Bhutan, nơi thế giới lắng đọng ở độ cao 5.500m

29/09/2016

Chiếc máy bay lách nhẹ qua hẻm núi cao 5.500 mét, rồi đáp một cách điệu nghệ xuống đường băng dài vẻn vẹn 1,9 cây số của sân bay Paro. Vậy là tôi đã đến Bhutan, đất nước nằm chênh vênh trên dãy Himalaya được mệnh danh là nơi có môi trường sống hạnh phúc nhất châu Á.

Người hướng dẫn địa phương - Ugyen - đón chúng tôi trong bộ trang phục gho truyền thống của nam giới Bhutan, đó là một tấm áo dài tới đầu gối có dây thắt ngang bụng được giấu vào trong, nhìn tựa như áo của các võ sĩ Nhật. Đây là quốc phục của Bhutan, cũng là trang phục bắt buộc mỗi khi người dân viếng thăm đền chùa hay công sở.

Trên đường vào thủ đô Thimphu, chúng tôi ghé ngang một chiếc cầu cổ được kết hoàn toàn bằng dây xích sắt từ thế kỷ 14. Đây được cho là một trong 108 cây cầu do thánh nhân Thangtong Gyalpo xây dựng trên khắp Tây Tạng và Bhutan, nhằm giúp người dân khỏi lệ thuộc vào tàu bè khi qua sông. Dọc theo cầu sắt, người dân treo rất nhiều dây cờ ngũ sắc, bao gồm lam, trắng, đỏ, lục, vàng tượng trưng cho không gian, gió, lửa, nước và đất. Những dây cờ này được gọi là lungta, tức phong mã. Người Bhutan tin rằng mỗi khi gió thổi, những câu thần chú sẽ theo gió lan toả khắp thế gian, đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Sắc màu Thimphu

Đến Thimphu, chúng tôi về khách sạn nghỉ trưa. Khách sạn toạ lạc ngay cạnh bảo tháp Memorial Chorten, nơi tưởng niệm vị vua đời thứ ba của Bhutan. Từ cửa sổ, tôi có thể thấy dòng người đi nhiễu quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, có người còn mang trên tay một chiếc kinh luân nhỏ, vừa đi vừa xoay. Người Bhutan rất sùng đạo, Ugyen nói, có những người già dành cả ngày đi nhiễu quanh bảo tháp nhằm tích luỹ những thiện nghiệp cho đời sau. Nếu ghé thăm bảo tháp Memorial Chorten, bạn nhớ đẩy thử những chiếc kinh luân lớn ở gian nhà bên trái bảo tháp. Ugyen bảo rằng, một vòng xoay kinh luân lớn sẽ đem lại phúc lợi gấp 1.000 lần so với kinh luân nhỏ.

Nhà cửa ở Thimphu khá hiện đại với nhiều hàng quán buôn bán tấp nập, phục vụ cho cả dân địa phương lẫn du khách. Tuy nhiên, mặt hàng ở các hiệu chạp phô, thường treo biển “General store”, khá nghèo nàn, chỉ có một vài nhãn hàng địa phương và Ấn Độ chứ không nhiều lựa chọn. Người Bhutan ăn ớt như rau. Ớt được bán hàng thúng lớn ở chợ, đủ màu sắc từ xanh lá đến đỏ mọng. Ngoài ra, người Bhutan không giết thịt nên khắp Thimphu chỉ có ba tiệm thịt, nhập từ Ấn Độ hoặc của những đồ tể không theo Phật giáo.

Buổi chiều, chúng tôi ghé thăm chợ phiên cuối tuần tại Thimphu. Ở những thành phố khác, chợ chỉ họp vào thứ Bảy và Chủ Nhật, riêng Thimphu họp thêm thứ Sáu. Trong chợ bán rất nhiều rau củ quả của Bhutan cũng như nhập từ Ấn Độ. Kế bên chợ là một chiếc cầu lớn có mái che, bước qua cầu là một khu chợ khác, bán quần áo, tranh tượng, pháp khí… hầu hết nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Nepal. Quà lưu niệm Bhutan có các mặt hàng thổ cẩm, khăn choàng, túi xách, nhưng nhìn chung khá giống Việt Nam.

