Mênh mang Ba Bể

18/11/2012

Khỏa đôi chân trần xuống dòng nước mát, tôi với cô bạn tán gẫu về đất trời cho đến khi cuộc nói chuyện bị đứt đoạn bởi những cánh cò chiều hôm chao liệng trên mặt hồ đã mờ ảo khói sương tự lúc nào.

Bài: Lam Linh. Ảnh: Đức Anh Bùi, Lam Linh, Song Hiền

Chúng tôi quyết đinh ghé thăm hồ Ba Bể vào một chiều thu cách đó hai ngày. Sự thèm muốn được vẫy vùng trong khoảng trời đất rộng lớn, bao la và được thỏa sức ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp, được thoát khỏi thành phố chật chội và bức bối trong vài ngày đã đưa đến quyết định chóng vánh. Vậy là chuyến xe bốn người lên đường từ sáng sớm tinh mơ. Sau 200km quốc lộ 3 để đến với thị xã Bắc Cạn, con đường rẽ từ Phủ Thông, ngoằn ngoèo qua núi qua đồi. Những thảm lúa vàng rực rỡ hiện ra trong ánh nắng thu. Cảnh sắc bắt đầu thay đổi. Xe dần tiến vào trong lõi rừng quốc gia Ba Bể, vốn được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối.

Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Hồ rộng 500ha, có độ sâu trung bình 17-23m, đáy hồ được phủ một lớp đất sét dày 200m. Nhờ tầng đất sét này mà nước không bị thoát ra ngoài, tạo thành hồ. Không những nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ năm 2004, hồ còn được công nhận là vườn di sản ASEAN.

Hơn 6 tiếng ngồi xe, cả nhóm đến người khỏe nhất cũng đã bắt đầu cảm thấy uể oải. Con đường cua theo núi theo sông, cua qua những bản làng đơn sơ, mộc mạc. Có năm người trên xe thì chỉ có duy nhất bác tài không bị say đường, còn lại bốn vị khách đều đã nôn nao say dù cánh cửa ô tô rộng mở đón không khí thoáng mát suốt chặng đường 60km từ khi rẽ vào rừng. Vào đúng lúc chúng tôi đã muốn rời khỏi xe vì thấm mệt, Ba Bể hiện ra trong một màu xanh đến nhức mắt. Thiên nhiên vòng một vòng tay rộng lớn ôm trọn trời và đất, gói lại, tạo nên một Ba Bể tách biệt. Hết cả mệt, hết cả say, cả hội nhảy xuống xe. Từ phía bên này con đường đã có thể nhìn thấy toàn bộ bản Pác Ngòi, nơi chúng tôi chọn làm địa điểm dừng chân đêm nay đã thấy phía bên kia núi xa xa. 

Một vài ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng cây xa thâm sẫm, mái ngói thâm đen và lẫn với màu của cỏ cây. Bản Pác Ngòi chỉ khoảng hơn hai chục mái nhà, đa phần đều đã mở làm dịch vụ homestay (ở cùng với người dân) cho khách. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ cao ráo và thoáng mát với dãy hành lang dài nhìn ra cánh đồng thoáng rộng và hồ nước trong xanh. Khách đến nghỉ tại Pác Ngòi thường chọn nhà sàn chứ không ở nhà đất, nên không phải nhà nào cũng có thể đón khách tham quan vào nghỉ. Bạn nên đặt trước khi muốn ngủ lại trong bản vì dù trong bản lúc nào cũng sẵn sàng có chỗ nghỉ, nhưng các dịch vụ ăn uống còn khó khăn, đồ ăn phụ thuộc vào đồ mua được ngoài chợ buổi sớm chứ không có sẵn trong nhà. Ngoài dịch vụ ngủ nghỉ, các nhà dân còn có dịch vụ dẫn khách đi thăm qua hồ Ba Bể, trekking các bản Tày và trekking rừng già trong khuôn viên rừng quốc gia Ba Bể... Các hoạt động vận động này thu hút đa số các vị khách nước ngoài, trong khi các khách Việt lại chọn đến hồ để nghỉ ngơi, thư giãn.

