Bàu Trúc - làng gốm Chăm thủ công cổ nhất Đông Nam Á

22/02/2022

Tồn tại từ thế kỷ 12, Bàu Trúc (Ninh Thuận) là làng gốm hiếm hoi ở Đông Nam Á vẫn giữ phương pháp sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Gốm được làm hoàn toàn bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng biệt. Thậm chí, nếu hàng trăm sản phẩm gốm Bàu Trúc được trộn lẫn vào nhau, người nghệ nhân sau 5-10 năm vẫn nhận ra "đứa con" của mình.

Nằm ven Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km, Bàu Trúc là một trong những làng gốm hiếm hoi ở Đông Nam Á vẫn giữ nguyên vẹn phương pháp thủ công truyền thống có từ thế kỷ 12. Đa phần các sản phẩm gốm ở đây gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm Bàu Trúc chính là tinh hoa, di sản được những người phụ nữ Chăm nâng niu, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Gốm Bàu Trúc độc đáo vì được làm hoàn toàn thủ công, không có sự can thiệp của máy móc.

Gốm Bàu Trúc độc đáo vì được làm hoàn toàn thủ công, không có sự can thiệp của máy móc.

Theo truyền thuyết của người Chăm, nghề gốm Bàu Trúc do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh khai sinh. Hàng nghìn năm trước, vợ chồng ông dạy những cô gái trong làng làm vật dụng sinh hoạt như nồi nung, ấm, chén, lọ hoa từ đất phù sa. Vì thế, ở Bàu Trúc, nghệ nhân gốm chủ yếu là phụ nữ. Hàng năm, người dân vẫn tổ chức cúng tưởng nhớ ông tổ nghề gốm Bàu Trúc vào dịp Tết Kate.

Nghề gốm được "mẹ truyền con nối" qua nhiều thế hệ. Những người con gái Bàu Trúc từ 12 tuổi đã biết làm gốm. Đàn ông chỉ tham gia lấy đất, nung gốm.

Gốm Bàu Trúc được làm tỉ mỉ từ khâu chọn đất, tạo hình cho đến nung.

Gốm Bàu Trúc được làm tỉ mỉ từ khâu chọn đất, tạo hình cho đến nung.

Khác với những làng gốm khác, ở làng nghề Bàu Trúc hàng nghìn năm tuổi, các nghệ nhân ngày qua ngày vẫn cần mẫn tạo nên những sản phẩm bằng chính đôi tay mình mà không có sự hỗ trợ của máy móc. Mỗi tác phẩm là tâm tình của người nghệ nhân gửi gắm vào trong từng đường nét. Gốm được làm hoàn toàn thủ công, tùy vào cảm xúc, sự sáng tạo, dáng đi của mỗi nghệ nhân nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, riêng biệt, không trùng lặp về kiểu dáng, hoa văn. Đó là sự độc đáo của gốm Chăm so với các dòng gốm khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nghệ nhân gốm Bàu Trúc chủ yếu là phụ nữ.

Nghệ nhân gốm Bàu Trúc chủ yếu là phụ nữ.

Gốm Bàu Trúc được tạo nên kỹ lưỡng từ bước chọn đất cho đến khi thành hình sản phẩm. Tên Bàu Trúc, trong tiếng Chăm là Palei Hamu Craok - nghĩa là ngôi làng trũng, nhô ra cuối triền sông, để nói về nguồn đất tạo nên gốm. Đất làm gốm là đất phù sa lấy từ bờ sông Quao có độ dẻo và mịn cao. Các nghệ nhân cho biết, mỗi năm chỉ lấy đất được một lần vào tháng 5, khi nước sông chưa lên nhiều. Đất phải đen, cát và nước phải không bị nhiễm mặn thì gốm làm ra mới đẹp. Người làng mang đất về trộn với nước theo tỉ lệ phù hợp, dùng chân nhào cho đến khi đất dẻo. Sau đó, đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước và trộn với cát trắng. Ngay từ khâu này, người nghệ nhân đã hết sức cẩn thận bởi nếu bụi lọt vào, gốm nung sẽ dễ vỡ.

Nghệ nhân gốm Bàu Trúc

Nghệ nhân gốm Bàu Trúc "làm bằng tay, xoay bằng mông" trong hàng nghìn năm qua.

Gốm mộc được sản xuất trong khoảng 5-10 ngày trước khi mang đi nung. Quá trình làm gốm Bàu Trúc được mô tả bằng cụm từ "làm bằng tay, xoay bằng mông". Ở Bàu Trúc, bàn xoay không tồn tại. Người nghệ nhân đi giật lùi quanh sản phẩm, hoàn toàn chỉ sử dụng đôi tay của mình vút, nặn để tạo nên hình hài những chiếc lọ, cái chén,... Không nhiều màu sắc, không quá tinh xảo, không có những nét vẽ phức tạp, gốm Bàu Trúc đơn giản, mộc mạc nhưng tinh tế. Hoa văn phản ánh đời sống người dân như sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò... Các sản phẩm cũng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người Chăm như phù điêu các vị vua chăm, vũ nữ Apsara...

Gốm được phơi trước khi đem đi nung.

Gốm được phơi trước khi đem đi nung.

Sau khi tạo hình, gốm được phơi nắng và cất trong nơi mát vài ngày trước khi mang đi nung trong 4-5 giờ đồng hồ. Nghệ nhân không sử dụng lò mà xếp gốm trên củi và chất rơm lên để nung gốm lộ thiên. Trước khi nung, bà con làm lễ cúng cầu nguyện tổ tiên phù hộ mẻ gốm thành phẩm ưng ý. Trong lúc nung, hạn chế cười, nói, âm thanh lớn. Nung gốm phải chọn trời nắng trong, ít gió để hơi nóng nhẹ nhàng làm nóng đều sản phẩm. Sản phẩm nung chín sẽ có độ bền cao, nếu nung không đủ gốm dễ vỡ. Cuối cùng, gốm được mang ra tạo màu. Gốm có màu đặc trung vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám được lấy từ trái dông hoặc trái thị.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan - ngoài 70 tuổi - là người phụ nữ 50 năm tỉ mỉ nặn từng khối đất sét sông Quao, thổi hồn vào rất nhiều chiếc bình gốm, lọ gốm Bàu Trúc. Bà kể, khi lớn lên đã thấy bà nội và mẹ làm gốm, bà chỉ nhào nặn đồ chơi. Đến năm 18 tuổi, bà bắt đầu học làm gốm. Nghệ nhân Đàng Thị Phan đã mang sản phẩm gốm Bàu Trúc đi khắp Việt Nam và ra nước ngoài. Đặc biệt, năm 2005, nghệ nhân Đàng Thị Phan vinh dự giành giải nhất trước các nghệ nhân làm gốm quốc tế trong một cuộc thi tại Nhật Bản. Bà cho biết: "Bà hơn 70 tuổi rồi, lẽ ra nghỉ rồi nhưng vẫn còn làm gốm đây. Làm gốm cần sự cần cù, kiên trì, tỉ mỉ. Không kiên trì không làm được".

Cụ Đàng Thị Phan (bên trái) là người 50 năm thổi hồn cho gốm Bàu Trúc

Cụ Đàng Thị Phan (bên trái) là người 50 năm thổi hồn cho gốm Bàu Trúc

Trải qua hàng nghìn năm với bao thăng trầm trong quá trình phát triển, làng gốm Bàu Trúc như một bảo tàng sống của đời sống văn hóa Chăm. Những nghệ nhân gốm Bàu Trúc vẫn hàng ngày nhịp nhàng vòng quanh bệ gốm miệt mài tạo nên những chiếc lọ, bình gốm mộc mạc từ nắm đất quê hương. Nghề gốm không chỉ là di sản tinh thần mà còn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế người làng bên bờ sông Quao.

Bài và ảnh: Phương Lê
RELATED ARTICLES