Về miền Tây thưởng thức 6 món ăn dân dã độc lạ

23/03/2023

Chuối ngào đường, cơm dụ, bánh tiêu, bánh khọt, lía phơi... những món ăn ắt hẳn như thể là từ ngữ mới đối với nhiều người nhưng đó lại là các món ăn dân dã vừa ngon, vừa lạ và kéo cả một bầu trời tuổi thơ đối với những con người miền Tây. Hãy cùng Travellive khám phá những món ăn độc lạ miền Tây này nhé!

Thanh Bùi (28 tuổi) - một nhân viên thiết kế đồ họa và còn là nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh sinh ra ở Tân Châu, An Giang - nơi được mệnh danh là xứ lụa vì có làng nghề làm tơ lụa lâu năm. Hiện anh đang quản lý một fanpage có tên "Tân Châu Downtown", đăng tải hình ảnh và bài viết về văn hoá đời sống ở Tân Châu, An Giang.

Với tình yêu đối với quê hương xứ lụa Tân Châu, một thị xã nhỏ vùng biên giới ven sông Tiền. Anh cảm nhận quê mình có nhiều cái hay mà nhiều người chưa biết về văn hoá, ẩm thực, phong tục tập quán và phong cách sống của con người.

Đặc sản miền Tây sông nước là những món ăn dân dã vừa ngon, vừa lạ. Nơi đây được xem là thiên đường ẩm thực tại miền Tây Nam Bộ, thôi thúc nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ảnh: Internet

Đặc sản miền Tây sông nước là những món ăn dân dã vừa ngon, vừa lạ. Nơi đây được xem là thiên đường ẩm thực tại miền Tây Nam Bộ, thôi thúc nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ảnh: Internet

Thanh Bùi cho biết: "Món ăn dân dã rất dễ kiếm ở các tỉnh miền Tây, mà ở quê mình các món đó mang hương vị rất khác biệt. Các cô chú mình tìm đến để thực hiện bộ ảnh đều là những người bán trên 40 năm ở xứ này và những món ăn đều làm theo công thức gia truyền nên có hương vị đặc trưng. Ăn một lần sẽ nhớ mãi. Ban đầu, mình chụp và làm bài viết để tri ân những người gìn giữ hương vị quê hương. Về sau, được nhiều người khuyết khích quảng bá văn hóa xứ lụa Tân Châu nên tạo cảm hứng cho mình lập page và được rất nhiều đồng hương hưởng ứng. Những bạn sinh viên đi học xa hay các cô chú xa xứ khi đọc bài viết của page càng thấy nhớ về quê hương mình hơn".

Hãy cùng Travellive khám phá 6 món ăn dân dã độc lạ của miền Tây dưới ống kính và chia sẻ của nhiếp ảnh gia Thanh Bùi:

1. Cơm dụ (cơm rượu) - món ăn chơi "ngây ngất" miền Tây Nam Bộ

Cơm dụ (đọc theo phát âm người miền Tây) được xem là món vô cùng có sức gợi về hồi ức tuổi thơ. Về cách làm, người miền Tây chọn làm bằng loại gạo nếp thông thường. Gạo nếp sẽ được ngâm trong nước từ 4-6 tiếng, sau đó vo sạch, nấu thành cơm rồi rải mỏng tất cả ra mâm, để nguội. Men rượu sau khi giã nhuyễn, được rắc lên cơm và đảo đều trước khi cho vào âu, đậy kín nắp và để ở nơi mát mẻ. Sau khoảng 2-3 ngày, khi cơm đã lên men và dậy mùi, có thể cho đường vào. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường trong cơm sẽ chuyển hóa thành cồn càng lớn nên thường ít ai ủ cơm rượu quá nhiều ngày.

Đặc biệt ở chỗ, cơm rượu miền Tây trước công đoạn mang ủ sẽ được vo thành những viên tròn vừa vặn. Vì là thực phẩm lên men nên với nhiều người, cơm rượu có thể thơm hoặc mang mùi khó ngửi

Đặc biệt ở chỗ, cơm rượu miền Tây trước công đoạn mang ủ sẽ được vo thành những viên tròn vừa vặn. Vì là thực phẩm lên men nên với nhiều người, cơm rượu có thể thơm hoặc mang mùi khó ngửi

Rất nhiều người mặc dù đã biết cơm rượu từ tấm bé, nhưng phải rất lâu sau mới chịu thử món ăn này. Nó mang một mùi hương độc đáo, khi ăn vừa cảm nhận được vị ngọt bùi của gạo nếp, vừa “ngây ngất” bởi dư vị nồng nàn của hơi men. Cuối cùng là vị chua tự nhiên không thể thiếu của đa phần các món “nên hình, nên vóc” bằng thủ pháp lên men này.