Ngôi nhà chúng tôi chọn thuê ở có vị trí khá cao so với các nhà bên cạnh nên có thể ngắm một góc hồ Ba Bể từ xa. Nhà chỉ đón được khoảng 14 khách và hầu như ngày nào cũng có khách. Bữa ăn trưa được dọn ngay trên hành lang dài, để khách vừa có thể thưởng thức đồ ăn ngon miệng vừa ngắm cảnh. Vội rửa mặt mũi cho tỉnh táo, chúng tôi sà vào mâm cơm ngon lành đang chờ sẵn. Gà rang, cá sông, rau cải cùng cơm trắng, canh chua, vậy là đủ cho một bữa ngon miệng. Tối nay sẽ ăn món gà luộc, sáng mai sẽ có món cá suối, tôm đồng….Những món ăn dân giã nhưng thật ngon và tươi. Ở cùng với chúng tôi còn có 6 vị khách nước ngoài khác, 3 khách Đức và 4 khách Pháp. Các vị khách dành hẳn buổi chiều nhàn nhã với một cuốn sách trên tay và đi ngủ từ sớm. Ngày mai, họ sẽ có chuyến đi trekking 2 ngày 1 đêm trong rừng sâu.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi có một chiều thảnh thơi với sóng nước Ba Bể. Con thuyền máy nhẹ lướt trên mặt hồ xanh phẳng lặng. Bốn đứa chúng tôi ngồi bên nhau, mỗi đứa hướng về một suy nghĩ vẩn vơ riêng tư và lặng ngắm phong cảnh giống một thước phim quay chậm phía. Một chú chim bói cá bất chợt lao xuống lòng hồ và đập cánh rũ nước bay lên ngay sát mép thuyền. Một vài cánh cò trắng lặn lội nơi góc đảo xanh, lọ mọ kiếm ăn. Những chiếc thuyền độc mộc mảnh mai như những chiếc lá. Người dân trong vùng sống nhờ vào nguồn đánh bắt tôm cá trên hồ. Làn nước xanh xuyên đến tận đáy, soi bóng nắng và bóng cây, một màu xanh thăm thẳm phủ kín mặt hồ. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại đây được thực hiện cẩn thận. Chúng tôi gặp khá nhiều thuyền chở khách du lịch xuôi ngược. Đa số khách đều nghỉ lại bên ngoài, chỉ ghé thăm hồ một buổi chiều rồi lại lên đường đi đến địa điểm khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thuyền lướt trôi trong ánh sánh mờ ảo của động Puông có chiều dài 300m, cao hơn 30m. Sự kỳ vĩ của hang động với những nhũ đá đủ muôn hình vạn trạng tuyệt đẹp. Tôi với cô bạn tán gẫu những câu chuyện linh tinh về đất trời cho đến khi cuộc nói chuyện bị đứt đoạn bởi tiếng thác nước đổ ầm ào phía trước. Thác Đầu Đẳng đầu đông với những dải nước mảnh mai đã ở ngay trước tấm mắt. Lần trước khi đến với thác nước này, tôi đã được ngắm một dòng thác tung bọt trắng xóa ngoạn mục. Dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến phải chia tách thành nhiều nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài hơn 1.000m với ba bậc đá, mỗi bậc chênh nhau khoảng 3 đến 4m theo chiều dài, tạo thêm nét hoang sơ và lãng mạn cho Ba Bể. Chúng tôi dành ít phút ghé thăm bản Cám, một bản người Tày nằm trong lòng hồ Ba Bể. Con đường vào bản la đà bóng tre. Mỗi nhà cách nhau khá xa và đều nằm ở trên cao. Xe máy nằm dọc sát con đường đất nhỏ vì nhà vẫn chưa có đường lên, phải để xe máy lại phía dưới, đi bộ lên nhà. Chiều buông, màn sương mỏng manh đã bao bọc lấy hồ và gió đã lạnh. Tiếng mõ trâu theo chân lũ trẻ lục tục ra về. Chúng tôi cũng vội xuôi thuyền trở về bản trước khi ánh nắng cuối cùng tắt hẳn nơi chân trời.

Đêm tĩnh mịch trong căn nhà gỗ mát mẻ. Một đêm ngon giấc sau một ngày lang thang. Tiếng gió xào xạc ru chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm.