Tu viện vạn Phật

Hầu như ở bất kỳ đâu tại Thimphu, bạn cũng có thể nhìn thấy tượng Đại Phật (Buddha Dordenma) ngự trên toà kim cương ở một quả đồi phía nam thành phố. Bức tượng cao 51,5m này được làm bằng đồng dát vàng, thể hiện hình tượng Đức Phật Thích Ca đang ngồi trong tư thế hoa sen, hai mắt khép hờ, tay bắt ấn địa xúc. Bên trong bức tượng khổng lồ này là một tu viện 17 tầng, với hơn 10 vạn tượng Phật nhỏ bằng đồng dát vàng khác. Buddha Dordenma được khánh thành hồi năm 2015, nhân thượng thọ 60 tuổi của Quốc vương Bhutan thứ tư. Thế nhưng, người ta tin rằng đức Liên Hoa Sinh, người mang Phật giáo Mật tông đến Tây Tạng rồi sau đó truyền sang Bhutan, đã tiên đoán về công trình này từ thế kỷ thứ 8. Có rất nhiều du khách từ Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác đến đây chiêm bái, có người còn mang cả bồ đoàn để ngồi thiền bên trong tượng Đại Phật.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khi bước vào trong nội điện, Ugyen hướng mặt về một chiếc ngai đối diện tượng Phật chính, phía trên để ảnh một vị tu sĩ, chắp tay lần lượt đặt lên trán, môi và ngực, rồi rạp người xuống lạy ba lần. Kế đó, anh quay sang tượng Phật và lặp lại nghi thức ấy. Một vị lạt ma cầm một chiếc bình vòi cao, trên nắp có đính lông công, rót một thứ nước vàng lợt vào lòng bàn tay Ugyen. Anh hớp lấy một ngụm nhỏ, rồi dấp phần còn lại lên đầu. Vị tu sĩ trong ảnh chính là Je Khenpo, lãnh tụ tinh thần của đất nước Bhutan, coi sóc việc đạo bên cạnh Quốc vương coi sóc việc đời. Ông đóng vai chiếc cầu nối tâm linh giữa người dân và đức Phật. Tất cả Phật tử, chỉ trừ những tăng lữ cấp cao, đều lạy ảnh của ông trước khi lạy hình tượng Phật.

Sau tượng Đại Phật là Thimphu Dzong, một lối kiến trúc đặc thù của Bhutan, kết hợp giữa pháo đài và tu viện. Bên trong mỗi Dzong đều có văn phòng chính phủ lẫn tu viện, nhà ở cho giới tăng lữ. Theo truyền thống, mỗi toà Dzong được xây dựng không theo bất kỳ một đồ án thiết kế nào mà theo sự hướng dẫn của một lạt ma cao cấp. Vì thế, mỗi toà Dzong là một công trình kiến trúc khác nhau. Điều đặc biệt là, quá trình xây dựng không dùng bất cứ một chiếc đinh nào để cố định các thành phần. Mỗi khi vào Dzong, nếu người Bhutan phải mặc trang phục truyền thống, còn du khách nước ngoài chỉ cần mặc quần dài, áo có tay là đủ. Bạn đừng bỏ qua những bức bích họa và mạn đà la tuyệt đẹp trong nội điện, đó là cả kho tàng nghệ thuật quý giá của Bhutan.

Trường bắn cung Changlimithang

Bắn cung không chỉ là môn thể thao ưa thích của người dân Bhutan, mà còn là một hoạt động cộng đồng gắn kết nhiều tầng lớp khác nhau. Từ năm 1984-2008, Bhutan chỉ tham gia Thế Vận Hội với duy nhất một môn này mà thôi. Bia bắn là một tấm gỗ mỏng, cao 91 phân, rộng 28 phân, cách cung thủ khoảng 145 thước. Người chơi có thể sử dụng cung tên truyền thống, hoặc cung tên hiện đại kiểu Mỹ với độ chính xác cao hơn. Mỗi khi một cung thủ bắn trúng hồng tâm, theo đúng nghi thức, các đồng đội sẽ nhảy một điệu ngắn và hát mừng anh ta. Ngược lại, nếu bắn trượt, đội bạn sẽ buông lời bông lơn châm chọc.

Thoạt nhìn, các vận động viên Bhutan kéo cung trông rất nhẹ nhàng, lại còn giữ khoảng 10 giây để nhắm cho thật kỹ rồi mới thả dây cung. Thế nhưng khi chúng tôi mượn cây cung kéo thử, thì hầu như không ai có thể kéo được! Chơi môn này không chỉ yêu cầu hai mắt phải tinh tường, mà hai tay còn phải thật khoẻ nữa. Bên cạnh bắn cung, người Bhutan còn thích chơi phóng phi tiêu. Chúng tôi sẽ được chơi thử môn này vào ngày hôm sau tại một nông trang ở Paro.

Sương ảnh ở cố đô Punakha

Mỗi sớm thức dậy tại Bhutan là một trải nghiệm hoàn toàn tinh khôi và đẹp đẽ. Bên ngoài cửa sổ khách sạn, mây kéo cuồn cuộn phủ trắng xoá những đỉnh núi xanh biếc. Những tia nắng non tơ trải dài trên đám ruộng bậc thang đương thì mơn mởn.

Chúng tôi gói ghém hành lý rời Thimphu để đến cố đô Punakha. Trên đường đi, xe ghé ngang tu viện Tango, theo tiếng địa phương nghĩa là "đầu ngựa", ở gần núi Cheri. Truyền thuyết kể rằng vị thần Hayagriva, một hoá thân mình người đầu ngựa của Đức Quán Thế Âm, đã từng thị hiện tại tu viện này. Đây là nơi tu học của các tăng lữ tại Bhutan, với chương trình "đại học" kéo dài 6 năm và "cao học" kéo dài 9 năm. Sau khi hoàn tất, các tăng lữ sẽ chuyển sang tu viện Cheri ở gần đó để nhập thất trong vòng ba năm, ba tháng, ba ngày, trùng với khoản thời gian đức Liên Hoa Sinh đã nhập thất tại Tiger's Nest theo sử sách. Đây cũng là nơi tu học của một vị được xem là tái sinh của ngài Tenzin Rabgye, vị quan chủ trì việc xây dựng Tiger's Nest hồi thế kỷ 17. Hiện tại, vị tái sinh của Tenzin Rabgye đang trong quá trình nhập thất ba năm, và theo lời Ugyen, sau khi xuất quan, vị ấy có thể trở thành lãnh đạo tinh thần tiếp theo của Bhutan, hoặc chọn một con đường khác.

Từ dưới chân núi, mất khoảng một giờ đồng hồ để leo đến tu viện Tango. Đường đi được lát đá sạch sẽ, do chính tay các vị tăng thực hiện vào lúc rỗi rãi cuối tuần. Cứ leo được một chốc, chúng tôi lại bắt gặp những tấm bảng gỗ, ghi lại những lời dạy của đức Phật về thiên nhiên, cuộc sống và con người. Mỗi khi thấm mệt, khách leo núi có thể dừng chân, vừa dưỡng sức, vừa suy ngẫm về những lời dạy ấy.

Sau tu viện Tango, đoàn khởi hành về phía nam thung lũng Thimphu, dừng chân ở đèo Dochula Pass rồi đến cố đô Punakha. Trên đường đi, chúng tôi băng qua một ruộng lúa để đến ngôi đền Chimi Lhakhang, được xem là nơi Thánh tăng điên Drukpa Kunley phong ấn một yêu nữ, và cũng là một ngôi đền cầu tự nổi tiếng. Vị thánh tăng điên này sống vào thế kỷ thứ 16 và có một ảnh hưởng sâu rộng lên văn hoá ở vùng Punakha. Theo truyền thuyết, loài linh ngưu (takin) biểu tượng quốc gia của Bhutan cũng là do ông Drukpa Kunley tạo ra, bằng cách ghép xương của bò và dê để tạo ra một con vật đầu dê mình bò.

Nếu bạn hỏi tôi, Bhutan có phải là thiên đường hạ giới không? Câu trả lời có lẽ là không. Người dân Bhutan vẫn phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Người trẻ Bhutan vẫn bị cuốn hút bởi thế giới của các minh tinh Bollywood cộng với tư tưởng tự do phóng túng của Tây phương. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm thứ hạnh phúc giản đơn, hãy thử một lần ghé thăm Bhutan, đất nước như bước ra từ cổ tích, nơi chính sử hoà quyện cùng truyền thuyết, nơi các lạt ma hoá thân giữ quyền bính ngang với các đại thần. Và nơi người dân vẫn cần mẫn treo những lá cờ nguyện lungta, mong tuệ giác của ngũ trí Phật theo gió lan toả khắp mười phương thế giới.

Thông tin thêm:

- Thời điểm: Thời gian tốt nhất để du lịch Bhutan là vào tháng 3-5 (mùa hè) và tháng 9-11 (mùa thu). Vào tháng 9, 10, nhiệt độ ở Thimphu thường rơi vào khoảng 10-20 độ C, không quá rét.

- Chính sách du lịch: Chính phủ Bhutan quy định mọi du khách ghé thăm Bhutan đều phải đăng ký tour thông qua một đại lý du lịch do chính phủ cấp phép. Đại lý sẽ lo tất cả cho bạn, từ thị thực, vé máy bay đến đặt phòng khách sạn. Xem danh sách các đại lý được cấp phép tại website: www.tourism.gov.bt/plan/tour-operators

- Hành trình: Hiện không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam qua Bhutan. Các đoàn lữ hành thường phải bay qua Bangkok, sau đó quá cảnh tại Kolkata trước khi đến Paro (Bhutan).

- Trải nghiệm: Nếu đến cố đô Punakha, đừng quên đăng ký chèo thuyền (rafting) trên sông Mo Chhu. Dòng sông khá nông và êm ả, đây sẽ là một trải nghiệm khó quên và là một điểm nhấn giữa những buổi viếng đền, chùa, khiến chuyến đi bớt nhàm chán.

- Trang phục: Hãy thử một lần mặc trang phục truyền thống của Bhutan (gho cho nam, kira cho nữ). Bạn có thể hỏi mượn hoặc thuê từ đại lý du lịch của bạn để lên hình trông đẹp hơn!

- Lưu ý: Nhớ mang theo thuốc cảm, ho, say xe... vì ở Bhutan rất khó để tìm mua thuốc tây. Và hãy mang thật nhiều mì gói, phòng khi bạn không quen với ẩm thực địa phương. Khác với những tour du lịch khác, tour Bhutan hoàn toàn không có các bữa ăn mang hương vị Việt hoặc Hoa.

Bài và ảnh: Đăng Trình

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES