Ghé nhà cụ Sính mua bạc Lao Xa 

29/03/2022

Tại Lao Xa (Hà Giang), có một gia đình cha truyền con nối đã 6 thế hệ, tỉ mẩn tạo ra những món trang sức bạc như một nét văn hóa đặc trưng của người H’Mong. 

Những con đường vắt trên sườn núi nơi cao nguyên đá dẫn về Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Bản nhỏ Lao Xa hoang sơ, mộng mị cách trung tâm Sủng Là 6 km, lọt thỏm giữa những vách núi, hiện có khoảng 100 hộ dân sinh sống. Những ngày xuân, Lao Xa ngập sắc hồng, sắc trắng của hoa đào, hoa mận. Đan xen trong đó là những góc nhà trình tường vàng óng, mái ngói âm dương, hàng rào đá trầm mặc, ẩn trong làn khói xám um lên từ các mái nhà. Lao Xa chính là cái nôi nghề chạm bạc truyền thống của người H’Mong.

Tại thôn Lao Xa, hễ đi đến nhà nào phát ra tiếng gõ lách cách thì biết đó là nhà cụ Mua Sè Sính - một gia đình vẫn đang duy trì nghề làm bạc. Khi thì dồn dập, lúc thì chậm rãi, đều đặn, những âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc tại nhà cụ Sính hàng trăm năm qua. Tiếng lách ca lách cách càng dày hơn vào mỗi mùa cưới hỏi của người H’Mong (từ tháng 10 âm lịch đến sau Tết), là lúc nhu cầu sắm sửa trang sức của bà con tăng cao.

Cụ Mua Sè Sính, làm nghề đã hơn 50 năm.

Cụ Mua Sè Sính, làm nghề đã hơn 50 năm.

Nhà cụ Sính có 9 nghệ nhân làm bạc, là anh em và các con cụ.

Nhà cụ Sính có 9 nghệ nhân làm bạc, là anh em và các con cụ.

Gia đình cụ Mua Sè Sính làm bạc cha truyền con nối đến nay đã 6 đời. Nhà cụ Sính có 9 nghệ nhân là anh em và các con cụ. Bên lò bạc hơn 100 tuổi, từ cụ ông hơn 70 dáng người bé nhỏ đến những cậu thanh niên đôi mươi đều chăm chú, mắt đầy tập trung, tay tỉ mẩn hăng say uốn nắn nên “đứa con” của mình. Hiện, cả thôn Lao Xa chỉ còn vài hộ gia đình duy trì nghề này.

Cụ Sính nhớ lại, từ khi còn là một thiếu niên 14 tuổi, cụ đã được cha mình chỉ dạy kỹ thuật tạo nên những chiếc trang sức bạc. Cho đến nay, cụ đã gắn bó với những chiếc vòng, chiếc nhẫn bạc hơn 50 năm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hơn 50 mùa hoa đào nở rộ nơi bản nhỏ miền biên viễn, đôi bàn tay cụ Sính đã uốn nắn không biết bao nhiêu món đồ, chạm khắc từng cánh hoa, chiếc lá… lên không biết bao nhiêu trang sức. Đến nay, đôi bàn tay ấy, dù đã nhăn nheo, gầy gò, vẫn không ngừng nghỉ làm nên những món trang sức dung dị.

Những mảnh bạc vụn trải qua rất nhiều khâu để trở thành những món trang sức đẹp mắt.

Những mảnh bạc vụn trải qua rất nhiều khâu để trở thành những món trang sức đẹp mắt.

Khâu chạm hoa văn đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Khâu chạm hoa văn đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Vật liệu làm bạc phải tinh khiết, không lẫn tạp chất.

Vật liệu làm bạc phải tinh khiết, không lẫn tạp chất.

Bộ đục chạm hoa văn.

Bộ đục chạm hoa văn.

Để làm nên một món đồ trang sức bạc, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo. Khâu chọn chất liệu rất quan trọng vì bạc có tinh khiết, không lẫn tạp chất thì sản phẩm làm ra mới đẹp, nhẵn. Trước đây, cụ Sính dùng các đồng bạc hoa xòe để làm nhưng nay loại bạc này rất hiếm, gia đình thường phải dùng nguyên liệu bạc thông thường.

Trước tiên, các mảnh bạc được nấu chảy rồi đổ khuôn tạo hình. Sau đó, thanh bạc được đập bằng búa tạo dáng thô, gò nét, rồi mang đi chạm khắc. Bạc được chạm hoàn toàn bằng tay tỉ mỉ, tinh tế. Các họa tiết trên những sản phẩm bạc của Lao Xa chủ yếu thể hiện đời sống của con người như ong, bướm, bông hoa, những chiếc chuông nhỏ xinh xắn… Cuối cùng, thành phẩm sẽ được đánh bóng để trả cho khách.

Hoa văn được chạm hoàn toàn bằng tay.

Hoa văn được chạm hoàn toàn bằng tay.

Tại góc hiên nhà cụ Sính là la liệt dụng cụ: bễ thổi, khuôn đúc, các loại dụng cụ cán, các loại búa, kìm và bộ đục chạm hoa văn. Mỗi người được phân công đảm trách một khâu để làm sản phẩm nhanh nhất có thể. Ngày nay, ngoài những dụng cụ thủ công thô, các nghệ nhân đã được hỗ trợ bởi máy móc như máy cán, dập… giúp tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tạo sản phẩm đẹp và chất lượng hơn.

Bên cạnh các công đoạn làm thủ công, quá trình sản xuất bạc đã được hỗ trợ bởi máy móc.

Bên cạnh các công đoạn làm thủ công, quá trình sản xuất bạc đã được hỗ trợ bởi máy móc.

Thời gian để làm ra một món đồ sẽ tùy thuộc vào kích thước, độ khó và mức độ tinh xảo của hoa văn. Và vì thế, giá cả của những món đồ này cũng khác nhau. Những món trang sức bé như nhẫn, vòng tay thường làm mất một buổi sáng. Những trang sức công phu hơn như vòng cổ có thể lấy đi vài ngày hoặc cả tháng để hoàn thành.

Sản phẩm bạc nhà cụ Sính rất phong phú, từ dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai đến xà tích, vòng cổ, kiềng chân… Chẳng thể đếm được trong hơn 50 năm qua, cụ đã làm nên bao nhiêu món trang sức như thế.

Các con của cụ Sính tiếp tục được truyền dạy kỹ thuật từ cha.

Các con của cụ Sính tiếp tục được truyền dạy kỹ thuật từ cha.

Vào giai đoạn bận rộn nhất, nhà cụ Sính lúc nào cũng tấp nập người. Có người dân từ các huyện khác như Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc… tìm đến mua bạc làm trang sức. Có những du khách đến tìm hiểu về một nét đẹp của người H’Mong, rồi mang về những chiếc vòng, chiếc nhẫn làm kỷ niệm - như mang về một mảnh hồn của nơi mà họ đặt chân đến. Nhờ vậy, nghề làm bạc cũng giúp tăng thu nhập của bà con; mỗi hộ gia đình làm bạc có thể thu về đến 50 triệu đồng/năm.

Trang sức bạc là nét văn hóa đặc trưng của người H'Mong.

Trang sức bạc là nét văn hóa đặc trưng của người H'Mong.

Vòng bạc Lao Xa lấp lánh ở những phiên chợ tại Đồng Văn và các vùng lân cận. Vòng bạc Lao Xa leng keng nơi cổ tay của những cô gái H’Mong xúng xính áo váy rực rỡ trên những con đường trong bản.

Vòng bạc vốn là đồ trang sức truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào H’Mong. Người con gái H’Mong khi về nhà chồng được bố mẹ trao những chiếc vòng bạc làm của hồi môn. Những món trang sức bạc không chỉ trang trí, làm đẹp, mà còn gắn với sự kiện trọng đại trong cuộc đời của người phụ nữ nơi này.

Bài và ảnh: Xuân Phương
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES