Tọa lạc tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Dảnh House không chỉ đơn thuần là một homestay mà còn là cầu nối giữa du khách và văn hóa dân tộc Lô Lô. Với các căn nhà mô phỏng hình trống đồng, nơi đây mang đến cho khách du lịch trải nghiệm sống động về phong tục và nét đẹp văn hóa của người Lô Lô, đồng thời mở ra không gian chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Chị Mỹ Khánh, chủ nhà Dảnh House, chia sẻ với Travellive: "Mình là người con dâu của dân tộc Lô Lô, bén duyên với chồng từ lúc còn trên ghế giảng đường. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình quyết định lập thân và lập nghiệp ở Đồng Văn, nơi gia đình chồng mình sinh sống".
Dòng họ Vàng là một dòng họ lớn của dân tộc Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú. Sinh thời trưởng dòng họ Vàng là cụ Vàng Dỉ Thuấn (ông nội của chủ cơ sở Dảnh House) đã hiến tặng Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam một chiếc trống của dòng họ để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ công nhận “trống đồng Lô Lô” là bảo vật quốc gia.
Với mong muốn phát huy truyền thống gia đình và quảng bá văn hóa trống đồng của dân tộc Lô Lô một cách sinh động, sau khi tham khảo ý kiến của các già làng - người có uy tín của thôn Lô Lô Chải, gia đình chị Mỹ Khánh đã mạnh dạn xây dựng homestay với thiết kế các căn bungalow mô phỏng theo hình cặp trống đồng (phòng đơn và phòng đôi giống như cặp trống đực và trống cái). Bên cạnh đó, những căn phòng tại Dảnh House còn thể hiện sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh: "Lấy văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa".
Dảnh House được thiết kế gồm 1 ngôi nhà gỗ truyền thống làm trung tâm, xung quanh là các căn bungalow mô phỏng hình gồm 5 cặp trống của 5 dòng họ lâu đời và đông nhân khẩu nhất tại thôn Lô Lô Chải (dòng họ Vàng, Mùng, Sình, Dìu, Lù).
Giải thích về tên gọi homestay, chị Mỹ Khánh cho biết thêm: “Âm ngữ tiếng Lô Lô ‘Dảnh’ có nghĩa là trống đồng. Trống đồng Lô Lô được người dân xem như vật thiêng để kết nối con người với các bậc thần linh. Gia đình mình muốn giới thiệu và quảng bá về di sản văn hóa đặc sắc đó của người Lô Lô đến bạn bè trong nước cũng như quốc tế qua mô hình phát triển kinh tế du lịch”.
Tại Dảnh có 3 hạng phòng. Hạng phòng nhà gỗ truyền thống là những căn phòng nhỏ, thiết kế ấm cúng như phòng ngủ gia đình thông thường, được tu sửa lại từ chính căn nhà của gia đình. Các phòng khác có ban công, một bên hướng ra cột cờ Lũng Cú, bên kia nhìn về trung tâm làng Lô Lô Chải yên bình và thơ mộng. Hạng bungalow trống đồng là hạng mục phòng chủ đạo của homestay, gồm phòng đơn và phòng đôi (mô phỏng theo trống đực với tên gọi là Dảnh Pò và trống cái với tên gọi là Dảnh Mo). Những hạng phòng trồng đồng đều có sân nhỏ riêng của từng căn, có bàn ghế để du khách thư giãn hít thở không khí trong lành của miền sơn cước.
Dảnh House không xây dựng những căn nhà trình tường đất như các điểm lưu trú khác, mà thiết kế theo hình trống đồng để quảng bá giá trị văn hóa dân tộc Lô Lô, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
Ngoài việc lưu trú, du khách còn có cơ hội tham gia những hoạt động sinh hoạt cộng đồng cùng với người dân bản địa như: đám rước dâu, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, lễ cúng tổ tiên, tìm hiểu về công đoạn thêu tay trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô… Dảnh House cũng thường xuyên tổ chức minishow lửa trại và giao lưu văn hóa, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm sâu sắc hơn về đời sống địa phương.
Bên cạnh đó, Dảnh House còn có nhiều trải nghiệm đa dạng như: thưởng thức ẩm thực địa phương, xông hơi đá nóng, gội đầu dưỡng sinh và ngâm chân chậu gỗ ngọc am với các loại thảo mộc vùng cao…
Theo chị Mỹ Khánh, những bước đi đầu tiên của Dảnh House khó khăn nhất là thi công hạng mục phòng hình trống đồng, một loại hình kiến trúc chưa đơn vị nào từng thực hiện. Chủ nhà vừa khích lệ thợ sáng tạo, vừa nghiên cứu cấu trúc để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, có sự hài hòa tổng thể.
“Điều duy nhất mình mong muốn ở Dảnh House là con cái mình lớn lên tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc. Dù phát triển kinh tế, nhưng vẫn coi văn hóa là trọng tâm, nâng cao ý thức bảo tồn và gìn giữ cốt lõi hồn dân tộc từ đời cha ông mình” chị Mỹ Khánh nói.