Nhắc đến Văn Cao, ta thường biết ông là tác giả Quốc ca Việt Nam, nhưng một lời giới thiệu về ông như vậy dường như quá sơ sài, trước những đóng góp thi ca - âm nhạc - hội họa của ông cho nền nghệ thuật nước nhà.

Trịnh Công Sơn đã từng nói về Văn Cao với những lời lẽ thiết tha đến mức được dân mê nhạc trích đi dẫn lại không biết bao lần trong sách, trên báo, và khắp mạng xã hội: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…”.

Không sai khi nói rằng Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam, với nhiều đóng góp trong lĩnh vực âm nhạc cũng như thi ca và hội họa, mà ở lĩnh vực nào ông cũng đều lưu dấu không ít sáng tạo mang tính khai phá dành cho những người đi sau, định hướng và đặt nền móng cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại - đặc biệt là vai trò của ông trong sự định hình của thể loại tình ca, hùng ca và trường ca trong âm nhạc cũng như thể loại trường ca trong thơ hiện đại Việt Nam.

Thời tiền chiến, những tình khúc của Văn Cao mang đậm dấu ấn thi ca phương Đông kết hợp với nét cổ điển phương Tây, trở thành những nhạc phẩm bất hủ vượt thời đại như Buồn tàn thu, Bến xuân, Cung đàn xưa, Thu cô liêu, Suối mơThiên Thai hay Trương Chi... Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Nạn đói năm 1945 cùng những chiến dịch cách mạng của giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy đã gợi nguồn cảm xúc cho Văn Cao sáng tác Tiến quân ca, bài hát đã trở thành Quốc ca đầy thân thương của mỗi người Việt Nam ngày nay. Thời kỳ sau đó, Văn Cao sáng tác những khúc nhạc Cách mạng vui tươi, khỏe khoắn như Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội… và đặc biệt là Trường ca sông Lô, ca khúc đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Phạm Duy nhận xét Trường ca sông Lô là "đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung" và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam.

Không chỉ là một tài năng âm nhạc, Văn Cao còn viết văn xuôi, làm thơ và vẽ tranh, dù ở lĩnh vực nào ông cũng đều gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, những đóng góp về thơ ca và hội họa của Văn Cao vì nhiều lý do khác nhau mà ít được nhắc tới hơn rất nhiều so với những thành tựu trong âm nhạc của ông.

Trong lĩnh vực thơ ca, độc giả Việt Nam thường biết đến những vần tự sự về chính cuộc đời ông, về quê hương, về cuộc sống tự do với bạn bè. Hơn hết, người ta nhớ đến những vần thơ đau thương của ông về cuộc sống cùng cực của người dân nghèo nơi xóm ả đào, nẻo nhà ga, lề đường, góc chợ. Văn Cao cho rằng “người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng”.

Trong lĩnh vực hội họa, những sáng tác của Văn Cao không còn đầy đủ như các tác phẩm âm nhạc và thơ của ông, vì nhiều lý do như trách nhiệm của những người lưu giữ và điều kiện bảo quản hạn chế trong nhiều năm chiến tranh. Hầu như chỉ có thể căn cứ vào những ý kiến phê bình của các bạn văn nghệ đương thời của ông như họa sĩ Tạ Tỵ và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, rằng Văn Cao có "rất nhiều họa phẩm giá trị, có giá trị nghệ thuật độc đáo”. “Rất nhiều” là bao nhiêu, "độc đáo" là như thế nào, những người muốn tìm hiểu về phong cách hội họa của Văn Cao thật khó mà biết được. Nhưng những bức tranh được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình như minh họa bìa sách, vignette cho báo chí, thiết kế nhãn hộp diêm... cũng có thể cho ta thấy một phần tài năng sắc sảo và tinh tế của ông trong lĩnh vực hội họa, không thua gì thơ ca và âm nhạc.

Empty

Nếu cho rằng Văn Cao là một gã "giang hồ mê chơi quên quê hương" thì hoàn toàn không đúng. Vốn học võ từ năm 9 tuổi, lại từng nhiều phen thượng đài đánh võ ở Hải Phòng, chàng Văn Cao của Bến xuân cũng giang hồ chẳng kém gì chàng Hứa Văn Cường của Bến Thượng Hải. Năm 1944, người nghệ sĩ xếp chiếc bút, cây đàn sang một bên và cầm lấy cây súng, trở thành Đội trưởng Đội danh dự Việt Minh - chuyên bảo vệ các đội viên tuyên truyền và xử lý Việt gian - nói nôm na là tổ chức ám sát ở nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Ông cũng có thời gian hoạt động bí mật ở Lào Cai dưới vỏ bọc là ông chủ tài hoa và chất chơi của một quán bar tên Biên Thùy gần chợ Cốc Lếu. Từ đây, Văn Cao đã có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và kết nghĩa huynh đệ với Vua Mèo. 

Thế nhưng, Văn Cao chỉ cầm súng vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ bắt buộc ông phải như vậy, về bản chất ông vẫn là người nghệ sĩ của chiếc bút và cây đàn. Khi nhiệm vụ Cách mạng đã hoàn thành, Văn Cao từ chối lời mời ở lại công tác cho ngành Công an và nói: "Công việc này không thích hợp với tôi".

Con trai ông, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao, kể lại rằng: “Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ Cách mạng, vì sự sống của muôn người nên bắt buộc ông phải ra tay tiêu diệt những tên Việt gian ngoan cố”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã từng hỏi ông: "Tại sao sau kháng chiến chống Pháp, anh vẫn vẽ, vẫn làm thơ, nhưng người ta không nghe anh hát nữa?". Văn Cao trả lời rằng: "Hồi nhận lời viết Tiến quân ca, tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát, mà là một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng, vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc-không-lời".

Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao trở về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Cùng một số nghệ sĩ khác, ông chủ trương đòi hỏi tự do văn nghệ, sáng tác. Và đây chính là lý do đã đẩy ông vào một vùng tối suốt nhiều năm. Văn Cao bị đấu tố và phải đi cải tạo lao động. Tên tuổi của ông hầu như không còn được nhắc tới, các tác phẩm của ông không được trình diễn ở miền Bắc, trừ bài Quốc ca - mà thậm chí người ta còn không đề tên tác giả. Trong ba mươi năm sau đó, ông kiếm sống bằng nhiều công việc như viết nhạc cho phim và kịch, trang trí sân khấu, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm... 

Thời gian này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác, cuộc sống của ông cùng gia đình cũng cực kỳ khó khăn. Ông chịu lưu đày tài năng của mình, như một "hoàng tử bé" đến từ nơi tinh cầu xa lạ, yêu thương cái Đẹp và cái Thơ như yêu thương cáo con và hoa hồng, nhưng điều đó những "người lớn" sẽ không thể nào hiểu được. Không được nhắc tới, không được sáng tác, không được công nhận, ông sống như một người tù tại ngoại, im lặng và buồn bã.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán từng nói về Văn Cao: "Rất nhiều buổi sáng, tôi đến nhà ông. Ông cứ ngồi như vậy với ly rượu và điếu thuốc trên tay. Im lặng. Tôi chụp ông nhiều lắm, chụp không biết bao nhiêu phim. Những bức ảnh ông ngồi bên cây đàn dương cầm, tay cầm ly hoặc có khi cầm điếu thuốc. Mọi suy nghĩ của ông như ngưng đọng lại. Chúng tôi cứ im lặng như thế. Tôi gần như không thấy ông cười bao giờ. Đời tôi chưa thấy ai buồn như Văn Cao dù ông không bao giờ nói về nó".

Empty

Sau 26 năm không cất lời ca, cho tới năm 1975, khi đất nước thống nhất, niềm vui rút cục đã trở lại với người nghệ sĩ, khiến ông viết nên tác phẩm cuối cùng của đời mình. Ông viết về "mùa bình thường".

Văn Cao đặt tên ca khúc cuối cùng của mình là Mùa xuân đầu tiên. Từ chối những rạo rực sục sôi niềm vui ngày hòa bình, từ chối cả những nỗi buồn da diết quen thuộc, thay vào đó, ông lại vẽ ra một khung cảnh hết sức "bình thường" của làng quê, mẹ già và tiếng gà trưa... Ông trả vào Mùa xuân đầu tiên những cảm xúc nguyên sơ, đơn giản, tựa như trả con người về với những niềm vui trong trẻo, lặng lẽ và thiêng liêng nhất ở sâu thẳm họ - những cảm xúc đã bị vùi lấp, mất đi quá lâu xuyên suốt những ngày tháng chiến tranh. Trả ta về cuộc sống của những mùa bình thường. 

Tiếc thay, khi đó "người" vẫn chưa biết yêu, chưa biết thương "người". Bài hát được in ngay trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhưng nó sớm bị lạc lõng, bị bỏ quên giữa những âm hưởng hào hùng, phơi phới tự hào của các ca khúc lúc bấy giờ. Mãi cho đến tận hai mươi năm sau, khi người nhạc sĩ tài hoa đã qua đời, Mùa xuân đầu tiên mới được cất tiếng vang.

Empty

Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới, các tác phẩm của Văn Cao dần được gỡ bỏ cấm đoán.

Năm 1989, một bức ảnh chụp nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm được tạp chí National Geographic đăng tải. Cũng chính tấm hình này đã tạo ra cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ, Robert Ashley, sáng tác nên bản độc tấu cho piano mang tên Van Cao’s Meditation vào năm 1992.

Bản thân ca khúc Mùa xuân đầu tiên, ngay trong năm 1976 sau khi nó được sáng tác, bằng cách nào đó đã được in và biểu diễn ở tận Liên Xô xa xôi. Bài hát còn được đặt lời tiếng Nga.

Với vô số tác phẩm nghệ thuật đã bị vùi lấp, ít ai ngày nay còn có thể hiểu thấu về con người nghệ sĩ Văn Cao. Nhưng người Việt Nam, và cả bạn bè quốc tế, không quên ông. Tinh thần của ông, âm nhạc của ông vẫn được yêu thương và còn ngân vang mãi, như "tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung", vượt qua biên giới, vượt qua những định kiến thời cuộc, và trở nên vĩnh viễn với thời gian.

Sẽ luôn có những thế hệ người thấy Văn Cao hiện lên hào hùng và kiêu hãnh, trong giây phút họ đồng thanh hát Tiến quân ca. Sẽ cũng có đôi người, giữa một đêm vắng lặng thương nhớ quê hương, họ không thể ngừng câu hát Mùa xuân đầu tiên, để biết yêu đời, yêu người trong lặng lẽ. 

Empty