Khi nhắc đến xưởng may, người ta sẽ nghĩ ngay đến âm thanh liên hồi của chiếc máy khâu, tiếng nói chuyện rôm rả của những người thợ đang làm việc... Nhưng khi đặt chân đến xưởng Kymviet, dường như điều đặc biệt hơn cả là không có một tiếng người, chỉ có tiếng cắt vải, máy may và từng đôi bàn tay thoăn thoắt của những con người chăm chỉ đang miệt mài sản xuất.

Empty
Empty

Len lỏi trong con phố nhỏ Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, xưởng may Kymviet là nơi làm việc của cộng đồng những người khuyết tật. Trong đó, đa số là người khiếm thính bẩm sinh. Thời điểm cận Tết Giáp Thìn, xưởng may của những người khiếm thính cũng cho ra mắt sản phẩm linh vật rồng thổ cẩm với nhiều kích cỡ khác nhau để phục vụ những người dùng.

Empty
Empty

Ngay từ khi mới bước vào xưởng, một không gian sắc màu được mở ra với khu trưng bày các sản phẩm của Kymviet đa dạng thú nhồi bông đủ chất liệu màu sắc cùng những đường may tỉ mỉ. Đi sâu vào trong xưởng may, 30 con người đang miệt mài làm việc, không một tiếng nói, chỉ có âm thanh kẽo kẹt của máy may. Nhìn qua cách họ làm việc thì không ai biết đây là những người khuyết tật hay có vấn đề về sức khỏe.

Đôi tay họ thoăn thoắt trên từng chi tiết để ráp lại thành những sản phẩm hoàn hảo và độc đáo. Dường như, những ánh mắt hay ngôn ngữ kí hiệu bằng tay cũng đủ để họ giao tiếp, hiểu nhau hơn trong công việc và cuộc sống thường nhật.

Empty

Anh Phạm Việt Hoài là nhà sáng lập của Kymviet, khuôn mặt anh luôn toát lên năng lượng tích cực tràn đầy. Bản thân cũng là người khuyết tật 43 năm nay nên anh Hoài thấu hiểu, đồng cảm cộng đồng người khuyết tật vẫn còn nhiều vất vả, hạn chế trong cơ hội kiếm việc làm. Đó cũng là lý do anh thành lập xưởng may Kymviet từ năm 2013. Kymviet ra đời tạo cho những người khuyết tật môi trường tốt, công việc phù hợp với khả năng của họ. Theo anh Hoài, nếu như nguồn nhân lực là người khuyết tật còn khả năng lao động mà không tạo điều kiện việc làm cho họ thì rất lãng phí tài nguyên.

Empty

Trò chuyện với Travellive, anh Hoài chia sẻ: “Trong cuộc sống, mọi người thường nghĩ thú nhồi bông chỉ là đồ chơi cho trẻ em. Nhưng với 12 con giáp, mỗi năm lại mang sắc màu riêng. Ngoài ra, cũng có thể kể đến như thú nhồi bông cho SEA Games, Olympia và các linh vật đại diện cho doanh nghiệp. Bởi vậy thị trường này rất rộng. Quan trọng là mình chế tạo ra linh vật như thế nào”.

Mỗi linh vật sẽ có một câu chuyện hay biểu tượng đằng sau đó. Ví dụ như, linh vật con trâu biểu tượng cho nền văn minh lúa nước, làng quê Việt Nam. Con gà thường liên quan đến tranh Đông Hồ. Các sản phẩm đều dựa trên văn hóa Việt để chế tác.

Empty

Năm nay, linh vật con rồng tại Kymviet được chế tác, hội tụ từ nhiều triều đại của Việt Nam như: Lý, Trần, Nguyễn… với sự đa dạng đường nét và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Mẫu rồng có lớp ngoài bằng lụa và thổ cẩm, kết hợp cùng nhiều chất liệu truyền thống khác. Để tạo hình, nhóm thiết kế đã nghiên cứu, chắt lọc các đường nét, họa tiết rồng trong truyền thống rồi kết hợp với nhau một cách tinh tế. Bên cạnh thú nhồi bông, họa tiết rồng ở đồng hồ năm nay cũng khá độc đáo với nhiều lớp đắp nổi dạng phù điêu cùng họa tiết long bào của chúa Nguyễn. 

Empty
Empty

Có một điều khá độc đáo ở phần lớn trong các sản phẩm thú bông tại Kymviet là những hương liệu tạo nên thành phẩm không thể lẫn lộn ở bất cứ đâu và phảng phất mùi thơm của quế Trà My, hồi Lạng Sơn cùng nguyên liệu đặc trưng của nhiều vùng miền khác…

Anh Hoài cho biết, Kymviet là đường kim mũi chỉ, vừa khâu máy vừa khâu tay, Việt là Việt Nam. Chữ Kym gợi sự tò mò về hình thức. Kymviet được kể câu chuyện bởi đôi bàn tay khéo léo trong không gian tĩnh lặng của những người khuyết tật muốn tạo ý nghĩa cho đời. Mỗi sản phẩm tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ mang đậm sắc màu văn hóa Việt Nam, là sự công phu của nghệ thuật thủ công.

Empty
Empty

Khi sản xuất thú nhồi bông, phần lớn thị trường hiện nay chủ yếu đáp ứng về mục đích thương mại nhưng những sản phẩm thủ công tại Kymviet lại chứa đựng cả một câu chuyện đằng sau đó. Vì là lớp dành cho người khuyết tật, nên bản thân anh Hoài cũng học về các ngôn ngữ ký hiệu để dễ dàng giao tiếp, trao đổi với mọi người làm trong xưởng. Ngoài xưởng may, tại Kymviet còn tổ chức workshop cho học sinh sinh viên, các buổi trải nghiệm cho khách du lịch… để khám phá những món đồ thủ công sáng tạo.

Video một ngày làm việc tại xưởng may linh vật Kymviet:

Empty
Empty
Empty