Người Mỹ “xấu hổ” khi đi du lịch nước ngoài dưới thời Trump

12/04/2025

Khi hình ảnh nước Mỹ ngày càng trở nên gây tranh cãi trong mắt bạn bè quốc tế, không ít người Mỹ mang trong mình tâm lý bất an, lo sợ, thậm chí là xấu hổ khi bước chân ra khỏi biên giới quốc gia. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, những lo ngại này càng trở nên rõ rệt, ảnh hưởng đến quyết định du lịch và cách họ được nhìn nhận ở nước ngoài.

Trong suốt hơn 20 năm làm du lịch, ông Raj Gyawali - người điều hành một công ty lữ hành chuyên tổ chức tour tại Nepal - đã quá quen với những lý do hủy tour như ốm đau hay thay đổi kế hoạch. Thế nhưng gần đây, ông chứng kiến một trường hợp chưa từng có: một khách hàng người Mỹ đã hủy chuyến đi chỉ vì cảm thấy không an toàn khi ra nước ngoài dưới chính quyền hiện tại ở Mỹ.

Bài liên quan

“Nhiều người cảm thấy khó xử khi đến từ một quốc gia mà mình phải liên tục bảo vệ hoặc xin lỗi vì tình hình hiện tại”, ông chia sẻ, đồng thời khẳng định rằng điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia và hoạt động du lịch nói chung.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump đang tạo ra nhiều biến động trong ngành du lịch quốc tế

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump đang tạo ra nhiều biến động trong ngành du lịch quốc tế

Nỗi sợ khi mang quốc tịch Mỹ ra thế giới

Tâm lý không muốn bị nhận diện là người Mỹ đang lan rộng. Khi Tổng thống Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai, không ít người Mỹ bắt đầu cảm nhận rõ sự thay đổi trong cách họ được nhìn nhận ở nước ngoài. Nếu trước kia, hình ảnh ông Trump khiến nhiều người bật cười vì tính cách “dị biệt”, thì giờ đây, mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng hơn: các chính sách gây tranh cãi về thương mại, di trú, môi trường và ngoại giao khiến người Mỹ cảm thấy như mang theo cả gánh nặng chính trị khi ra thế giới.

Sierra Malone, một nữ chuyên gia truyền thông từng sống tại Anh và là người đam mê du lịch, cho biết cô chưa bao giờ cảm thấy lo lắng đến thế khi chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày sang châu Âu.

“Lần trước (nhiệm kỳ thứ nhất của Trump) tôi chỉ thấy xấu hổ. Còn lần này, thực sự là cảm giác sợ hãi”, cô giãi bày. “Tôi chưa ra nước ngoài kể từ tháng Một, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc môi trường bên ngoài giờ đã khác, rồi tự hỏi người ta nhìn người Mỹ ra sao... thật sự, cảm giác lo sợ là có”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tâm lý đó không chỉ dừng ở cảm xúc. Nhiều du khách đã bắt đầu điều chỉnh cách ăn mặc, lời nói, thậm chí suy nghĩ đến việc giấu đi quốc tịch của mình. Một số còn đùa rằng họ muốn mang theo tấm biển ghi rõ: “Tôi là người Mỹ, nhưng không phải kiểu người Mỹ đó”.

Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu tại Anh, thiện cảm đối với nước Mỹ đang giảm sút đáng kể tại nhiều quốc gia châu Âu. Người dân ở các nước như Đan Mạch, Pháp, Đức, Thụy Điển, hay Anh cho biết họ không còn nhìn Mỹ như một đối tác đáng tin cậy, mà ngày càng lo ngại trước các chính sách đơn phương, mối quan hệ ngoại giao căng thẳng và các phát ngôn gây sốc từ Nhà Trắng.

Đan Mạch là quốc gia có tỷ lệ đánh giá tích cực về người Mỹ thấp nhất

Đan Mạch là quốc gia có tỷ lệ đánh giá tích cực về người Mỹ thấp nhất

Chính điều này cũng ảnh hưởng đến cách người Mỹ bị nhìn nhận khi đi du lịch. Không còn là những vị khách thân thiện với nụ cười dễ mến, nhiều người Mỹ giờ đây cảm thấy như họ phải "giải trình" cho các chính sách của quốc gia mình ở bất kỳ đâu, từ sân bay, nhà hàng đến những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với người bản địa.

Phương án nào cho du lịch Mỹ?

Lisa VanderVeen, một phụ nữ Mỹ thường xuyên đi du lịch nước ngoài, chia sẻ rằng cô cảm thấy mâu thuẫn: một mặt lo sợ trở thành mục tiêu chỉ trích hoặc kỳ thị, nhất là khi đi du lịch một mình; mặt khác lại thấy mình có trách nhiệm thể hiện một hình ảnh người Mỹ khác - cởi mở, biết lắng nghe và đầy thiện chí.

Tuy vậy, VanderVeen không có ý định lảng tránh việc giao tiếp với người dân địa phương khi ra nước ngoài. Cô tin rằng, du lịch có thể mở ra cơ hội kết nối giữa các nền văn hóa, đặc biệt trong thời điểm đầy biến động như hiện tại. “Mọi người hiểu rằng chúng tôi cũng chỉ là những con người bình thường, chắc chắn không phải ai trong chúng tôi cũng ủng hộ những gì đang diễn ra ở đất nước mình hiện giờ - đặc biệt là khi thế giới đang nhìn nước Mỹ như một quốc gia ngày càng kém thân thiện và thiếu hoan nghênh với các nước khác”, cô chia sẻ.

Du lịch có thể mở ra cơ hội kết nối giữa các nền văn hóa, đặc biệt trong thời điểm đầy biến động như hiện tại

Du lịch có thể mở ra cơ hội kết nối giữa các nền văn hóa, đặc biệt trong thời điểm đầy biến động như hiện tại

Trước thực tế này, nhiều đơn vị lữ hành quốc tế cũng đang tính toán lại chiến lược. Ông Gyawali cho rằng thay vì xem đây chỉ là một giai đoạn tạm thời, ngành du lịch cần nhìn nhận đây là một xu hướng dài hạn và chuẩn bị các phương án ứng phó, từ cách truyền thông với khách hàng đến cách xây dựng hình ảnh và trải nghiệm phù hợp.

Ông cũng đề xuất một số sáng kiến như lập một nhóm chuyên gia du lịch để cùng hợp tác đưa ra các giải pháp. “Ngành du lịch thường có xu hướng phản ứng thụ động, khi có khủng hoảng thì mới bắt đầu đối phó. Tôi nghĩ chúng ta cần chủ động hơn, dự báo trước các vấn đề có thể xảy ra”. Du lịch phải tự bảo vệ mình trong thế giới bị ảnh hưởng bởi Trump.

Một số chuyên gia cũng khuyên rằng du khách Mỹ nên chú ý hơn trong cách ứng xử, ăn mặc và trò chuyện khi ra nước ngoài. Việc khoác lên mình những trang phục in hình quốc kỳ hay thể hiện quan điểm chính trị rõ rệt có thể tạo ra phản ứng không mong muốn. Thay vào đó, sự khiêm tốn, cởi mở và tôn trọng văn hóa địa phương chính là chìa khóa để có một chuyến đi suôn sẻ trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.

Du khách Mỹ nên chú ý hơn trong cách ứng xử, ăn mặc và trò chuyện khi ra nước ngoài

Du khách Mỹ nên chú ý hơn trong cách ứng xử, ăn mặc và trò chuyện khi ra nước ngoài

Dù tình hình có phần ảm đạm, nhiều du khách Mỹ vẫn tin rằng du lịch là một cơ hội để phá bỏ định kiến. Jessica Flores, Giám đốc trải nghiệm của tổ chức phi lợi nhuận Tourism Cares chuyên thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, nhấn mạnh rằng sự thấu cảm luôn là “chìa khóa” khi đối mặt với những tình huống nhạy cảm. “Hãy cố gắng hiểu đâu là những lo ngại sâu xa của đối phương và điều chỉnh hành vi của mình khi cần thiết”, cô nhấn mạnh. “Nhiều khi, chỉ cần sự tử tế, kiên nhẫn và một chút tò mò chân thành cũng đủ để xóa tan căng thẳng và mở ra những kết nối ý nghĩa”.

Uông Long - Nguồn: CNN
RELATED ARTICLES