Tiêu khiển như vua, quan nhà Nguyễn

22/04/2014

Tồn tại 143 năm (1802- 1945) và trải qua 13 đời vua, Vương triều Nguyễn không chỉ để lại cho Huế di sản các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm, đền miếu mà còn cả lĩnh vực về các thú tiêu khiển vô cùng phong phú.

Bài: Nguyễn Văn Tưởng - Ảnh: Văn Tưởng, Trần Đức Anh Sơn

Phục vụ cho những thú tiêu khiển của vua quan và hoàng tộc nhà Nguyễn, việc chế tạo những vật phẩm, nay đã thành pho cổ vật quý, đều được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa thể hiện một cách khéo léo và hoàn mỹ. Du khách sẽ có cơ hội tận mắt nhìn thấy phần nào sức hấp dẫn của những thú vui tao nhã đó được tái hiện trong chương trình “Đêm Hoàng Cung” trong khuôn khổ Festival Huế - năm 2014 sắp tới.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đang thuyết trình nghệ thuật uống trà tại cung Diên Thọ trong Đại Nội Huế

Tiêu khiển có nghĩa làm cho thoải mái tinh thần bằng những lạc thú nhẹ nhàng như: thưởng thức trà, rượu và các trò chơi. Nhiều thú vui vốn xuất xứ từ thôn dã đã được giới quyền quý tiếp nhận và cải biên cho phù hợp với nếp sống thượng lưu. Bên cạnh đó, vua quan và hoàng tôn nhà Nguyễn đã tham khảo thú tiêu khiển được mô tả trong các sách vở viết về đời sống cung đình Trung Hoa rồi tiếp thu và cải biên cho phù hợp với mình, như trò chơi đầu hồ, xăm hường…

Thưởng trà theo kiểu cung đình

Việc uống trà, rượu được người Việt coi như một lạc thú tinh thần. Đặc biệt, thú uống trà, rượu không chỉ để giải trí, ngâm đôi câu thơ, luận bàn thế sự mà còn ôn lại những sự kiện đi qua đời họ; uống trà có tác dụng nuôi dưỡng tinh thần, làm cho tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Ngoài ra, người Việt còn sử dụng trà như một phương tiện không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày.

Bộ đồ trà hạ ẩm, kiểu Huế, vẽ mai hạc, đề thơ chữ Nôm. Đồ sứ ký kiểu đời Gia Long.

Thời Nguyễn, nghệ thuật uống trà vốn được coi là cung cách của người quý phái, và càng được ưa chuộng hơn trong đời sống cung đình như một bằng chứng của sự giàu sang quyền quý. Nghệ thuật thưởng thức trà khá phức tạp, phải hội đủ hàng chục yếu tố, trong đó nhất thiết phải có đầy đủ các dụng cụ để pha trà. Các bộ trà thời Nguyễn phong phú, không những đa dạng về kiểu dáng, chất liệu mà còn cả họa tiết trang trí trên từng hiện vật, đặc biệt là bộ trà cụ bằng gốm sứ (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bộ đồ trà đông ẩm, kiểu Huế, vẽ phong cảnh sơn thủy, hiệu đề chữ Nhật. Đồ sứ ký kiểu đời Tự Đức.

Các bộ trà thời Nguyễn phong phú, không những đa dạng về kiểu dáng, chất liệu mà còn cả họa tiết trang trí trên từng hiện vật, đặc biệt là bộ trà cụ bằng gốm sứ.

Để có một chén trà ngon, bộ đồ pha trà đóng một vai trò quan trọng. Mỗi bộ pha trà thường có: tống, tốt, dầm, bàn và ấm trà. Tống (còn gọi là chén tướng), là chén lớn dùng để chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi lóng cặn rồi mới rót sang chén tốt. Tốt (còn gọi là chén quân), là chén nhỏ để dùng uống trà. Dầm là chiếc đĩa để lót chén tống. Bàn là chiếc đĩa có chức năng như chiếc khay nhỏ, dùng để chứa các chén tốt. Trong đó, chén tống và chén tốt giống nhau về kiểu dáng, chỉ khác nhau về kích thước.

Bộ đồ trà xuân - thu ẩm, kiểu Huế, vẽ cảnh Vương Chất vào núi Thạch Thất, hiệu đề chữ Nhật. Đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

Chén trà Huế đặc trưng có kiểu “mắt trâu - lật đật”, có đáy tròn và nặng nên khi có ngoại lực tác động vào thì chúng dao động như con lật đật nhưng cuối cùng luôn trở về vị trí thăng bằng. Người ta cho rằng việc các vua nhà Nguyễn và hoàng tôn ở Huế thích dùng đồ trà này là vì họ có ý coi chúng là biểu tượng cho sự vươn dậy và lớn mạnh của dòng họ Nguyễn trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.

Ấm trà và dĩa dầm bát giác vẽ viên long, hiệu đề Thiệu Trị niên tạo. Đồ sứ ký kiểu đời Thiệu Trị.

Ấm trà lại có nhiều kích cỡ khác nhau: dùng cho một người gọi là độc ẩm; dùng cho hai người gọi là song ẩm; dùng cho ba người gọi là tam ẩm và uống trà với kiểu quần ẩm (nhiều người). Đa số các loại ấm được làm bằng đất nung và bằng sứ men trắng vẽ lam tạo dáng nhỏ nhắn, thanh thoát. Mỗi bộ đồ trà được trang trí khác nhau: có bộ đồ trà trang trí viên long; có bộ đồ trà trang trí điển tích như Bá Nha - Tử Kỳ, Tô Vũ mục dương; có bộ đồ trà trang trí nhân vật và thơ. Đặc biệt ở Huế có bộ đồ trà nổi tiếng - đồ trà Mai Hạc bằng sứ men lam, vẽ hình chim hạc đứng bên gốc mai già và hai câu thơ của Nguyễn Du: “Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Đổ xăm hường & ước vọng khoa bảng

Đổ xăm hường là một trò chơi có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng được người Huế ưa chuộng. Khởi thủy, trò chơi này có mặt ở hoàng cung, về sau phổ biến trong các phủ đệ của các tôn vương và quan lại triều đình nhà Nguyễn, rồi mới lan truyền ra dân gian. Đổ xăm hường là một trò chơi tao nhã mang tính thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Xăm có nghĩa là cái thẻ; hường có nghĩa màu hồng, do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm, tên của vua Tự Đức nên phải kiêng.

Khởi thủy, đô xăm hường có mặt ở hoàng cung, về sau phổ biến trong các phủ đệ của các tôn vương và quan lại triều đình nhà Nguyễn, rồi mới lan truyền ra dân gian.

Một bộ xăm hường gồm có các vật dụng sau: hộp đựng bộ xăm hường, bộ thẻ (xăm), sáu hột súc sắc, chiếc tô sứ dùng để đổ hột. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ bộ xăm hường khá nguyên vẹn. Bộ thẻ xăm hường gồm có 63 thẻ hiện chỉ còn 56 thẻ: 30 thẻ Tú tài (thiếu 2 thẻ), Cử nhân có 12 thẻ (thiếu 4 thẻ), Tiến sĩ có 7 thẻ (thiếu 1 thẻ), Hội nguyên có 4 thẻ, Bảng nhãn có 1 thẻ, Thám hoa có 1 thẻ và Trạng nguyên có 1 thẻ.

Trên các thẻ đều khắc chữ Hán màu đỏ, ghi các học vị khoa cử ngày xưa: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa và trạng nguyên được chế tác bằng ngà voi. Chiếc tô sứ có dáng chuông là loại tô miệng loe, thành đứng, lòng sâu (được cho là có hình dáng chuông) dùng để gieo các hột súc sắc, đặc biệt tô sứ men lam ký kiểu được chế tạo ở Trung Hoa để tiếng đổ hột mới thanh và vang xa. Ngoài ra, còn chiếc hộp đựng bộ xăm hường được làm bằng gỗ, lòng chiếc hộp chia làm 5 ngăn, để chứa 5 nhóm thẻ khác nhau, sát đáy chiếc hộp thiết kế một hộp nhỏ dùng để đựng hột súc sắc, có thể đẩy vào, mở ra dễ dàng. Bên ngoài chiếc hộp được khảm xà cừ với họa tiết lưỡng long tranh châu.

