“Quê hương ta bánh đa, bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt" - câu hát trong ca khúc Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương như khắc họa phần nào hình ảnh của thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, tỉnh Thái Bình xưa. Nay thuộc xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên, Dụ Đại là làng nghề làm bánh đa truyền thống đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.
Là người con của đất Thái Bình cũ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cung đã trở lại làng Dụ Đại trong một buổi sáng mùa hè. Ống kính của anh ghi lại từng nhịp đời rộn rã nơi làng nghề, nơi ánh nắng đầu ngày rọi qua những giàn phơi bánh, nơi mỗi miếng bánh như một tấm bản đồ nhỏ, khắc họa đời sống của một vùng quê.



Những con đường phủ đầy phên bánh đa ở làng Dụ Đại
Hồn cốt từ bột gạo và bếp lửa
Làng Dụ Đại bắt đầu làm bánh đa từ những năm 1960, ban đầu chỉ sản xuất theo hình thức nhỏ, phục vụ trong gia đình hoặc những phiên chợ quê. Theo thời gian, nhu cầu về nguồn cung tăng dần, nhiều hộ dân đã gắn bó lâu dài và mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, toàn xã có 141 hộ làm nghề, riêng thôn Dụ Đại có tới 53 dây chuyền hoạt động thường xuyên, trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của nghề truyền thống miền Bắc vẫn giữ được nhịp nghề bền bỉ.



Làng bánh đa Dụ Đại là một trong những làng nghề hiếm hoi ở Bắc Bộ vẫn giữ được nhịp nghề bền bỉ
Trong dòng chảy chuyển dịch công nghệ của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, máy móc hiện đại đã can thiệp vào một số công đoạn như tráng, sấy, đóng gói, nhưng phần hồn của nghề vẫn nằm ở bàn tay con người.
Bánh được làm thủ công từ gạo thơm, ngâm ngấu, xay bằng cối đá, tráng mỏng rồi phơi khô dưới nắng. Sau đó, người thợ ép mỏng thêm một lần nữa và thái thành sợi nhỏ khoảng 0,3 cm. Những chiếc bánh làm từ gạo nguyên chất, không phụ gia, không phẩm màu, nướng bằng than củi, mang mùi thơm gợi nhớ những gian bếp xưa. Chính sự giản dị ấy tạo nên bản sắc riêng không thể thay thế của bánh đa Dụ Đại.

Ngày nay, mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc công nghệ hiện đại, những công đoạn tạo nên hồn cốt của bánh đa Dụ Đại vẫn nằm ở bàn tay con người



Hương vị gắn liền với tuổi thơ
Bánh đa Dụ Đại là nguyên liệu không thể thiếu trong món canh cá Quỳnh Côi nức tiếng Thái Bình xưa. Sợi bánh khi nấu chuyển từ trắng trong sang trắng muốt, vừa mềm dai vừa giòn nhẹ, giữ được độ dai mà không bị nhũn hay đứt khi ăn. Khi được chan vào bát canh cá rô đồng với nước dùng được ninh kỹ từ xương, bánh đa hút trọn vị ngọt thanh và hương gạo quê, tạo nên sự hòa quyện tuyệt đối giữa vị của thịt cá, nước dùng và bánh đa, giúp món ăn thêm đậm đà và mang nét riêng không thể lẫn vào đâu được, NAG Nguyễn Trọng Cung mô tả.
Bánh đa Dụ Đại không chỉ là nguyên liệu chế biến mà còn là niềm tự hào nghề truyền thống bao đời của người dân Đông Hải, Quỳnh Phụ cũ. “Mỗi sợi bánh tuy mỏng manh nhưng chứa đựng tâm huyết, ký ức và hương vị quê lúa, góp phần giữ cho hồn canh cá Quỳnh Côi luôn nguyên bản và sống mãi với thời gian”, anh Cung chia sẻ.

Sợi bánh đa Dụ Đại góp phần tạo nên hương vị của đặc sản canh cá Quỳnh Côi


Buổi sáng ở Dụ Đại là lúc làng nghề hiện lên rõ nét nhất. Từ những con ngõ nhỏ, mùi bột gạo thơm thoảng nhẹ, tiếng máy xay rì rầm trở thành âm thanh quen thuộc lúc đầu ngày. Bên bờ rào, những phên bánh mới tráng được phơi nghiêng, xếp thẳng tắp đón nắng.
Đây là nơi trẻ con lớn lên bên giàn phơi bánh, người già vẫn tráng bánh đều tay, và những người phụ nữ trung niên trở thành trụ cột gìn giữ nhịp nghề qua từng công đoạn. Mỗi mái nhà là một điểm tựa, nơi bánh không chỉ được làm ra, mà còn được truyền lại.




Những miếng bánh đa trắng thơm mùi gạo gắn liền với ký ức tuổi thơ của người dân thôn Dụ Đại
Ký ức về những mùa vụ rộn ràng
Cũng như lúa ngoài đồng có mùa gặt, nghề bánh đa cũng có mùa vụ riêng. Những tháng cuối năm là thời điểm Dụ Đại vào vụ lớn, khi đơn hàng từ các tỉnh, thành đổ về phục vụ dịp Tết. Cả làng như hòa chung vào một guồng quay bên những cối xay phủ trắng bột gạo, chiếc bếp lò đỏ lửa, sân nhà phơi đầy những mẻ bánh mới. “Vào làng xem các cô chú làm bánh mới thấy sự vất vả, nhọc nhằn của người lao động thủ công thuần túy”, anh Cung cho biết.
Đó không chỉ là mùa của tiền bạc, mà còn là mùa ký ức - thời điểm mỗi người nhớ lại tết xưa bên bếp bánh, những chuyến xe chở đầy hàng đi xa, và những ngày hội làng khi bánh đa được coi như món quà quê mang ra chợ lớn.



Làm bánh đa cũng có mùa vụ như làm ruộng, cuối năm là thời điểm cả thôn cùng tất bật làm bánh
Dù đối mặt với áp lực từ công nghệ, lao động trẻ rời làng hay thị hiếu tiêu dùng thay đổi, nghề làm bánh đa ở Dụ Đại vẫn giữ được chỗ đứng. Không ít hộ đã mạnh dạn đầu tư máy sấy, lò điện hiện đại để sản xuất quanh năm, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường. Một số cơ sở đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee) và tiêu thụ tại các siêu thị, hội chợ tiêu dùng. Thương hiệu bánh đa Quỳnh Côi của Dụ Đại cũng đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao từ 2020 và được đầu tư, chú trọng trong việc cải tiến bao bì, quảng bá thương hiệu.
Từ làng nghề đến không gian trải nghiệm
Không chỉ sản xuất, Dụ Đại ngày nay còn mở lòng với du khách bằng những hoạt động trải nghiệm làm bánh đa. Du khách có thể ngâm gạo, tráng bánh, phơi và sấy bánh ngay tại chỗ. Đây vốn là những công đoạn vốn quen thuộc với dân làng, nhưng với người thành thị lại là điều mới lạ và hấp dẫn.
Chính sự dân giã của làng quê ấy lại là lợi thế. Không cần sân phơi "check-in" rực rỡ, không cần khu du lịch sinh thái hoành tráng, Dụ Đại vẫn níu được người đến bằng mùi thơm của bánh mới nướng, bằng câu chuyện của người thợ làng nghề, bằng không khí lao động lặng lẽ mà gắn kết.



Không cần sân check in rực rỡ, sức hấp dẫn của làng nghề bánh đa Dụ Đại đến từ sự mộc mạc, chân quê và sự gắn bó với nghề trong thầm lặng của người dân làng
Với vị trí không xa trung tâm huyện Quỳnh Phụ cũ và gần các điểm đến tâm linh như chùa Keo, đền Đồng Bằng, Dụ Đại có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch kết hợp làng nghề trong các tour ngắn ngày. Nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một trạm dừng đầy cảm xúc cho những ai muốn hiểu sâu hơn về đời sống nông thôn Bắc Bộ, không chỉ qua ống kính, mà bằng cả khứu giác, vị giác và sự chạm tay trực tiếp vào nhịp sống làm nghề.


Nguyễn Trọng Cung đã chọn Dụ Đại để kể lại một phần ký ức vùng quê Thái Bình cũ. Nhưng có lẽ, mỗi người đến đây, dù có cầm máy ảnh hay không, cũng đều có thể giữ lại cho mình một lát ký ức: đó là khi ánh nắng rọi qua những phên bánh còn thơm, là tiếng cười của người thợ già bên lò than đỏ lửa, là mùi gạo mới bay lên trong không gian nồng ấm. Một lát cắt rất nhỏ, nhưng đủ để người ta nhớ mãi về một làng quê chưa bao giờ thôi đỏ lửa giữ nghề.