Nép mình trong một vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Giồng Trôm cách thành phố Bến Tre khoảng 19 cây số về hướng Đông, Maison du Pays de Bến Tre đã mang khái niệm homestay trở về với khởi nguồn khi nhà dân trở thành nơi tá túc của khách du lịch và gia chủ sẽ là người trực tiếp đón tiếp du khách ghé thăm.
Đây cũng là điểm đặt biệt của Maison du Pays de Bến Tre khi những công việc từ tư vấn, chăm sóc khách hàng, chuẩn bị phòng, lên thực đơn, báo giá, khảo sát các điểm tham quan, trở thành tourguide trong những chuyến khám phá địa phương cho đến dọn dẹp vệ sinh đều đến từ bàn tay của chủ nhà - anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992). Cùng với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch từ vị trí nhân viên cho đến phó giám đốc một resort, Duy Thịnh đã mang đến hơi thở mới cho du lịch homestay khi kết hợp những trải nghiệm cao cấp dung hòa với văn hóa miệt vườn của xứ dừa.
Biến điểm tựa cuối cùng thành ước mơ
Vào đầu năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 chuyển biến xấu đi khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch bắt đầu cắt giảm nhân sự. Bản thân là phó giám đốc cho một resort tại Bến Tre, Duy Thịnh cũng đành phải tự nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng cho công ty sau nhiều năm gắn bó. Tâm sự với Travellive, Duy Thịnh nhớ về những cảm xúc của anh trải qua khi mất việc: "Mọi thứ thật chênh vênh và mơ hồ. Mình không bao giờ nghĩ đến cảnh mình không có việc làm vì tình yêu du lịch với mình rất lớn. Thói quen gặp gỡ, chăm sóc những vị khách từ khắp nơi trên thế giới và mọi miền đất nước đột nhiên biến mất, mình rất buồn”
Anh bắt đầu làm việc tại các trung tâm Anh ngữ và các lớp dạy kỹ năng mềm nhưng càng gắng gượng làm việc, anh càng nhận ra bản thân sinh ra để làm du lịch. Nhìn lại ngôi nhà mình đang ở, Thịnh thấy nơi này là điểm tựa cuối cùng của mình, anh quyết định sửa lại căn nhà cấp bốn chào đón những vị khách đến cùng ăn, cùng nghỉ, trải nghiệm và tham gia vào cuộc sống truyền thống thường nhật của vùng đất Bến Tre giản dị mà trù phú.
Để có thể thực hiện dự án, Duy Thịnh đã vay mượn bạn bè khắp nơi, ở đâu đó vẫn có người e dè vì sợ homestay không có khách. Nhưng với những kinh nghiệm tích lũy hơn 10 năm qua, Duy Thịnh biết anh cần phải đón đầu xu thế du lịch khi Việt Nam mở cửa trở lại. "Lúc đó tôi nhận thấy xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi trong tình hình dịch bệnh. Đại dịch làm cho con người cảm thấy muốn được nuông chiều nhiều hơn, trở lại các vùng nông thôn, tránh xa ồn ào phố thị để làm mới năng lượng, hòa mình với thiên nhiên", Duy Thịnh chia sẻ.
Và homestay với cái tên Maison du Pays de Bến Tre ra đời. Khi được Travellive hỏi về ý nghĩa của cái tên tiếng Pháp đặc biệt này, Thịnh đã chia sẻ, Maison là ngôi nhà, Du Pays là một từ rất đồng quê, đặc trưng vùng và rất miệt vườn. Và cái tên ấy khi được dịch nghĩa vẫn mang hơi thở của không gian, ký ức, câu chuyện và cả ẩm thực đặc trưng của một vùng quê thôn dã. Maison du Pays de Bến Tre chính là cái tên bao hàm sự lãng mạn, đầy tinh tế, nồng nàn của ngôi nhà nhỏ này. Anh mong muốn khi mọi người nghe được cái tên này sẽ cảm thấy thôi thúc mong muốn ghé thăm một homestay mang tên tiếng Pháp với cách thiết kế mang đậm sự hoài niệm của vùng Đông Dương đầy xưa cũ.
Phong cách phục vụ chuyên nghiệp bên trong ngôi nhà nhỏ nơi miệt vườn
Một homestay miệt vườn nhưng từ phong cách decor cho đến những nội thất chi tiết nhất với ly, chén, đũa,...đều được trau chuốt từng chút một và nâng niu. Maison du Pays de Bến Tre đã mang đến phong cách phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp nhưng vẫn không làm mất không gian chân thật nhất của một người dân bản địa.
Du khách khi đến với Maison du Pays de Bến Tre không chỉ là trải nghiệm một nơi lưu trú. Ở đây bạn có thể đặt riêng cho mình những buổi học làm các loại bánh quê hoặc cùng bà nội của Thịnh nấu những bữa cơm ngon lành và tròn vị như một người dân miền Tây. Ngoài những trải nghiệm thực hành, Maison du Pays de Bến Tre sẽ chiêu đãi du khách những món ăn đậm đà hương vị địa phương với những sản vật trù phú của vùng quê mà người dân bản địa nơi này luôn nặng lòng yêu thương.
"Món salad làm từ trứng gà vườn. Bánh mì ăn cùng mật hoa dừa. Đó có khi là mớ tép bạc còn tươi roi rói đem cháy tỏi, rau trái anh hái từ vườn nhà hay là món mứt chùm ruột, tàu hũ từ chợ quê đã gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Những thứ đã bỏ quên lâu lắm nay lại trở về dung dị bên hiên nhà làm cho lòng người du khách cứ bồi hồi khó tả…", chị Thúy Hằng, một du khách chia sẻ về trải nghiệm ẩm thực của mình tại đây.
Hành trình đưa du lịch về với thôn làng
Đặc biệt nhất phải kể đến những chương trình trải nghiệm văn hóa địa phương - đặc sản của Maison du Pays de Bến Tre. Mỗi ngày Duy Thịnh sẽ cùng du khách đạp xe trên những con đường xứ dừa. Có đôi khi chỉ là quan sát những người dân chài đánh bắt trên những con sông quê. Và nếu du khách yêu thích việc tự tay trải nghiệm, Duy Thịnh sẽ cùng bạn ghé thăm những làng nghề như đan giỏ cọng dừa, bó chổi, thủ công mỹ nghệ.
"Mình cùng khách luôn di chuyển bằng xe đạp để sống chậm hơn đồng thời bảo vệ môi trường. Những chuyến ghé nhà chú Chín Cường để hái cacao. Đi đò chèo ở nhà cô Đẹp. Check in trên cầu Bún Quảng Thăng ngắm hoàng hôn buông. Thăm trung tâm hành hương Đức Mẹ La Mã. Ghé thăm ngôi nhà gỗ anh Tám Thư và được anh mời uống dừa tươi ngọt lịm đến căng bụng. "
Để được sự ủng hộ của người dân, những hộ dân liên kết thành chuỗi hoạt động du lịch như ngày hôm nay là cả một quá trình đầy kiên nhẫn bởi du lịch nông thôn còn mới so với người dân khi họ không bị xáo trộn cuộc sống bởi những điều mới mẻ. Nhưng giờ đây đi khắp thôn làng xóm nhỏ, đâu đâu người ta cũng nhắc tới du lịch homestay. Đó giờ là câu chuyện của những buổi trà sáng, trưa chiều trên xứ sở miệt vườn.
Tìm nơi nghỉ chân cho tâm hồn
Sau gần hai năm đi vào hoạt động, Maison du Pays de Bến Tre đón tiếp rất nhiều du khách từ trong và ngoài nước. Và có rất nhiều du khách đặc biệt đã tìm đấy đây để chữa lành vết thương tâm hồn.
"Họ trải lòng mình ra và nói với mình như với người thân về những điều mất mát, chia ly hay niềm vui sướng mà khó có thể nói với bất cứ ai". Có vô vàn câu chuyện đáng nhớ về những vị khách từng ghé chân đến đây, Duy Thịnh còn kể cho Travellive nghe về một trong những vị khách đặc biệt của anh.
"Có những vị khách tới đây vào nửa đêm, chị là giáo viên của một trường ĐH ở TP.HCM. Đến homestay chỉ để đọc sách, ăn món ăn ngon, và nằm nghe mây trời reo hát chứ không đi đâu cả. Vậy mà chị ở suốt mấy ngày liền để tâm hồn chị được lấy lại năng lượng căng tràn và bắt đầu quay lại TPHCM cho guồng làm việc đầy áp lực."
Đại dịch Covid-19 mang đi những cố gắng mà Duy Thịnh đã chắp cánh và vun đắp xây dựng trong suốt nhiều năm qua. Nhưng nhìn Maison du Pays de Bến Tre sắp sửa bước vào hoạt động năm thứ 3, nhìn những du khách đến trải nghiệm, họ rung động bởi nơi này, rồi lại giới thiệu đến bạn bè người thân. Thịnh nói với chúng tôi rằng: "Nếu không có đại dịch Covid vừa qua, cho đến khi nào mình mới dám bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu bắt đầu hành trình mà mình ấp ủ từ khi còn là sinh viên."