Phượt thủ không còn là cụm từ lạ lẫm trong thời gian trở lại đây. Đôi khi cụm từ này dùng để dán nhãn những người có hành vi xấu xí trong du lịch. Nhưng 28 năm trước từ năm 1994, đã có một người đàn ông trên chiếc xe moto rong ruổi khắp từ Á sang Âu và đem lại những giá trị tốt đẹp cho du lịch cộng đồng.
Người đàn ông khuôn mặt sạm, dáng vẻ cao gầy, đi đôi giày lấm lem bước xuống chiếc xe phân khối lớn BMW F800 GS. Anh Nguyễn Anh Tuấn (50 tuổi, Hà Nội) đã lái xe máy đi qua nhiều cung đường xuyên các nước Đông Dương và tổ chức tour cho khách quốc tế trải nghiệm “phượt” từ Việt Nam sang Châu Âu suốt 28 năm qua. Hiện nay, anh quyết định chọn Điện Biên là nơi phát triển du lịch cộng đồng tiếp theo.
Anh đã có hơn 28 năm “phượt” qua nhiều quốc gia và tổ chức tour cho du khách trải nghiệm. Điều gì đã thôi thúc anh bắt đầu hành trình làm du lịch?
Tôi chính thức bắt đầu bước chân vào ngành du lịch từ năm 1994. Khi đấy du lịch mới manh nha và lữ hành quốc tế còn mới. Công việc đầu tiên của tôi là làm lễ tân cho một khách sạn nhỏ trên phố Đinh Liệt. Khi đó, tôi cùng 6 người khách Pháp, cả hội thuê xe Minsk đi chuyến phượt lần đầu lên vòng Tây Bắc. Đến năm 1996 thì mở công ty lữ hành MotoTour Asia.
Tôi thích làm những tour khó và cũng là một trong những người đầu tiên dẫn du khách đi xuyên quốc gia tại Việt Nam. Tour đầu tiên vào năm 1998 đi từ Hà Nội sang Lào, Thái Lan rồi Campuchia mất 21 ngày. Mỗi chuyến đi đều cố gắng đến tận hang cùng ngõ hẻm của các bản làng tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Thời đó chỉ có bản đồ giấy, vừa đi vừa hỏi đường rồi xin nghỉ nhà dân. Người dân tộc cũng rất đáng yêu, họ cho ăn ở nhờ nhưng nhất quyết không lấy tiền. *cười*
Anh đã tổ chức các chương trình xuyên quốc nào? Và dịch vụ đã thay đổi ra sao?
Năm 2007, tôi chuyển từ xe Minsk sang xe Honda 150. Đến năm 2013 bắt đầu dùng sang dòng xe Royal Enfield. Và năm 2018 thì chuyển đổi dòng xe phân khối lớn BMW. Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên lắng nghe nhu cầu khách hàng rồi thay đổi để phù hợp hơn.
Năm 2016, tôi tổ chức chuyến đi đầu tiên khởi hành từ Hà Nội sang Tây Tạng, sang Uzbekistan, sang Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến các nước Đông Âu qua đỉnh Alpes, qua Pháp, Tây Ban Nha và kết thúc tại Bồ Đào Nha. Đầu năm 2020, tôi cũng có dẫn khách tour đi cung đường Việt Nam qua Thái Lan, Myanmar rồi qua Thổ Nhĩ Kỳ sang Milan. Đại dịch COVID-19 ập đến, có thể nói đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp. Hiện nay, tôi chọn Điện Biên là nơi phát triển du lịch cộng đồng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Clip hành trình lên Điện Biên:
Theo anh hình thức đi tour bằng xe máy khác với các hình thức khác như nào? Để bắt đầu chuyến đi bằng xe máy cần chuẩn bị những gì?
Khi đi du lịch bằng xe hơi, mình không cảm nhận được hết không khí thiên nhiên bên ngoài chỉ xem mọi vật qua cửa sổ. Lúc đi du lịch bằng xe máy được chủ động, thật sự được hòa mình với thiên nhiên, gắn bó với cộng đồng.
Khi bắt đầu chuyến đi, đoàn xe phải chuẩn bị đủ xe kỹ thuật, đầu bếp, bác sĩ để phục vụ khách hàng tốt nhất. Tôi làm du lịch cộng đồng, đào tạo cho dân bản địa làm dịch vụ, nấu ăn, dẫn tour giới thiệu cảnh đẹp trên mỗi điểm đến. Du khách được hưởng dịch vụ chu đáo thì rất hài lòng. Họ đến nước mình cũng mong muốn trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa bản địa hơn là các dịch vụ nghỉ dưỡng.
Một vài chia sẻ của anh Tuấn đến các bạn trẻ mê “xê dịch”
Những địa điểm đầu tiên anh làm du lịch dựa vào cộng đồng bản địa là ở đâu?
Mai Châu là địa điểm đầu tiên tôi làm về du lịch cộng đồng. Khách du lịch hiện nay đã bỏ hai bản Lác và bản Pom Coọng. Hai bản này đã từng phát triển rất là tốt, lượng du khách quốc tế rất đông. Nhưng giờ họ xây nhà nhiều tầng, có thêm nhà nghỉ, khách sạn sang trọng. Làm mất đi bản sắc vốn có.
Hai năm dịch bệnh, tôi dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu Điện Biên. Mọi người thường nghĩ đến Điện Biên với Sở chỉ huy Chiến dịch, Hầm Bát Giác… Nhưng không biết rằng thiên nhiên rất hùng vĩ.
Anh đã gặp phải những khó khăn nào khi làm việc với cộng đồng tại Điện Biên?
Thứ nhất là thuyết phục các cá nhân làm cùng mình. Họ chung tay cải tạo nhà cửa xây lại nhà vệ sinh, nhà tắm bằng các vật liệu tre, gỗ, đá địa phương. Các cơ sở vật chất cũng phải đủ tiêu chuẩn để đón du khách.
Thứ hai là làm sao xây dựng văn hóa chung. Cần phải vận động tất cả người dân có tiêu chuẩn văn hóa ứng xử, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng túi nilon và tuân thủ hệ thống thu gom phân loại rác.
Thứ ba là nhiều người dân đã mất niềm tin vào công ty du lịch. Người dân sợ rằng cải tạo nhà cửa xong rồi du khách không đến vì đã có nhiều dự án “bánh vẽ”. Mình cũng phải thuyết phục dần dần. Đầu năm nay, tôi đã đưa 5000 lượt khách đến Điện Biên và hiện nay họ tin mình hơn.
Anh có suy nghĩ gì về ngành du lịch hiện nay sau thời gian khó khăn vì dịch Covid19?
Thời kỳ hiện nay, làm du lịch cạnh tranh rất là lớn do internet và thế giới phẳng. Ngày xưa làm du lịch không có nhiều, bây giờ thì thương mại hóa hơn, ai cũng có thể làm được du lịch. Nhưng sau đại dịch, những người vẫn trụ lại với ngành du lịch đến bây giờ là làm về đam mê. Đam mê với việc đi các cung đường, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách.
Một vài chia sẻ của anh về hạnh phúc của người làm du lịch
Xin cảm ơn anh rất nhiều.