Tiếng đập rũ quần áo buổi sớm đánh thức tôi dậy từ sớm. Trời còn tờ mờ đất, cô bạn cùng phòng vẫn còn say giấc ngủ. Không khí thoáng đãng và mát mẻ, dễ chịu. Tôi lang thang dọc theo con sông, ra đến tận cây cầu sang bản. Buổi sớm yên tĩnh cho một ngày nghỉ. Làng bản không có nhiều người nhưng đã mỗi người một việc. Các bà các chị người bắc bếp thổi cơm sớm, người đi chợ, người ra sông giặt giũ, lũ trẻ dắt trâu ra đồng, người ra đồng vì lúa cũng đã đến kì gặt hái. Trên con đường 6km từ Pác Ngòi đến động Hua Mạ, cảnh sắc êm đềm tuyệt đẹp. Con đường uốn lượn theo dòng sông, nơi những tán tre la đà xõa tóc, những mái nhà thấp thoáng sau những cánh đồng lúa chín thơm hương ngào ngạt. Lũ vịt quạc quạc rỉa cánh, bắt tép. Con mèo lười nằm lim dim mắt phơi nắng. Chú chó nhỏ thấy khách lạ ghé thăm vẫn tít đuôi đón mừng. Khung cảnh bình yên và thoáng đãng. Vượt qua những cánh đồng lúa chín tít tắp, chúng tôi ghé thăm hang động nổi tiếng, được nhiều người khen. Trên đường đi, chúng tôi gặp khá nhiều bạn nước ngoài đang đi trekking. Hai người và một hướng dẫn, cùng nhau đi bộ thăm các bản. Gia đình người Đức lại chọn thuê xe máy để chạy. Lần đầu lái xe, nhìn thấy vũng bùn lớn trên đường, ông bố có vẻ không dám chạy tiếp trong khi cậu con trai đèo mẹ trên chiếc dream cà tang đã phóng lên phía trước. Chúng tôi xuống xe đi bộ một đoạn với chiếc máy ảnh trên tay, mải mê với ruộng đồng nhà cửa, với lũ trẻ hồn nhiên. Để lên động Hua Mạ, bạn phải đi bộ khoảng 400m lên đến cửa hang rồi thêm khoảng 300m vào sâu trong động. Dù đường không phải quá cao cũng đủ làm trùn chân cả những người hăng hái nhất.

Vườn quốc gia Ba Bể là nơi cư ngụ của hơn 3.000 cư dân, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Người Tày là dân tộc định cư ở đây lâu đời nhất (hơn 2.000 năm) và cũng là tộc người chiếm đa số ở Ba Bể. Người dân cư ngụ tại 13 bản, trong đó có vài bản chỉ có duy nhất một tộc người sinh sống. Vài năm nay, hồ Ba Bể đã trở thành địa điểm tham quan và nghỉ dưỡng cuối tuần, nơi bạn có thể hòa mình với thiên nhiên. Nơi chỉ có tiếng chim hót rộn rã, tiếng lá khô xào xạc dưới đôi chân, tiếng dòng nước lách chách dưới mạn chèo khua. Nơi bạn có thời gian nghỉ ngơi thực sự.

Chiều dần buông, nhẹ nhàng và êm ả trên màu xanh Ba Bể.

THÔNG TIN THÊM

+ Đi du lịch hồ là niềm đam mê của nhiều lữ khách, nhất là khách du lịch châu Âu. Một ngày đi Hồ Ba Bể nhẩn nha vẫn không hết ba hồ.

+ Phương tiện di chuyển:

- Ba Bể cách Hà Nội 230km, cách thị xã Bắc Cạn 50km.Từ Hà Nội, ô tô là phương tiện thuận lợi nhất cho bạn lên Bắc Cạn, xe dịch vụ đi Bắc Cạn xuát phát từ bến Mỹ Đình có giá khoảng 100.000 -150.000 đồng /lượt hoặc xe khách xuất phát từ bến Gia Lâm, tiếp đó đón xe đi thị trấn Chợ Rã rồi đi xe ôm vào Ba Bể .

- Nếu bạn sử dụng xe ôtô riêng, bạn nên đi đường quốc lộ 3: qua tỉnh Thái Nguyên, đường tuy hẹp nhưng bằng phẳng, dễ đi. Bạn cũng có thể đi xe máy lên Bắc Cạn.