Cũng như nhiều món “ăn chơi” khác ở miền Tây Nam Bộ, cơm rượu chỉ dùng để ăn cho đỡ “buồn miệng”, chứ không ai ăn lấy no bao giờ. Cơm dụ là món ăn được chọn hàng đầu trong những món tráng miệng sau mỗi bữa ăn chính của người miền Tây Nam Bộ.

2. Chuối ngào đường - hương thơm ngọt ngào của tuổi thơ

Chuối hòa lẫn vị ngọt dịu của đường, vị béo của mè rang dường như làm nổi bật hơn, khiến bạn ăn hết một trái nhưng vẫn còn thèm. Muốn làm chuối ngào đường ngon, người làm phải chọn trái chuối không quá chín, còn hơi xanh. Sau khi lột vỏ, chuối được ngâm với nước muối pha loãng hoặc phèn chua để loại bỏ hết mủ, đồng thời giúp trái chuối trắng. Sau đó rửa chuối với nước lạnh, vớt ra để ráo. Nhiều người dùng chuối sáp để ngào, nhưng chuẩn miền Tây nhất là dùng chuối xiêm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cách làm chuối ngào đường cũng khá giống nhiều món mứt. Cho đường cát hoặc đường thốt nốt và nước lọc vào, nấu tan đường ra thành màu hơi vàng, sau đó nhỏ vài giọt chanh vào nước đường để không bị đông cứng lại. Tiếp đó, cho chuối vào chảo, đảo đều tay. Khi thấy đường ngấm dần vào chuối, rắc ít đường đều lên chuối, tạo cho màu đẹp.

Trái chuối xiêm dẻo được bọc lớp đường ngọt thanh là thức ăn vặt gắn với tuổi thơ nhiều trẻ em miền Tây Nam Bộ

Trái chuối xiêm dẻo được bọc lớp đường ngọt thanh là thức ăn vặt gắn với tuổi thơ nhiều trẻ em miền Tây Nam Bộ

"Khi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi rất thích những món ngọt ngọt như bánh kẹo, nhưng riêng món chuối ngào đường là một món ăn khoái khẩu", Thanh Bùi kể.

Vị chuối sáp thanh mát, dai giòn, hòa quyện cùng cái ngọt tự nhiên của đường thốt nốt, trên mặt là ít mè rang thơm lừng, bùi béo. Những thứ tưởng chừng quen thuộc, ít ai ngờ rằng khi hòa cùng nhau lại cho hương vị lạ lẫm, mới mẻ.

3. Bánh khọt - mộc mạc từ tên gọi

Ở các vùng miền, món bánh khọt được biến tấu đa dạng phong phú khác nhau. Riêng ở các tỉnh miền Tây, đặc biệt là An Giang, bánh khọt giống kiểu bánh của người Khmer. Có nguyên liệu từ bột gạo pha loãng với nước cốt dừa và hành lá cắt nhỏ.

"Tên gọi bánh 'khọt' theo giải thích của nhiều người là do khi đổ bánh, để lấy bánh ra khỏi khuôn, người ta phải dùng thìa khẩy lên, khi thìa chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu 'khọt khọt', tên gọi của bánh cũng bắt đầu từ ấy. Nhưng cũng có cách lý giải tên bánh theo một ý nghĩa khác. Đó là ngày xưa, những người nghèo không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là 'khộp', nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên khộp ấy được đọc trại thành khọt”, Thanh Bùi giải thích.

Bánh khọt An Giang không cho thêm bột nghệ để có màu vàng như bánh khọt thường thấy và bánh không được ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm pha loãng

Bánh khọt An Giang không cho thêm bột nghệ để có màu vàng như bánh khọt thường thấy và bánh không được ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm pha loãng

Ngày nay, khi ghé An Giang, bạn có thể khá dễ dàng tìm thấy một quán bánh khọt thơm lừng khắp vỉa hè trên các nẻo đường làng quê. Dù ở đâu, món bánh khọt vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống, hương vị đậm đà khó quên khi bạn thưởng thức.

4. Bánh tiêu - thứ quà bình dị miền sông nước

Ở miền Tây sông nước, món bánh tiêu là thứ quà quen thuộc của các cậu nhóc cô nhỏ hay món tráng miệng của tiệc cưới, thôi nôi.

Bánh tiêu là một trong những loại bánh chiên nổi tiếng của người Hoa. Bánh được làm ra từ những năm 1930 bởi một chủ tiệm điểm tâm trà, được lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa bột mì được trộn với bột khai thêm mè. Ở một số tỉnh ở miền Tây, người dân ăn bánh tiêu kép với bánh bò. Vị béo thơm của bánh tiêu hòa trộn với vị ngọt mềm của bánh bò một cách hài hòa giúp người ăn thấy rõ độ ngon của từng loại bánh.

Cách làm tuy đơn giản nhưng để ra hương vị đúng chuẩn cần phải có kinh nghiệm

Cách làm tuy đơn giản nhưng để ra hương vị đúng chuẩn cần phải có kinh nghiệm

"Mỗi khi ăn bánh tiêu thì ký ức tuổi thơ lại ùa về", Thanh Bùi nói

5. Cháo đậu nước cốt dừa - lạ mà đậm đà

Vào mỗi buổi sáng, ngoài các món ăn sáng như hủ tiếu, bánh mì, xôi... thì cháo đậu là một trong những lựa chọn tuyệt vời của người dân miền Tây.

Nồi cháo đậu đầy đủ và đúng phải gồm cháo trắng nấu với đậu đen, nước cốt dừa, ngoài ra có thể thêm đĩa đồ ăn gồm cá linh, cá cơm, tép và đu đủ giấm. Có hai loại cháo: cháo đậu và cháo lá dứa, đồ ăn thì giống nhau.

Bát cháo đậu trộn cháo lá dứa cùng đồ ăn kèm

Bát cháo đậu trộn cháo lá dứa cùng đồ ăn kèm

6. Lía phơi - món ăn bắt nguồn từ đồng bào dân tộc Khmer

Tên gọi “lía” chỉ xuất hiện ở vùng đầu nguồn sông Tiền. Vì lía ở Tân Châu tương đối giống với con hến nên mọi người thường nhầm lẫn. Lía có vỏ ngoài bao bọc cứng có hình bầu dục, kích thước chỉ lớn hơn đầu ngón tay một chút. Lía Tân Châu có thể chế biến thành vài món ngon hấp dẫn như: xào tỏi, luộc sả… đặc biệt, lía ướp muối rồi phơi nắng là món ăn dân dã đặc biệt nhất bởi hương vị đậm đà.

Lía phơi được chế biến cực kỳ đơn giản: lía mua về ngâm nước một đêm rồi rửa sạch, để ráo nước, sau đó, ướp muối với bột ngọt và ớt chừng hai giờ đồng hồ, đem phơi nắng ba tiếng là có thể ăn được. Thịt lía vốn rất giàu chất protein, chất béo, chất khoáng… khi phơi nắng, nước đọng lại trong vỏ tạo độ ngọt và thịt rất béo. Ngoài ra, người chế biến món ăn cần phải kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh… lía sau khi tẩm gia vị được phơi trên mâm thiếc to hứng ánh sáng để được giữ nóng.

Đặc biệt, lía lấy ruột chấm với nước mắm me ăn cùng cơm nguội rất đưa miệng. Món ăn này có đủ vị mặn, ngọt nên mọi người rất yêu thích.

Thưởng thức lía theo kiểu ăn chơi vui miệng hay nhậu lai rai xem ra đúng chất sông nước

Thưởng thức lía theo kiểu ăn chơi vui miệng hay nhậu lai rai xem ra đúng chất sông nước

"Vùng đất An Giang là nơi giao thoa nhiều nền văn hoá như Chăm, Khmer, Kinh, Hoa... ngoài ra, ẩm thực truyền thống cũng rất phong phú. Như ở Châu Đốc có món mắm, bao tử cá chiên giòn, bún cá. Còn ở Châu Phong là nơi nhiều người Chăm sinh sống, có món Tung Lò Mò. Ở Tri Tôn, nơi nhiều Khmer sinh sống sẽ có món đu đủ đâm, bò ghim, bánh bò thốt nốt. Ngoài ẩm thực thì các chùa và đền thờ, đời sống tâm linh tín ngưỡng nơi đây rất đa dạng. Con người và phong cách sống của dân miền Tây cũng rất hào sảng và bình dị. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều bài viết cũng như nhiều du khách đến khám phá tường tận mọi mặt ở miền Tây, đặc biệt là An Giang", Thanh Bùi cho hay.

Phương Thảo - Ảnh: Thanh Bùi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES