Chạm hồn Tết Việt ở làng nghề Cố đô

02/02/2024

Người ta kháo nhau đi tìm hương Tết cổ truyền giữa nhịp sống hiện đại. Tôi thì biết mình không phải tìm đâu xa, Tết vẫn ở đây trong từng hơi thở, trong từng bước chân khi tôi về những làng nghề xứ Huế. Tháng Chạp về, những nghệ nhân bận rộn hơn ngày thường nhưng họ vẫn giữ được cái nếp thảnh thơi, thơ mộng đặc trưng của Huế.

Về làng Địa Linh, tận mắt xem nghề làm tượng Táo

Mẹ tôi gọi hỏi khi nào về quê ăn Tết, có kịp ngày tiễn ông Táo về trời không. Tôi đi học xa nhà từ thuở 16, xa hơn chút nữa vào năm 18 và giờ đây, tôi làm việc cách nhà hơn 800km, đủ gần để luôn về nhà dịp Tết và đủ xa để mong ngóng từng ngày về. May mắn là công việc khá linh hoạt, tôi thường về quê từ sớm, trước hoặc ngay ngày 23 tháng Chạp để cùng mẹ soạn một mâm cúng đơn giản, dâng lên thần cai quản bếp núc của nhà tôi chính là tam vị Táo quân.

Khuôn tượng Táo phơi dưới nắng

Khuôn tượng Táo phơi dưới nắng

Trong những chuyến đi Huế, tôi luôn dành nhiều thời gian để hòa cùng nhịp sống chậm rãi nơi đây thông qua việc tìm hiểu và tiếp xúc với người dân địa phương. Lần này, tôi đến thăm làng Địa Linh vì được biết đây là nơi duy nhất trên đất Huế còn làm nghề nhào nặn tượng Táo quân, phục vụ cho nhu cầu thay mới tượng mỗi năm một lần vào 23 tháng Chạp của người dân.

Ngay từ giây phút đầu tiên bước vào làng, đi qua những con đường quanh co, tôi đã bắt gặp hình ảnh những người dân cặm cụi bên lò nung. Nhịp sống tất bật mà vẫn vẹn nguyên nét yên bình. Ở sân nhà, mọi người đem tượng Táo vừa nặn xong ra phơi, mùi đất sét vẫn còn thoang thoảng, thật dễ chịu.

Empty
Những người thợ tỉ mỉ, dành nhiều tâm sức để làm nên những tượng Táo

Những người thợ tỉ mỉ, dành nhiều tâm sức để làm nên những tượng Táo

Hiện nay làng Địa Linh chỉ còn 5 lò làm tượng Táo, trong đó 4 lò là những người anh em trong một gia đình. Tôi ghé vào nhà chị Hằng để xem quá trình làm tượng Táo và có cơ hội trò chuyện với chị để hiểu hơn về làng nghề và công việc này.

Chị Hằng tầm 30 tuổi, đã dành nhiều năm theo nghề làm tượng Táo, chị chia sẻ: “Nhìn thì đơn giản nhưng nghề làm tượng Táo đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn, giá thành bán ra không cao chỉ 5000 đồng/tượng, thế nên giờ hiếm ai nối nghiệp lắm. Mình thì cứ làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi, làm mãi thành quen, không làm có khi lại nhớ”.

Cận cảnh khuôn tượng Táo

Cận cảnh khuôn tượng Táo

Những ngày cuối năm, người làm tượng Táo ở Địa Linh làm việc không ngừng để đảm bảo có hàng phục vụ khách. Trung bình một năm, mỗi gia đình sản xuất khoảng 60.000 tượng Táo và rộn ràng bắt đầu từ tháng Chín âm lịch. Tượng Táo hoàn chỉnh bao gồm hình tượng hai ông Táo và một bà Táo đứng cạnh nhau.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để làm ra một tượng Táo, nghệ nhân phải trải qua quá trình chọn đất và nhồi nặn công phu. Đất làm tượng phải là loại đất sét vàng, được chọn kỹ lưỡng, ít tạp chất. Khuôn đúc làm từ gỗ lim. Sau khi nhào đất, người thợ cho đất sét vàng vào khuôn và ép thật chặt để tượng không biến dạng. Tượng sau khi lấy ra khỏi khuôn được đem phơi nắng đến khi khô mới cho vào lò nung.

Empty
Empty
Empty
Tượng Táo khi đã được tô màu

Tượng Táo khi đã được tô màu

Sắc màu dân gian ở làng tranh Sình

Ngoài nghề làm tượng Táo, mùi Tết còn đậm đặc ở làng Sình, nơi nổi tiếng với sản phẩm tranh phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Tranh Sình là loại tranh được làm bằng giấy dó, loại giấy có đặc tính dai, mỏng, mềm, dễ hút màu. Tranh được in với nhiều kích cỡ khác nhau 25cmx70cm, 25cmx35cm, 25cmx23cm, 25cmx17cm.

Làng Sình cũng có xu hướng thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 6-10 gia đình với hơn 30 công nhân sản xuất tranh chuyên nghiệp và hiện vẫn giữ được những bản khắc gỗ truyền thống. Từ tháng 10 Âm lịch, khi xứ Cố đô rộn ràng chuẩn bị Tết, nghề tranh cũng thu hút được 15-17 gia đình với gần 100 công nhân sản xuất theo hướng bán chuyên nghiệp.

Empty
Góc treo tranh ở nhà bác Kỳ Hữu Phước

Góc treo tranh ở nhà bác Kỳ Hữu Phước

Tôi ghé nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, bác tuổi ngoài 70, lớn lên ở làng Sình và đã tiếp xúc với nghề từ những năm 12 tuổi. Ngày trước, bác còn được các bô lão trong làng gọi là thằng Công, cái tên Công là để nói về công đức, vì bác là người đã giữ gìn mộc bản qua cuộc bài trừ mê tín dị đoan trước đây. Vì thế mà sau này làng mới giữ và khôi phục lại được nghề làm tranh.

Mộc bản tranh tiêu biểu của bác Phước là tranh Bát âm (8 loại nhạc khí cung đình), tranh Ông, tranh Bà. Và một số tranh khác dùng cho mục đích cúng tế. Ngoài ra, để phù hợp với thị hiếu thị trường thì bác đã khắc những mộc bản và in tranh với màu sắc tươi sáng, mô tả đời sống, sinh hoạt và cảnh vật của người dân làng Sình.

Du khách tập làm tranh làng Sình

Du khách tập làm tranh làng Sình

Những tấm bản khắc tranh Sình

Những tấm bản khắc tranh Sình

Các công đoạn làm tranh làng Sình bao gồm chuẩn bị giấy in, in nét và phủ màu. Khi cắt giấy, người thợ dùng dao làm bằng cật tre để các mép giấy xơ ra tự nhiên. Khi in tranh, các nghệ nhân phủ thêm 2-3 lớp bột điệp lên giấy đó, tạo cho giấy vừa cứng xốp vừa có màu sắc lấp lánh.

Tranh làng Sình chỉ có một bản in nét, bởi phần cơ bản của tranh Sình là in nét đen trên giấy mộc, nét thưa, dày khác nhau tùy từng đối tượng miêu tả. Khi in tranh lớn, nghệ nhân thường cố định các bản khắc, quét hồ đan lên mặt ván in sau đó lấy giấy đã phết hồ điệp úp chồng lên rồi dùng miếng xơ mướp xoa đều trên lưng giấy trước khi bóc ra. Tôi chỉ tập làm một tranh nhỏ nên chỉ cần cố định giấy trên mặt phẳng, rồi úp mặt ván đã phết đen ấn đều xuống giấy là được.

Empty
Empty
Empty
Những bản tranh làng Sình nhiều màu sắc

Những bản tranh làng Sình nhiều màu sắc

Sau khi bản in nét khô, tôi được hướng dẫn tô màu. Màu trên tranh Sình không phải ngẫu nhiên vì có nguyên tắc tín ngưỡng, nhưng vẫn có khoảng linh động sáng tạo. Vì thế, các bức tranh không hoàn toàn giống nhau cho dù in trên cùng một ván khắc.

Hiện nay, nhiều công đoạn đã được giản tiện và chịu ảnh hưởng của cách làm tranh hiện đại. Các hóa chất, phẩm màu dần thay thế màu sắc được điều chế từ thiên nhiên bởi sự thiếu hụt nguyên vật liệu tự nhiên và sự cạnh tranh của giá thành.

Thời kỳ cực thịnh, tranh làng Sình còn được sắp thành từng ghe chở đi bán khắp nơi như chợ Sam, chợ Đông Ba, chợ Mai, chợ Sãi, chợ Sòng, chợ Cạn, chợ Phiên (Quảng Trị), chợ Tréo (Quảng Bình)…

Giờ đây, nghề tranh dân gian không thịnh hành như xưa nhưng những ngày giáp Tết, đặt chân đến làng Sình, tôi vẫn cảm nhận được nét văn hóa dân gian đặc trưng, riêng biệt và thật đẹp.

Empty
Empty
Ngày giáp Tết nơi này đông đúc và tất bật hơn nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, thanh bình vốn có

Ngày giáp Tết nơi này đông đúc và tất bật hơn nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, thanh bình vốn có

Nâu - Ảnh: Trần Quang Thành
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES