém của Pháp, được sử dụng lần cuối vào năm 1960 để xử tử các tù nhân hay một bản sao của chiếc chuồng cọp khét tiếng dùng để tra tấn những người bị bắt. Phóng viên đến từ Australia chia sẻ, không chỉ ông mà rất nhiều người nước ngoài đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã rơi nước mắt vì quá xúc động.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Nhưng Sài Gòn (TP.HCM) không chỉ gợi nhớ du khách về lịch sử. Sau những năm tháng chiến tranh, trải qua những khó khăn về kinh tế, về công cuộc tái thiết, Thành phố giờ đây đã vươn mình đứng đậy. Theo Sandip Hor, Sài Gòn hiện nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn giải trí.

Thành phố của hơn 10 triệu dân, gần 7 triệu chiếc xe máy này khiến du khách tò mò, muốn tìm hiểu. Vẻ đẹp của Sài Gòn còn được thể hiện qua sự tương phản giữa những hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm thời trang sang trọng xen lẫn với những bảo tàng, đền thờ, ngôi chùa thú vị, phù hợp cho người thích khám phá. Những dấu ấn của người Pháp để lại từ năm 1861 ở thành phố được mệnh danh là “Paris của phương Đông” vẫn hiện hữu rất rõ trong hơn một thế kỷ qua: những đại lộ, văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố (trước đây là Tòa thị chính), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Lớn, khách sạn Hotel de Ville, Caravelle, Rex, Majestic…

Khách sạn Majestic, một khách sạn lâu đời ở Sài Gòn

Khách sạn Majestic, một khách sạn lâu đời ở Sài Gòn

Và không chỉ có gạch và vữa, di sản Pháp còn tồn tại cả trong văn hóa ẩm thực. Thành phố có rất nhiều quán cà phê, nơi người dân địa phương và du khách đều thích giao lưu với nhau bằng một tách cà phê, bánh ngọt hoặc bánh mì, giống như người Pháp ở Paris.

Sài Gòn giờ đây trở nên hấp dẫn với du khách chính bởi sự tồn tại song song giữa quá khứ và hiện tại. Không chỉ cá nhân Sandip Hor mà khách du lịch quốc tế rất thích thú khi được chứng kiến những chiếc xích lô cổ điển song hành cùng với những chiếc ô tô Mercedes và Audi bóng bẩy trên đường. Chuỗi cửa hàng McDonald chia sẻ công việc kinh doanh cùng với các quán phở bình dân. Các cửa hàng của Prado và Armani tồn tại giữa những shop quần áo bình dân, thậm chí cả hàng nhái. Những ngôi nhà cấp 4 không hề ghen tị với những tòa nhà chọc trời, và khách du lịch có thể dùng nước mía làm dịu cơn khát thay vì uống soda. Chính sự tương phản nhưng lại song hành cùng nhau là điều khiến TP.HCM trở nên đặc biệt và thú vị đối với du khách, đặc biệt là những người đến từ phương Tây.

Một cửa hàng McDonald ở TP.HCM

Một cửa hàng McDonald ở TP.HCM

Thế Anh - Nguồn: khaleejtimes.com
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES