Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hoàng Anh quyết định về làm việc tại Ba Tri, Bến Tre. Hoàng Anh chia sẻ: “Ba Tri thật sự có nhiều điều thú vị hơn mọi người vẫn tưởng tượng nên bạn có thể cân nhắc hành trình từ 2 - 3 ngày để cảm nhận được nhịp sống độc đáo nơi đây thay vì chỉ đến và đi vội trong ngày”.
Hơn 5 năm gắn bó với Ba Tri, cô nàng bật mí nhiều thông tin hữu ích cho du khách đang có dự định đến khám phá vùng đất này.
Đến Ba Tri vào mùa nào?
Huyện Ba Tri cách Thành phố Bến Tre khoảng 36 km. Nếu xuất phát từ TP. HCM, du khách có thể tự lái ô tô trong khoảng 3 giờ hoặc mua vé xe khách về thẳng Ba Tri của các hãng: Chín Lãm, Tư Rặc, Bửu Lâm, Tuấn…
Quanh năm, Ba Tri luôn sẵn sàng đón du khách muôn phương bằng bầu không khí trong lành, khí hậu dễ chịu cùng nhịp sống thôn dã bình dị. Nếu du khách muốn trải nghiệm không khí lễ hội bản địa có thể ưu tiên đến Ba Tri vào dịp Lễ Kỳ Yên (ngày 18 và 19/3 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông (tháng 4 và tháng 6 âm lịch)...
Lạc bước trong không gian văn hóa - lịch sử trăm năm
Huyện Ba Tri là điểm định cư sớm nhất của những lưu dân người Việt trên đất Bến Tre. Dấu ấn mở cõi của các bậc tiền nhân vẫn còn lưu lại sau nhiều thế kỷ, in hằng vào các công trình kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng… tại địa phương.
Đình Phú Lễ
Ngôi đình gần hai trăm tuổi giữ nguyên nét cổ kính dù trải qua nhiều lần tu sửa. Đình Phú Lễ là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng, được nhà nước sắc phong là Thành hoàng Bổn cảnh.
Ngoài thần Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai phá, lập làng cũng được nhân dân đưa vào đình thờ phụng. Sự hoành tráng, uy nghi của ngôi đình cho thấy cuộc sống trù phú, bề dày văn hóa của cư dân Phú Lễ nói riêng và vùng Ba Tri nói chung vào đầu thế kỷ trước.
Di tích mộ Võ Trường Toản
Di tích mộ Võ Trường Toản tọa lạc tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Di tích gồm 2 khu vực chính là lăng mộ và nhà thờ. Khuôn viên di tích tuy không hoành tráng, bề thế nhưng luôn rợp bóng cây, không khí trang nghiêm, yên tĩnh. Tất cả tạo nên không gian đầy hoài niệm cho bất kỳ du khách nào đến viếng bái, bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng với bậc danh sư đã đặt nền móng cho nền giáo dục xứ Nam Kỳ.
Phú Lễ - làng nghề trăm tuổi
Là một xã thuộc Ba Tri, nhịp sống ở Phú Lễ êm đềm với nhiều nghề truyền thống được lưu giữ trăm năm qua như trồng nếp, nấu rượu, đan lát… Những âm sắc trầm bổng của điệu hát sắc bùa càng tôn thêm nét văn hóa lâu đời của vùng quê hiền hòa.
Gợi ý từ “thổ địa” cho chuyến khám phá thêm trọn vẹn
Thưởng thức ẩm thực
Cá lóc nướng trui, bánh canh bột xắt cua đồng, hủ tiếu pate, lẩu cá đuối dơi, bánh xèo củ hủ dừa, bò tơ Ba Tri… đều được chế biến từ sản vật, nguyên liệu địa phương, giá cả hợp lý hứa hẹn làm thỏa lòng bao tâm hồn yêu ẩm thực trong những ngày khám phá Ba Tri.
“Săn ảnh” đồng lúa chín
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, đầu tháng 3 là mùa lúa chín đẹp nhất vì đây là khoảng thời gian thời tiết không mưa bão, lúa óng mẩy chín vàng tít tắp.
Cảm nhận nhịp mưu sinh của người dân địa phương
Với tình yêu và sự am hiểu Ba Tri, Hoàng Anh bày tỏ: “Mình tin rằng tinh thần đi học hỏi, sống yêu thương, cùng nhau tạo nên hệ sinh thái du lịch bền vững tại Ba Tri là điều mà du khách có thể cảm nhận được khi có những trải nghiệm du lịch sâu sắc tại quê hương mình”.
Sau những giờ khám phá, thưởng ngoạn cảnh sắc Ba Tri, du khách có thể dừng chân và lưu trú tại VinaEcolife Lodge. Ở VinaEcolife Lodge, du khách được tái tạo năng lượng, thoải mái nghỉ ngơi trên hành trình trải nghiệm văn hoá - lịch sử địa phương. Với tinh thần “đi học hỏi và sống yêu thương”, cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái du lịch bền vững, du khách vừa tận hưởng niềm vui khám phá điều mới, vừa góp phần phát triển đời sống tinh thần của cộng đồng nông thôn. Trong khi đó, người dân địa phương vừa nỗ lực mang đến dịch vụ tiêu chuẩn cao cho du khách, vừa học hỏi phát triển bản thân, tự tạo cho mình cuộc sống mới an lành.