+ Khách sạn:

Khách sạn và nhà nghỉ ở Bắc Cạn không nhiều, giá phòng dao đông từ 200.000- 300.000 đồng. Vì thế bạn nên gọi điện đặt phòng trước. Một số địa chỉ tham khảo:

* Khách sạn Bắc Cạn: Tổ 8, phường Đức Xuân, Bắc Cạn.

* Khách sạn Hương Sơn: phường Sông Cầu, Bắc Cạn.

* Khách sạn Ba Bể: Thị trấn Chợ Rã, Ba Bể

* Khách sạn Phja Bjooc: Thị trấn Chợ Rã, Ba Bể

* Nhà khách của Vườn quốc gia Ba Bể: Xã Nam Mẫu, Ba Bể.

Khách cũng có thể nghỉ trọ tại các nhà sàn người Tày tại Pác Ngòi, Pó Lù với giá 20.000 - 30.000đ người (ngủ chung).

+ Các điểm tham quan:

- Các điểm tham quan gồm có đi thuyền thăm ba hồ (Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng), đảo Bà Góa, động Puông, thăm thác Đầu Đẳng, ao Tiên, thác Roọm, Phya Khao. Đi chơi chợ phiên Nam Cường, Quảng Khê... Điểm độc đáo nhất của đi chơi hồ Ba Bể là được đi thuyền độc mộc dạo quanh hồ. Thuyền độc mộc được những người phụ nữ Tày áo chàm điều khiển là một biểu tượng của Ba Bể và của Bắc Cạn.

- Để khám phá Ba Bể có nhiều cách: Bạn có thể thuê thuyền đi trên lòng hồ. Nếu đi nhóm đông, có thể thuê thuyền lớn; nhóm nhỏ ưa mạo hiểm có thể di chuyển bằng thuyền độc mộc. Khi đi, nhớ mang theo đủ đồ ăn, nước uống để có thể tạt vào bất cứ ven bờ nào với một buổi picnic nho nhỏ.

- Một cách khác để khám phá Ba Bể từ Na Hang, Tuyên Quang, bạn có thể thuê thuyền xuôi dòng sông Năng xuống Ba Bể với khoảng thời gian 2 - 3 ngày. Chạy xe đạp theo con đường rừng dích dắc hay đi thám hiểm trong những cánh rừng nguyên sinh của hồ cũng rất tuyệt vời.

- Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, đến Ba Bể, bạn còn tìm hiểu về cuộc sống đời thường của các tộc người Tày, Mông, Dao sinh sống tại 15 bản trong vườn quốc gia. Người dân ở đây rất hiếu khách; chỉ cần ngỏ lời, bạn sẽ được mời về nhà, uống chén rượu ngô cay, nhấm nháp thịt heo mọi gác bếp. Hay hoà mình vào các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn...

- Nếu du lịch mạo hiểm, bạn hãy mời hướng dẫn viên địa phương, họ sẽ giúp bạn đi du lịch núi Lũng Nham, giáp vùng thượng lưu sông Năng, cách hồ Ba Bể 2 giờ đồng hồ đi thuyền. Bạn có thể ghé thăm những ngôi chùa cổ kính trong núi.

+ Đặc sản hồ Ba Bể:

- Lẩu cá và cá nướng ở bản Pắc Ngòi là món ăn nổi tiếng. Cá thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì rất tuyệt. Món cá nướng rất kỳ công và ngon nên bạn đừng bỏ qua món này. Thịt cá thơm và dai. Món cá nướng chấm với tương ớt cùng vài chén rượu ngô thật không gì tuyệt vời hơn.

- Đến bản Pắc Ngòi, bạn đừng bỏ qua món gà đồi nướng, dê nướng, lợn sữa quay ăn cùng xôi nếp nương.

- Bắc Cạn còn nổi tiếng với các đặc sản: phở chua Cao Bằng, bánh cuốn chan đặc biệt, măng ngâm ớt, mứt mận.

Xin chân thành cảm ơn công ty du lịch Golden tour (14 – 16 Hàm Long, Hà Nội) đã giúp chúng tôi thực hiện bài viết này!

 

RELATED ARTICLES