Những ngày “gõ đá tìm bạc” ở Lao Xa

22/07/2025

Giữa cao nguyên đá Đồng Văn lộng gió, anh Nguyễn Sỹ Đức tìm về Lao Xa - ngôi làng nhỏ nép mình trên sườn núi thuộc xã Sà Phìn (trước đây là xã Sủng Là), nơi có nghề làm đá bạc cổ truyền của người Mông. Ở đó, anh không chỉ tìm hiểu về cách chế tác những món trang sức thủ công, mà còn thấy được sự kiên nhẫn, tỉ mẩn và lòng trân quý với nét đẹp văn hoá bản địa.

Bén duyên với núi rừng Cực Bắc đã gần chục năm, anh Nguyễn Sỹ Đức thường rong ruổi trên những con đường, tìm kiếm những điều được cất giữ giữa bản làng, cảnh sắc và con người miền sơn cước. Và trong một chuyến đi như vậy, anh phát hiện ra những nét văn hoá ẩn sau nếp nhà, sau ánh lửa bếp, và sau cả tiếng búa gõ đều đều vọng lên từ con dốc nhỏ ở Lao Xa. Hồi tưởng lại cuộc trò chuyện với ông Mua Sè Sính - nghệ nhân hơn 50 năm giữ nghề chạm bạc ở bản khiến anh nhận ra ở nơi tưởng như lặng lẽ ấy đang tồn tại một thế giới nghệ thuật riêng, sống động mà sâu sắc.

Empty
Lao Xa là một bản nhỏ nằm trong thung lũng Sủng Là thuộc phường Đồng Văn, tỉnh Tuyên Quang (trước đây là thị thị trần Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Lao Xa là một bản nhỏ nằm trong thung lũng Sủng Là thuộc phường Đồng Văn, tỉnh Tuyên Quang (trước đây là thị thị trần Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Nét chạm của đá và hơi nóng của bạc giữa miền sơn cước

Có một điều thú vị ở Lao Xa mà ít người để ý: bản làng có hai nghề thủ công truyền thống cùng tồn tại: làm đá và làm bạc. Hai nghề nghe tưởng chẳng liên quan, nhưng khi nhìn kỹ, lại thấy một sự đối lập tuyệt đẹp.

Bài liên quan

Làm bạc là một hành trình của sự tỉ mỉ và khắt khe. Từ những thỏi bạc thô, các nghệ nhân phải nung chảy, đổ khuôn, rồi dùng búa, đe, đục, dũa, chạm khắc… để tạo nên những món trang sức truyền thống của người Mông. Mỗi đường nét đều yêu cầu sự kiên nhẫn, tinh tế và kỹ thuật thuần thục. Ông Mua Sè Sính bảo: "Làm bạc phải nhìn sâu hơn cả bề mặt. Nhìn thấy trong miếng bạc là cả một đời người đeo, cả một lễ cưới, một mùa lễ hội. Thế nên không được làm ẩu".

Làm bạc là nghề truyền thống của gia đình họ Mua ở Lao Xa, tạo nên những món trang sức đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông

Làm bạc là nghề truyền thống của gia đình họ Mua ở Lao Xa, tạo nên những món trang sức đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông

Ngược lại, làm đá ở Lao Xa lại nhẹ nhàng như một môn nghệ thuật sống giữa thiên nhiên. Những phiến đá tưởng như vô hồn được những bàn tay Mông khắc lên những hình hoa văn truyền thống, khi thì làn sóng, khi thì vầng trăng, khi là những họa tiết cổ xưa đã đi vào tâm thức cộng đồng. Có người bảo nghề đá ở đây giống như đang viết một câu chuyện không lời, còn nghề bạc thì như khắc lại những tiếng nói cổ xưa của tổ tiên.

Empty
Song hành với nghề làm bạc, chạm khắc đá cũng là một nghề thủ công truyền thống tại đây

Song hành với nghề làm bạc, chạm khắc đá cũng là một nghề thủ công truyền thống tại đây

Chính cái đối lập đó giữa đá và bạc, giữa nặng và nhẹ, giữa mềm và cứng đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa kỳ lạ cho Lao Xa. Mỗi lần quay lại, tôi đều dẫn bạn bè đến để chỉ cho họ thấy sự lặng lẽ mà sinh động ấy của người Mông ở cao nguyên đá.

Những bí mật chỉ truyền trong lửa đỏ

Không phải ai cũng được học nghề chạm bạc ở Lao Xa. Theo lời ông Mua Sè Sính, đây là nghề chỉ truyền trong dòng tộc, trong gia đình. Cũng phải thôi, không chỉ vì kỹ thuật khó mà còn bởi cái hồn cần được nuôi lớn trong môi trường đặc biệt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nghề làm bạc truyền thống của người Mông ở Lao Xa không dùng máy móc hiện đại. Mọi công đoạn đều được làm thủ công. Bạc được nấu chảy bằng lò than củi, đổ vào khuôn gỗ, rồi chạm khắc bằng tay. Một món trang sức như vòng cổ, vòng tay hay dây đeo thường phải mất nhiều ngày để hoàn thiện. Ông Sính có thể mất hàng chục tiếng đồng hồ chỉ để tỉa một họa tiết hình bông hoa hay con chim nhỏ lên mặt bạc.

Gia đình họ Mua đã có 9 thế hệ gắn bó với nghề làm bạc ở Lao Xa

Gia đình họ Mua đã có 9 thế hệ gắn bó với nghề làm bạc ở Lao Xa

“Người Mông quan niệm bạc là vật quý giá không chỉ vì giá trị vật chất mà còn vì nó gắn với tinh thần, với phong tục tập quán. Trẻ con sinh ra được tặng vòng bạc để cầu may. Cô dâu ngày cưới đeo bạc để mang theo lời chúc phúc. Người già khi mất cũng đeo bạc để sang thế giới bên kia không lẻ loi”, ông kể.

Không gian trong nhà ông Sính gần như được dành trọn cho nghề. Một bên là bếp lửa luôn đỏ than để nấu chảy bạc. Bên kia là bàn làm việc chất đầy dụng cụ chạm khắc, giũa, đục. Trên tường treo các mẫu trang sức đã hoàn thiện: vòng cổ, hoa tai, trâm cài, nhẫn bạc... lấp lánh ánh sáng lạnh lẽo của kim loại giữa nền tường đất nâu.

Empty
Empty

Trong gian nhà gỗ tối, ánh lửa bập bùng rọi lên gương mặt ông. Một tay ông cầm búa, tay kia là món đồ trang sức đang dần thành hình. Tôi ngồi nhìn không chớp mắt, cảm giác như đang xem một buổi trình diễn mà chỉ người rất may mắn mới được chứng kiến.

Có những đoạn ông chỉ ngồi nhìn thỏi bạc mà không chạm tay vào. Lúc đó, tôi hỏi thì ông chỉ cười, "Cái đẹp phải nghĩ ra trước khi làm. Bạc không phải cứ đập là xong".

Thật khó hình dung nghề kim hoàn lại vất vả đến vậy. Ngồi suốt nhiều giờ bên bếp lửa, tai quen tiếng búa, mắt quen ánh sáng lò nung. Nhưng đổi lại, khi những hoa văn đặc trưng như vòng tròn xoáy, răng cưa, cánh hoa dần hiện lên, cả không gian như im lặng để lắng nghe tiếng bạc thở.

Empty
Empty
Người Mông quan niệm bạc là vật quý giá, gắn với tinh thần, với phong tục tập quán

Người Mông quan niệm bạc là vật quý giá, gắn với tinh thần, với phong tục tập quán

Khi nghệ thuật nằm trong vân tay người Mông

Dù là bạc hay đá, thứ mà người Mông ở Lao Xa gửi gắm vào tác phẩm của mình không chỉ là kỹ thuật mà còn là tinh thần. Cái chất miền sơn cước hiện rõ trong từng chi tiết. Không quá trau chuốt kiểu thành thị, không cần mạ vàng phủ ngọc, nhưng lại khiến người ta dừng lại thật lâu để ngắm nhìn.

Tôi từng hỏi ông Sính rằng vì sao ông vẫn còn giữ nghề này, trong khi con cháu nhiều đứa đã xuống xuôi làm công ty. Ông chỉ nói: "Không phải mình giữ nghề, là nghề giữ mình thôi. Tay mà không làm bạc thì buồn lắm, như người bị lạc trong sương ấy". Đó là thứ nghệ thuật không cần phòng trưng bày, không cần hào quang. Nó nằm ngay trên bàn tay, trong ánh nhìn, và trong nhịp sống của những người dân bản cao.

Ông Mua Sè Sính - nghệ nhân đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm bạc

Ông Mua Sè Sính - nghệ nhân đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm bạc

Lao Xa giờ không còn biệt lập như trước. Những con đường được cải thiện hơn, có thêm nhà nghỉ, vài quán nhỏ phục vụ du khách. Dù vậy, không gian Lao Xa vẫn giữ được nét yên tĩnh vốn có. Những ngôi nhà đá thấp thoáng sau hàng rào, những mảnh ruộng bậc thang, tiếng gió thổi qua khe núi, và đâu đó vang lên tiếng đục chạm vào bạc, hòa vào nhau tạo thành bức tranh dung dị mà sâu sắc.

Rời Lao Xa khi trời sẩm tối, ánh hoàng hôn đổ xuống những mái nhà âm dương như một tấm áo màu đồng. Bản làng vẫn yên tĩnh như lần đầu tôi đến. Nhưng trong yên tĩnh đó là cả một thế giới sống động với tiếng đục chạm lách cách, với ngọn lửa đỏ không tắt trong mỗi gian nhà.

Bài: Quỳnh Mai - Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
RELATED ARTICLES