Đầu hồ & phi tiêu

Đầu hồ là trò chơi có nguồn gốc Trung Hoa, được vua và các hoàng thân quan lại nhà Nguyễn ưa chuộng. Trò chơi đầu hồ thường xuất hiện trong các dạ tiệc của triều đình, với không gian tổ chức thường diễn ra ở sân chầu hoặc trong nhà. Đầu có nghĩa là ném; hồ nghĩa là bình. Một bộ dụng cụ chơi đầu hồ gồm có chiếc bình, những mũi tên và con cóc (có người gọi là con ngựa). Bộ đồ đầu hồ cũng rất phong phú về chất liệu và hình dáng, đặc biệt, bộ đầu hồ bằng gỗ khảm xà cừ, bộ đầu hồ bằng pháp lam (đồng tráng men).

Đây là bộ đầu hồ tiêu biểu nhất trong số những bộ đầu hồ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đầu hồ bằng gỗ có nhiều bộ phận ghép lại. Trong đó, chiếc bình có dạng nậm rượu, có eo ở giữa, cổ bình hình trụ, miệng loe. Bên ngoài thành bình khảm xà cừ với các môtip như: rồng, mây và bát tiên. Phần đế được tạo dáng như chiếc đôn để bày các chậu cảnh trong các cung điện; đế có bốn chân, kiểu chân quỳ, gắn với một vành gỗ phía dưới; phía ngoài vai đế khảm xà cừ các họa tiết long, lân, quy, phụng và bốn bảo vật trong bộ bát bửu gồm: quạt ba tiêu, đàn tỳ bà, cuốn thư và tù và.

Bộ phi tiêu được làm gỗ chắc và dẻo được vót rất thanh mảnh nên có thể uốn cong một cách mềm mại, mỗi bộ gồm 12 mũi tên (thập nhị chi) tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Thân phi tiêu tròn, một đầu tròn và một đầu dẹp rất thuận tiện cầm cho người chơi.

Con cóc là một mảnh gỗ hình bầu dục, dùng để đầu phi tiêu được ném xuống sau khi người chơi cho nhún nhiều lần trên tay rồi búng ra khỏi tay, và phi tiêu dội ngược lên về bình để rơi vào miệng của nó. Theo sử liệu triều Nguyễn ghi lại, vua Tự Đức và Bảo Đại rất thích trò chơi này và chơi rất giỏi.

Đa phần các chế phẩm trên có niên đại thế kỷ XIX- XX và đó là những vật phẩm dùng để chơi các thú tiêu khiển của vua quan nhà Nguyễn. Dòng cổ ngoạn này là những cổ vật ghi dấu về một thời vàng son ở Huế; là những vật chứng sống động về thú tiêu khiển một thời trên đất thần kinh xưa.

Dòng cổ ngoạn này là những cổ vật ghi dấu về một thời vàng son ở Huế; là những vật chứng sống động về thú tiêu khiển một thời trên đất thần kinh xưa.

Nếu đến Huế dự Festival Huế - năm 2014 này, du khách có dịp được tận mắt chứng kiến những trò vui mà các bậc đế vương và quý tộc thời Nguyễn ưa chuộng được tái hiện qua chương trình «Đêm Hoàng Cung» ở ngay tại khu Đại Nội. Việc tái hiện những thú tiêu khiển này là một điều rất thú vị, làm cho hoàng cung Huế trở thành nơi không chỉ đáng xem mà còn là nơi để vui chơi, thưởng ngoạn, tìm hiểu về đời sống cung đình và văn hóa Huế.

Thông tin thêm:

+ Bộ sưu tập cổ vật có liên quan đến các thú tiêu khiển của hoàng gia và giới vương tộc triều Nguyễn, tiêu biểu nhất là bộ đồ trà, rượu, trò chơi đổ xăm hường, đầu hồ... hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (3 Lê Trực, Thành phố Huế).

+ Festival Huế lần thứ VIII - năm 2014 diễn ra từ 12 – 20/4. Trong chương trình «Đêm Hoàng Cung», được tổ chức ngay tại khu Đại Nội, du khách có thể thưởng ngoạn những trò tiêu khiển cung đình này.

RELATED ARTICLES