Phát triển du lịch mạo hiểm, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

30/10/2023

Vụ tai nạn tại Khu du lịch Làng Cù Lần gióng lên hồi chuông báo động trong khai thác du lịch mạo hiểm, đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, phát triển loại hình tiềm năng này.

Sự việc bốn du khách Hàn Quốc bị lũ cuốn tử vong khi tham quan tại Khu du lịch làng Cù Lần (Lạc Dương, Lâm Đồng) gây hoang mang dư luận trong những ngày qua. Ngay sáng 25/10, Khu du lịch tạm dừng hoạt động để làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Sự cố không chỉ đặt ra vấn đề tồn tại trong công tác quản lý du lịch mạo hiểm, mà còn cho thấy sự cần thiết để tìm ra hướng thúc đẩy phát triển loại hình tiềm năng này. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để vừa phát triển, vừa đảm bảo an toàn, vừa gây ấn tượng cho du khách với các điểm đến du lịch mạo hiểm tại Việt Nam?

Trải nghiệm mạo hiểm hút khách

Làng Cù Lần tọa lạc dưới chân núi Lang Biang, cách Đà Lạt hơn 20 km. Khu du lịch Làng Cù Lần mở cửa từ năm 2011. Đây là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan thiên nhiên hoang sơ, trải nghiệm cắm trại giữa rừng, cưỡi ngựa, bắn cung, câu cá, trải nghiệm văn hóa bản địa...

Anh Huỳnh Minh Hoàng (TP.HCM) cùng gia đình gồm vợ và hai con từng trải nghiệm tour xe UAZ đến làng Cù Lần vào tháng 8/2020. Anh cho biết: “Đây là một sản phẩm du lịch thú vị. Tôi từng tham gia nhiều hoạt động mang tính mạo hiểm ở Paris, California... cũng như nhiều điểm đến trong nước, nhưng đi xe jeep lội nước, băng suối ở Cù Lần mang đến sự hào hứng, thích thú và đáng nhớ nhất”.

Theo nam du khách, điểm thú vị của hoạt động này là cảm giác gắn bó, hòa mình với thiên nhiên. Hành trình băng rừng, vượt suối, qua những địa hình hiểm trở, mang đến cảm giác chân thực, thích thú cho người tham gia. Anh Hoàng cho rằng đây là trải nghiệm độc đáo không dễ tìm thấy ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.

Du khách đi tour xe UAZ tại làng Cù Lần, Lâm Đồng không được trang bị bảo hộ. Ảnh: Khu du lịch

Du khách đi tour xe UAZ tại làng Cù Lần, Lâm Đồng không được trang bị bảo hộ. Ảnh: Khu du lịch

Tour xe UAZ tham quan làng Cù Lần hiện có giá 150.000 đồng/ khách mỗi lượt, mỗi xe chở tối thiểu bốn người. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như hỏng xe, mất lái, đặc biệt khi thời tiết xấu, có mưa bão, lũ cuốn, sình lầy gây nguy hiểm cho du khách tham gia.

Anh Hoàng kể: “Trước khi tham gia tour, tôi đã đọc thông tin và tìm hiểu tuyến đường xe chạy. Tôi thấy sản phẩm này hoạt động có phép, các con suối không quá sâu, nước chỉ cao 20-30 cm và khi ấy thời tiết nắng ráo, thuận lợi nên quyết định đưa gia đình tham gia”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tuy nhiên, sau khi vụ tai nạn mới đây xảy ra tại khu du lịch này, anh Hoàng cảm thấy có chút e ngại khi xem lại hình ảnh của gia đình. Anh cho biết, trên xe không có thiết bị bảo hộ, du khách cũng không được nhắc nhở đeo dây an toàn.

Theo anh Hoàng, khu du lịch cần có những giải pháp đảo bảo an toàn tốt hơn, trong đó cần có hệ thống cảnh báo thảm họa, hiện tượng tự nhiên để chủ động trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, những chiếc xe phục vụ tour cần được kiểm định, bảo trì thường xuyên. Lái xe tại khu du lịch cần được huấn luyện chuyên nghiệp, bài bản, chú trọng kỹ năng cứu nạn, xử lý tình huống xấu.

“Ngoài ra, mỗi du khách cũng cần được hướng dẫn kĩ năng thoát hiểm trước khi tham gia tour”, anh Hoàng nhận định.

Lời khuyên dành cho du khách là tìm hiểu kỹ và chọn những công ty du lịch, đơn vị lữ hành có uy tín. Những công ty chuyên nghiệp trong khai thác du lịch mạo hiểm sẽ có các quy định chặt chẽ về an toàn; trang bị đồ bảo hộ, phương tiện hỗ trợ; hướng dẫn và tập huấn cho du khách xử lý tình huống khẩn cấp; cảnh báo thiên tai và nguy hiểm.

Quản lý gặp khó

Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch mới và Việt Nam chưa có các quy định rõ ràng về hoạt động, mới chỉ có các quy định về thể thao mạo hiểm, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam.

Đơn cử, loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung hoạt động từ rất nhiều năm trước. Lâm Đồng là địa phương có hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm sớm nhất và cơ quan nhà nước chính thức tham gia quản lý khoảng hơn 10 năm. Nhưng đến năm 2022, Chi hội Du lịch Thể thao mạo hiểm Lâm Đồng - Đà Lạt mới được thành lập, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức chính thức nhằm liên kết, hợp tác, tiếp tục giữ và mở rộng thêm các điểm đến du lịch thể thao mạo hiểm đặc trưng của Lâm Đồng; thực hiện xúc tiến và quảng bá…

Thực tế, cần nhìn nhận du lịch mạo hiểm là lĩnh vực giàu tiềm năng, không nên vì những tai nạn mà hạn chế, không cho phép phát triển loại hình này, theo một chuyên gia du lịch.

Để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc, giới chức cần phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Điều này sẽ cần thời gian, do đó chính quyền địa phương tại những nơi có tiềm năng phát triển cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm.

Đồng thời, căn cứ thực tế để ban hành các quy định và hướng dẫn về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ trong du lịch mạo hiểm, thiết lập quy định dành cho du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm này. Từ đó, những đơn vị kinh doanh về du lịch mạo hiểm sẽ có cơ sở để hướng dẫn khách tuân thủ về các quy định an toàn khi tham gia du lịch mạo hiểm.

Ngày 25/10, sau vụ tai nạn của bốn khách du lịch Hàn Quốc tại Khu du lịch Làng Cù Lần, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sự cố theo đúng quy định. Tiến hành rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mạo hiểm; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cho khách du lịch để tránh xảy ra các vụ việc tương tự.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt đối với hoạt động tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm. Kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch.

Mới nhất, ngày 26/10 Bộ VHTTDL đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý điểm đến.

Cụ thể, tăng cường giám sát, chấn chỉnh: việc tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hạng sao đã được công nhận; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch…

- Nguồn: Lao Động
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES