Đồi chè Long Cốc qua ống kính của người yêu ảnh

23/07/2025

Nằm e ấp giữa miền trung du Phú Thọ, đồi chè Long Cốc từ lâu đã nổi tiếng là “tiên cảnh trong sương sớm”. Với anh Trần Linh, một nhiếp ảnh gia du lịch, Long Cốc là nơi anh trở về trong những ngày nắng đẹp, mang theo lều trại, máy ảnh và sự háo hức ngắm nhìn từng đồi chè xanh cuộn mình dưới trời.

Bình minh, hoàng hôn và những chiếc bát úp

Long Cốc là một xã miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, hơn 90% dân số là dân tộc Mường. Nguồn thu chủ lực của địa phương là cây chè, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện du lịch với sức hút của đồi chè Long Cốc - một trong những đồi chè đẹp nhất ở Việt Nam và được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long của vùng trung du”.

Đồi chè Long Cốc với tạo hình như những chiếc bát úp nhìn từ trên cao

Đồi chè Long Cốc với tạo hình như những chiếc bát úp nhìn từ trên cao

“Đồi chè Long Cốc là một nơi rất đặc biệt. Tôi từng chụp ở nhiều đồi chè khác nhau nhưng chưa đâu thấy hàng trăm quả đồi tròn đẹp đều, nhấp nhô như những chiếc bát úp lên mặt đất thế này”, nhiếp ảnh gia Trần Linh mở đầu câu chuyện khi nhắc về chuyến đi ngày 17-18 tháng 7 vừa qua. Đó là khoảng thời gian lý tưởng khi trời nắng trong, nhiệt độ dễ chịu để trở lại Long Cốc.

Bài liên quan

Theo anh, thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh Long Cốc luôn là lúc bình minh, hoàng hôn và khi đêm xuống. Bình minh ở Long Cốc thường đến cùng sương, từng lớp khói trắng mờ giăng lững lờ quanh những triền chè khiến người ta có cảm giác như đang bước vào một bức tranh thủy mặc. Toàn bộ khung cảnh đồi chè ẩn hiện dưới làn sương mờ ảo với sắc trời ửng hồng. Rồi khi những tia nắng chiếu rọi qua lớp sương, ánh vàng sáng bừng như dát vàng, phủ lên những ngọn đồi xanh mướt. Khung hình ấn tượng khiến người cầm máy mê mẩn.

Empty
Khung cảnh đồi chè lúc sáng sớm với nhừng tầng sương mờ lảng bảng

Khung cảnh đồi chè lúc sáng sớm với nhừng tầng sương mờ lảng bảng

Hoàng hôn lại là khoảnh khắc của những gam màu ấm và cảm xúc lắng dịu. Nắng đổ bóng dài trên những lối mòn uốn quanh đồi như tấm lụa mỏng được nhuộm bởi ánh chiều tà. Mặt trời dần khuất sau những dãy núi xa, những đồi chè mờ dần trong ráng chiều ngả bóng. Lúc ấy người ta chỉ muốn dừng lại, hít sâu mùi trà non và giữ lấy thời khắc rực rỡ cuối cùng của một ngày.

Empty
Mỗi thời điểm trong ngày, đồi chè lại mang một vẻ đẹp riêng

Mỗi thời điểm trong ngày, đồi chè lại mang một vẻ đẹp riêng

Mùa chè và mùa của sự sống

Theo kinh nghiệm của anh Trần Linh, mùa chè đẹp nhất kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là khoảng thời gian chè non, xanh đều, màu lá tươi mỡ màng, rất bắt sáng và hợp để lên hình. Mỗi đồi chè ở Long Cốc đều được trồng và chăm sóc theo hình vòng cung quanh đỉnh đồi, tạo thành các đường đồng tâm tự nhiên, khi nhìn từ trên cao, cảnh vật hiện lên như một bản nhạc thị giác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khu vực chụp ảnh đẹp nhất là đồi chè Đội 3 và Đội 5, hai đồi chè nằm ở vị trí cao nhất trong hệ thống đồi ở Long Cốc. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan đồi chè tươi tốt. Mỗi đợt giao mùa từ thu sang đông, sương mù lại bao phủ dày đặc khắp ngọn đồi, tạo thành khung cảnh nên thơ, huyền hoặc. Đến lúc lập đông, mây trời ùa về hoà quyện cùng sương che kín lối đi.

Vào mùa thu, đông, sương lên dày và đặc, che phủ những đồi chè

Vào mùa thu, đông, sương lên dày và đặc, che phủ những đồi chè

Vẻ đẹp ấy không chỉ thu hút giới nhiếp ảnh trong nước mà còn hấp dẫn cả những đoàn du khách quốc tế. Với quy mô lên đến hơn 600 ha cùng hình dáng đồi chè như những chiếc bát úp xanh mướt trải dài, nhiều du khách ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng bởi không nghĩ ở Việt Nam lại có cảnh quan ấn tượng đến vậy.

Không chỉ ngắm nhìn, nếu chọn các tour đồi chè Long Cốc, du khách còn có cơ hội trải nghiệm công việc hái chè của người dân địa phương, tham quan quy trình sản xuất tại Hợp tác xã chè Long Cốc, tìm hiểu về những giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2, PH1, PH8… và thưởng thức các loại chè Shan Tuyết, chè Bát Tiên đặc sản.

Empty
Empty
Du khách có thể trải nghiệm hái chè cùng người dân địa phương, tìm hiểu về các công đoạn sản xuất chè và thưởng thức những loại chè đặc sản

Du khách có thể trải nghiệm hái chè cùng người dân địa phương, tìm hiểu về các công đoạn sản xuất chè và thưởng thức những loại chè đặc sản

Một đêm cắm trại ngắm dải ngân hà, đón sương sớm tinh mơ

Khi đêm xuống, nam nhiếp ảnh gia dựng lều qua đêm ngay trên đồi chè. Anh thường mang theo lều gọn nhẹ, vài món đồ dùng cá nhân, đôi khi là vài người bạn thân. Chọn một đỉnh đồi thoáng gió, dựng lều khi trời vừa nhá nhem tối, nằm ngửa lên trời ngắm sao rồi chụp ảnh phơi sáng dải ngân hà (milky way). “Bầu trời đêm ở Long Cốc sạch và nhiều sao lắm, nhất là vào hôm trời nắng. Đó là thời điểm để chụp milky way rõ nét, những ai yêu thiên văn và nhiếp ảnh đều sẽ thích”.

Empty
Empty
Empty

Theo anh Linh, cắm trại ở đây hoàn toàn tự do, không có quy định. Tuy nhiên du khách cần có ý thức giữ gìn cảnh quan, tôn trọng thiên nhiên và không xả rác bừa bãi. “Cảnh quan này rất cần được gìn giữ, nhất là khi số người đến Long Cốc chụp ảnh ngày càng đông”, anh chia sẻ.

Bữa tối trên đồi thường giản dị mà đậm chất bản địa: xôi ngũ sắc dẻo thơm, gà nướng tẩm mắc khén cay nồng, thịt chua gói trong lá dổi. Những món ăn dân dã ấy mang hương vị rất riêng của núi rừng trung du. Không điện thoại, không internet, chỉ có tiếng côn trùng, gió đêm và bầu trời đầy sao.

Empty
Bầu trời đêm và dải ngân hà trên đồi chè Long Cốc

Bầu trời đêm và dải ngân hà trên đồi chè Long Cốc

Sáng hôm sau, mở cửa lều thấy sương trắng lững lờ trôi trên những tầng chè, giơ máy lên là có thể bắt được những khoảnh khắc hư ảo lúc đầu ngày. Đó là thứ mà anh Linh luôn theo đuổi, những khung hình không chỉ đẹp mà còn chân thực và chứa đựng cảm xúc.

Với Trần Linh, Long Cốc không chỉ là điểm dừng chân, mà là nơi để thấy ánh sáng, sương mù và màu xanh của những đồi chè hoà quyện trong một khung hình, giống như bức tranh chuyển động của tự nhiên và con người. Long Cốc là nơi chè được trồng thành tầng lớp, nơi các thiếu nữ mặc váy thổ cẩm đi hái chè buổi sớm, nơi mùi hương ngai ngái của lá non trộn lẫn với mùi đất ẩm và tiếng gió thoảng qua những hàng cây tràm cổ, dưới những cánh chim chao lượn phía xa.

Bài: Quỳnh Mai - Ảnh: Trần Linh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES