Về miền Tây, ăn lẩu cù lao đậm đà tình đất, tình người

01/11/2023

Lẩu cù lao, một món ẩm thực truyền thống đặc trưng của vùng miền Tây, còn được biết đến với những biệt danh khác như lẩu thở, lẩu than. Người miền Tây vẫn hay gọi vui là lẩu "than thở"

Độc đáo "cù lao" - dụng cụ nấu món lẩu cù lao trứ danh miền Tây

Ở miền Tây, "cù lao" không chỉ là một tên gọi cho các vùng đất hình dải được bao quanh bởi các con sông như cù lao Thới An, cù lao Thới Sơn, cù lao An Bình... Nó còn là tên của một món ăn đặc biệt, được nấu trong một chiếc nồi lạ lùng giống chiếc chân đèn, nhưng lớn hơn, kết hợp với một chiếc thau nhôm hình trụ có ống khói rỗng ở giữa để chứa than.

Lẩu cù lao đã trở thành một biểu tượng trong nền ẩm thực của miền Tây Nam Bộ, thường xuất hiện trong các dịp quan trọng như lễ cưới, đám giỗ và lễ Tết. Có lẽ bởi hình dáng của chiếc nồi cù lao giống như một mảnh đất nổi lên giữa sông nước, từ đó mà cái tên kỳ lạ này cũng được ra đời. Món ăn này thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên một dấu ấn mang đậm văn hoá bản địa, không thể nhầm lẫn.

Ống nhôm ở giữa nồi lẩu làm người ta nhớ đến những mảnh đất cù lao nổi lên giữa sông ở miền Tây bao quanh là nước.

Ống nhôm ở giữa nồi lẩu làm người ta nhớ đến những mảnh đất cù lao nổi lên giữa sông ở miền Tây bao quanh là nước.

Chiếc nồi tròn có quai, với ống nhôm trống giữa, gợi nhớ đến những hòn đảo cù lao trôi giữa dòng nước miền Tây. Sức nóng từ than trong ống nhôm sẽ làm nóng nước dùng trong nồi mà không cần sử dụng bếp gas hoặc bếp cồn trên đáy nồi. Các đầu bếp nói rằng điều khác biệt giữa chiếc lẩu cù lao với những lẩu nấu trong nồi không chỉ nằm ở công thức. Lẩu cù lao bao giờ cũng là lẩu than. Mà để nấu ngon nhất thì phải nấu bằng than cây đước. Bởi than đước cháy đều, đầm nhiệt, giữ nhiệt lâu, ít tro bụi...

"Trong các buổi tiệc tùng gia đình, các bà, các mợ thường tụ tập trước để lên thực đơn và phân công việc nấu ăn. Mỗi người chọn món theo sở thích và tài năng riêng, từ gỏi gà ngó sen, bánh hỏi, heo quay cho đến rau câu tráng miệng. Và lúc nào, nồi lẩu cù lao cũng được giao cho những người có kinh nghiệm nấu ăn và tay nghề giỏi, vì việc nấu món này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, không chỉ ngon về hương vị mà còn phải đẹp về hình thức, thể hiện sự khéo léo của người làm và sự chuẩn bị tươm tất của gia chủ", Mai Hương (Sóc Trăng) chia sẻ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nồi lẩu dung dị nhưng chứa trong đó là bao tinh tuý đất trời miền Tây

Món lẩu cù lao thường không yêu cầu quá nhiều công đoạn phức tạp trong quá trình chế biến. Thay vì phải sử dụng nhiều gia vị, món ăn này dựa vào nước dùng được hấp từ xương ống, kết hợp với tôm khô hoặc mực rồi nấu với củ sắn tự nhiên có vị ngọt thanh, làm cho nước trong hơn.

Tùy thuộc vào vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình mà nguyên liệu cho lẩu cù lao có thể thay đổi. Thông thường, món lẩu cù lao sẽ có các thành phần đặc trưng như da heo khô, thịt heo luộc, tim, gan, mề gà hoặc vịt, bao tử heo, chả trứng cuộn, bắp cải cuộn thịt và các loại thịt viên khác. Không có đĩa rau ăn kèm như các món lẩu khác, thay vào đó, tất cả các thành phần được sắp xếp bên trong chiếc cù lao, bao gồm bắp cải, cà rốt và bông cải được tỉa hình hoa tinh tế, cùng với ngò rí để tạo thêm hương thơm.

Nồi lẩu cù lao thơm ngon hấp dẫn của ẩm thực miền Tây.

Nồi lẩu cù lao thơm ngon hấp dẫn của ẩm thực miền Tây.

Mai Hương kể: "Lẩu cù lao có bắt mắt, đủ sắc hay không là phải nhờ tay người tỉa tót hoa lá trang trí. Hoa tỉa xong được ngâm vào nước đá lạnh để giữ độ tươi và nở xòe đẹp mắt".

Người dân miền Tây thường ăn lẩu cù lao kèm với bún. Ngày nay ở nhiều nhà hàng phục vụ món ăn này sẽ có thêm rau và đồ nhúng lẩu khác nếu khách có nhu cầu gọi thêm. Lẩu cù lao không chỉ là một món ăn địa phương độc đáo, mà còn trở thành một biểu tượng trong ẩm thực phong phú của người dân miền Tây. Đây là một món không thể thiếu trong các dịp quan trọng, đặc biệt là trong các đám hỏi cưới. Trong các bữa tiệc của người Nam Bộ ngày trước, lẩu cù lao thường là món đại diện, mang ra sau các món khai vị, chiếm vị trí trung tâm.

Trước khi món lẩu cù lao được đưa lên bàn để phục vụ thực khách, nồi lẩu cù lao được châm than nóng đã bén lửa vào ống nhôm giữa lò. Sau khi đặt lẩu trên bàn, người phục vụ sẽ đổ nước dùng vào nồi và đậy nắp lại để đảm bảo món ăn nhanh sôi. Lúc này, trên bàn được bày biện thêm bún tươi và chén nước mắm ớt cay nồng, mặn mà để thực khách có thể chấm các thành phần trong món lẩu.

Tùy vào khẩu vị và điều kiện của chủ nhà mà món lẩu cù lao có phong phú hay không

Tùy vào khẩu vị và điều kiện của chủ nhà mà món lẩu cù lao có phong phú hay không

Là một người con miền Tây chính hiệu, vừa canh nồi lẩu sôi, Mai Hương vừa giải thích: "Khi nồi lẩu sôi, thực khách thường lấy chén gắp miếng bún, xong chan nước dùng nóng hổi, hít hà mùi thơm dịu từ hành ngò. Sau đó, họ sẽ đặt các thành phần khác như thịt và các loại chả vào chén rồi thưởng thức từ từ. Sợi bún mềm hòa quyện với nước dùng nóng, ngọt thanh, ăn cùng miếng chả cá giòn dai, thịt cuốn bắp cải thơm mềm, miếng mề gà giòn và ngon ngất ngây sẽ được chấm trong chén nước mắm ớt cay, tạo nên một sự kết hợp hương vị mặn mà, đầy đặc sắc mà thực khách gần xa ai cũng mê mải không thôi".

Lẩu cù lao ngày nay có nhiều biến tấu phù hợp cuộc sống hiện đại. Song, vị ngọt thanh của nước dùng vẫn là điều làm người ta lưu luyến nhất khi thưởng thức món lẩu cù lao. Bởi nó như tính cách người miền Tây, thật thà, chất phác nhưng cũng rất hào sảng.

Hà Mai Trinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES