Nửa thế kỷ rong ruổi cùng nghề xiếc môtô bay

27/07/2025

Trong một rạp xiếc dã chiến, tiếng động cơ rú vang giữa những vòng gỗ dựng đứng cao 5 mét. Đó là sân khấu của gia đình anh Huỳnh Nam Quốc – những người đã gìn giữ và sống với nghề xiếc mô tô bay suốt hơn 50 năm qua.

Nghề xiếc giữa vòng quay thời cuộc

“Tôi là Huỳnh Nam Quốc, người diễn chính của đoàn xiếc môtô bay Hiếu Nghĩa. Bên cạnh tôi là em trai Huỳnh Việt Lào và cậu em trong nghề Nguyễn Văn Minh” – anh Quốc giới thiệu ngắn gọn khi bắt đầu câu chuyện, trong lúc tay vẫn thoăn thoắt lau chùi chiếc môtô cũ kỹ trước giờ biểu diễn.

Anh Huỳnh Nam Quốc, người diễn chính của đoàn xiếc môtô bay Hiếu Nghĩa

Anh Huỳnh Nam Quốc, người diễn chính của đoàn xiếc môtô bay Hiếu Nghĩa

Bài liên quan

Gia đình anh Quốc theo nghề xiếc môtô bay đã hơn nửa thế kỷ. Từ thời cha anh là một trong những diễn viên môtô bay đầu tiên ở Việt Nam, cái nghề này đã trở thành một phần máu thịt trong mỗi người. “Tôi học nghề từ ba năm 16 tuổi, từng kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao đều do ông truyền lại”, anh cười.

Từng là ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, những gánh xiếc mô tô bay nay chỉ còn là ánh hào quang mờ nhạt trước sự bùng nổ của các hình thức giải trí hiện đại

Từng là ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, những gánh xiếc mô tô bay nay chỉ còn là ánh hào quang mờ nhạt trước sự bùng nổ của các hình thức giải trí hiện đại


Empty
Empty

Ngày nay, xiếc môtô bay không còn là “đặc sản” giải trí như xưa, khán giả cũng ngày càng ít. Những rạp xiếc di động – từng là nơi náo nhiệt của bao vùng quê giờ vắng bóng dần, thậm chí nhiều người trong nghề đã bỏ hẳn, tháo rạp bán phế liệu để chuyển nghề. “Có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng trong năm nay”, anh Quốc chia sẻ. “Chúng tôi chỉ diễn được vào dịp lễ hội đầu năm, còn ngày thường thì chẳng ai xem”.

Cái nghề này đã trở thành một phần máu thịt trong mỗi thành viên trong gia đình anh

Cái nghề này đã trở thành một phần máu thịt trong mỗi thành viên trong gia đình anh

Mỗi lần đi diễn, cả đại gia đình 11 người lại lên đường, gồm 7 người lớn và 4 đứa trẻ. Rạp xiếc ban ngày là nơi biểu diễn, đêm xuống thành giường ngủ cho lũ nhỏ. “Mỗi người trong nhà đều có việc: mẹ và vợ tôi tranh thủ bán cá viên chiên, bánh tráng trộn ngay bên rạp để kiếm thêm thu nhập. Còn tôi, lúc rảnh thì phụ vợ bán hàng”. Cũng như nhiều người làm nghề xiếc xưa nay, gia đình anh Quốc không trông chờ gì vào sự giàu có. “Có ngày kiếm được 5-10 triệu, nhưng chi phí thuê bãi, xe tải, dựng rạp, ăn ở đã hơn 10 triệu rồi. Gọi là đi diễn vì thương cái nghề, thương ba mẹ, chứ lời lãi chẳng được bao”.

Ở thành phố, vợ chồng anh mở một quán cơm nhỏ tại TP Sóc Trăng, đây là nguồn thu nhập chính để nuôi con và giữ mái nhà. “Chỉ những đợt lễ hội lớn, chúng tôi mới đi xiếc. Coi như vừa làm nghề, vừa là dịp cả nhà sum họp”. Dẫu vậy, khi nghĩ đến việc truyền nghề cho con, anh Quốc lại chùn lòng. “Tôi từng muốn dạy cho hai đứa nhỏ, nhưng rồi thấy đồng nghiệp nghỉ hết, nhiều rạp bị phá dỡ, tôi không đành. Chúng nó nên có một cơ hội sống khác”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những vòng quay của đam mê và cơm áo

Những vòng quay của đam mê và cơm áo

Cha ông Quốc, ông Huỳnh Văn Niệm, năm nay đã 75 tuổi, được coi là một trong những người đầu tiên học và diễn xiếc môtô bay ở Việt Nam. Ngày trước ông diễn chung với nhiều anh em trong nghề, sau đó tự tách ra lập đoàn xiếc riêng và hướng dẫn các con theo nghề. “Gia đình tôi lần đầu diễn xiếc môtô bay là vào năm 1962”, ông nhớ lại.

Nhớ về thời hoàng kim của xiếc và các loại hình giải trí ngoài trời, ông Niệm bồi hồi

Nhớ về thời hoàng kim của xiếc và các loại hình giải trí ngoài trời, ông Niệm bồi hồi

Ký ức về thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật xiếc ngoài trời vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Hồi năm 1983, ông từng biểu diễn ở Hà Nội khán giả chen nhau đông nghẹt. Có ngày diễn gần trăm suất mà vẫn không đủ đáp ứng. Đoàn của ông còn được mời đi huấn luyện cho nhiều đoàn ở Nhật, Lào, Campuchia.

Cả cuộc đời rong ruổi với những chuyến lưu diễn từ đồng bằng đến miền núi, ông Niệm từng chứng kiến không ít đồng nghiệp phải giải thể đoàn, bán rạp làm sắt vụn mưu sinh. Chỉ còn ông và các con vẫn nỗ lực gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo, dù thu nhập bấp bênh và tương lai đầy trắc trở.


Empty
Empty

Một buổi diễn, đam mê lẫn nỗi lo cơm áo

Giữa tháng 6, đoàn xiếc môtô bay Hiếu Nghĩa hạ trại tại huyện Phú Tân, An Giang – một trong những điểm dừng chân hiếm hoi trong năm. Họ chọn đúng dịp lễ hội địa phương để “ăn theo” lượng khách đến chơi. Rạp dựng lên bằng khung sắt và gỗ, nổi bật giữa bãi đất trống, xung quanh là quầy hàng cá viên, nước ngọt, mùi thơm quyện cùng tiếng nhạc xiếc tạo nên một không khí đặc trưng khó lẫn.

Hàng chục năm qua, gánh xiếc của ông Niệm đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước

Hàng chục năm qua, gánh xiếc của ông Niệm đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước


Empty
Empty

“Vé xem là 30.000 đồng mỗi lượt, thời lượng khoảng 10-15 phút”, anh Quốc cho biết. “Trong đó có đủ các màn như lái môtô bay thả hai tay, môtô lên đỉnh vòng gỗ, hay xe đạp vòng quanh mép rìa”.

Sàn diễn là một vòng tròn dựng đứng, đường kính 5 m, làm từ hàng trăm tấm gỗ ghép lại. Phía dưới là lòng chảo cao 1 m để tạo đà cho diễn viên. Mỗi lần môtô rồ ga, khán giả đứng ở độ cao 4 m phía trên như rung theo từng vòng quay chớp nhoáng. Chiếc xe dùng trong biểu diễn cũng không bình thường: “Tay ga có khóa, để khi thả tay xe vẫn chạy ổn định. Tốc độ phải đủ 40-50 km/h thì mới 'bay' được quanh vòng gỗ”, anh Quốc giải thích.

Sân khấu đặc biệt với đường kính 5m, cao hơn 5m, được ghép từ các miếng gỗ vuông góc với mặt đất, tạo thành một vòng tròn

Sân khấu đặc biệt với đường kính 5m, cao hơn 5m, được ghép từ các miếng gỗ vuông góc với mặt đất, tạo thành một vòng tròn

Khán giả đứng ở độ cao hơn 4m, cảm nhận rõ sự rung chuyển, rầm rập mỗi khi xe lao vút qua

Khán giả đứng ở độ cao hơn 4m, cảm nhận rõ sự rung chuyển, rầm rập mỗi khi xe lao vút qua

Trước mỗi suất diễn, cả đoàn phải kiểm tra kỹ xe, sàn gỗ, đồ bảo hộ – bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây tai nạn nghiêm trọng. “Tôi và Việt Lào diễn môtô, còn Văn Minh là người biểu diễn xe đạp. Những ngày đầu, ai cũng phải tập với xe đạp trước cho quen cảm giác”.


Empty
Empty

Khán giả phần lớn là người dân địa phương, trẻ em, người lớn tuổi, những người tò mò hoặc nhớ lại cảm giác “hồi nhỏ từng xem cái này”. Có người còn “bo” thêm bằng cách giơ tiền ra, để các diễn viên lái xe vòng lên và chụp lấy giữa không trung – một màn kết thúc thường khiến cả rạp vỗ tay rần rần. Diễn xong, cả đoàn lại chào khán giả, những người vẫn còn nán lại vì tò mò, vì cảm động, vì tiếc cho một thời đã qua…

Bài và ảnh: Duy Hiệu
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES