Ẩm thực miền tây mùa nước nổi

14/09/2022

Du lịch miền tây mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Đây là khoảng thời gian nước từ thượng nguồn đổ về kéo theo phù sa và cá tôm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi vùng miền đều sở hữu một khoảng thời gian trong năm để phô bày những nét đẹp đặc trưng. Nếu như miền Bắc làm nao lòng khách du lịch bằng mùa thu, miền Trung luôn là điểm đến thích hợp trong mùa hè thì mùa nước nổi chính là thời điểm tuyệt vời để bạn đến miền Tây Nam Bộ. Đây là khoảng thời gian nước từ thượng nguồn đổ về kéo theo phù sa và cá tôm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì lẽ đó, nền ẩm thực miền Tây vốn phong phú, đa dạng lại thêm phần tươi ngon và đặc sắc từ tháng 8 đến tháng 11. Dưới đây là những đặc sản du khách nên thử qua nếu có dịp ghé thăm làng quê miền Tây.

Cá linh

Món lẩu cá linh bông điên điển.

Món lẩu cá linh bông điên điển.

Cứ đến khoảng tháng 9 âm lịch, cá linh bắt đầu vào mùa sinh sản. Vậy nên cứ thấy cá linh bắt đầu xuất hiện dày đặc trong những tấm lưới đánh cá, người ta tự biết rằng mùa nước nổi đã thực sự về với miền Tây. Từ thượng nguồn sông Mekong, loài cá này theo dòng phù sa đến với miền Tây như món quà hào phóng của thiên nhiên. Đây cũng là mùa mưu sinh của bao gia đình sống bằng nghề lưới, đó, đáy, đăng, giăng câu… Cá linh thường khá nhỏ, kích thước tầm khoảng 1 ngón tay út, nếu may mắn thì gặp những con cá to khoảng 2 ngón tay.

Con to bằng ngón tay thì nấu canh chua bông điên điển, kèo nèo, so đũa, bông súng hoặc chiên giòn, chiên bột chấm mắm me hay kho mắm. Món cá linh nhúng giấm bông điên điển rất đáng để du khách thưởng thức. Cá không cần đánh vảy, chỉ cần bỏ vào rổ tre chà nhẹ là được, sau đó bỏ ruột, ướp gia vị gồm chút muối, đường, bột ngọt, tiêu và tỏi băm. Giấm phải là giấm nhà có vị chua thanh đặc biệt.

Trải nghiệm thưởng thức cá linh ngon nhất là ở giữa những căn chòi lá ven sông, nghe gió thổi vi vu, thêm vài câu vọng cổ ngân lên da diết mới đúng chất miền Tây. Cùng người bản xứ thưởng thức nồi cơm gạo mới, canh chua cá linh bông điên điển, nhâm nhi miếng cá giòn tan rồi cạn ly rượu nếp sẽ là những trải nghiệm khó quên cho những ai ghé thăm miền đất này.

Bông điên điển

Bông điên điển có thể chế biến được nhiều món từ đơn giản đến cầu kỳ.

Bông điên điển có thể chế biến được nhiều món từ đơn giản đến cầu kỳ.

Tuy chỉ là loài cây mọc hoang trên những triền đê nhưng khi mùa lũ kéo về thì cũng là lúc loài cây này trổ bông vàng rực mang đậm sắc màu đồng quê. Không biết từ bao giờ, người dân miền Tây đã xem bông điên điển như một thứ đặc sản mỗi năm chỉ có một lần.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bông điên điển không phải lúc nào cũng có. Để tìm được thứ sản vật này, người ta phải đợi đến mùa lũ. Mùa điên điển nở rộ là vào khoảng tháng 9-10 cũng là lúc lũ lên cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Tây, bông điên điển có nhiều ở các vùng An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ…

Bông điên điển có rất nhiều kiểu chế biến, từ đơn giản đến cầu kì. Hôm nào lười đi chợ, cứ hái điên điển về xào tỏi thì cũng đủ no nê, chắc bụng. Hấp dẫn hơn là nồi canh chua cá linh được điểm thêm sắc vàng. Điên điển giòn giòn, khi ăn lại đăng đắng nhưng đọng vị ngọt dịu ở cổ họng. Bên cạnh đó, người miền Tây còn tận dụng điên điển làm món tép xào, bún cá, rau chấm các món kho…

Bông súng mắm kho

Mỗi mùa nước nổi về, bông súng lên nhanh và nở tím đồng. Từ độ tháng 8 âm lịch, bông súng nở rộ kín mặt hồ, tạo nên cảnh sắc tuyệt mỹ nơi hương đồng cỏ nội. Vẻ đẹp giản dị nhưng những cánh đồng bông súng trong mùa lũ lại được nhiều nhiếp ảnh gia dùng làm cảm hứng sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm nhiếp ảnh ấn tượng.

Bông súng là món rau đặc biệt của miền tây.

Bông súng là món rau đặc biệt của miền tây.

Bông súng mang đến nét riêng cho ẩm thực miền Tây khi có thể kết hợp với nhiều món ăn ngon. Vị hơi chát nhẹ, giòn rụm và ngậm nước góp phần cho bữa ăn thêm ngon miệng. Trong các món lẩu miền Tây, bông súng là thứ không thể thiếu. Từ món lẩu cá linh, lẩu cua đồng, lẩu mắm,… đều có bông súng góp mặt.

Trong các món đó, nổi tiếng nhất phải kể đến món bông súng mắm kho. Bông súng sau khi hái về được rửa sạch, ngắt thành cọng nhỏ để ráo nước. Bông súng mắm kho là sự kết hợp tuyệt vời của loài rau đồng mọc vùng đất trũng đọng nước bùn và các loại mắm linh, mắm sặc ngon nhất. Sau khi lọc hết xương, cho vào sả bằm, tép, cá lóc thịt ba rọi… nêm nếm vừa ăn là nhấc xuống bếp. Vị cay của ớt, mùi thơm của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng khiến thực khách khó lòng quên được.

Nước mắm

Nước mắm cá linh là gia vị cho nhiều món ăn miền tây.

Nước mắm cá linh là gia vị cho nhiều món ăn miền tây.

Nước mắm cá linh thường được chọn làm quà mang về của du khách. Nước mắm cá linh được ủ từ cá linh tươi nguyên chất từ 3-6 tháng. Nước mắm sánh, có màu đỏ hồng, vị đậm đà, hậu ngọt từ cá tươi qua thời gian dài. Chỉ cần chấm miếng cá hoặc miếng thịt thật ướt và thưởng thức sẽ cảm nhận đủ đầy hương vị của ẩm thực miền Tây.

Ba khía

Ba khía là loài giống cua nhỏ sống ở khu vực rừng ngập mặn.

Ba khía là loài giống cua nhỏ sống ở khu vực rừng ngập mặn.

Vào mùa nước nổi, ba khía cũng theo dòng nước đổ về khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ba khía là loài thuộc họ cua, có lẽ vì trên lưng nó có ba gạch (khía) nên người ta gọi nó là con ba khía. Ba khía thường có kích thước nhỏ nhưng gạch nhiều, thịt chắc, có tám chân trong đó có 2 cái càng to, toàn thân đều có lông.

Trước đây giá trị kinh tế của con ba khía không cao, nó thường được sử dụng để muối làm mắm ba khía, hình ảnh món ba khía thường xuất hiện trong mỗi bữa ăn đạm bạc của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên ngày nay do nhu cầu về ẩm thực gia tăng, ba khía đã trở thành một nguyên liệu để chế biến thành các món ăn khoái khẩu được nhiều người yêu thích.

Thịt chuột

Thịt chuột đồng là món ăn đặc sản miền Tây Nam Bộ.

Thịt chuột đồng là món ăn đặc sản miền Tây Nam Bộ.

Cứ sau mỗi vụ mùa, nông dân tranh thủ đi “săn” để bắt được những con chuột mập mạp, chắc thịt. Chuột đồng ở miền Tây ăn lúa, hoa màu, chũi trong đất ruộng nên thường khá sạch và không mang nhiều mầm bệnh như loài chuột cống. Chuột đồng bắt đầu trở thành món hiếm ở miền Tây từ khi diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, thay thế bằng hoa màu, cây ăn quả để phục vụ nhu cầu cả nước và xuất khẩu.

Anh Thi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES