Múa rối cạn Tế Tiêu, được hình thành và phát triển từ tín ngưỡng tâm linh của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, là một di sản văn hóa độc đáo kết tinh từ tài năng và sự tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ nhân. Xuất phát từ tục thiêng và quan niệm vạn vật hữu linh, loại hình nghệ thuật này đã vượt qua thời gian, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Khác với múa rối nước, múa rối cạn diễn trên sân khấu khô và lưu giữ hơn 100 tích trò đặc sắc như Thánh Gióng đánh giặc Ân, Thoát Hoan chui ống đồng, hay Thạch Sanh chém trăn tinh.
Một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của múa rối cạn là các con rối được chạm khắc tinh xảo và đầy màu sắc. Để tạo ra những con rối, nghệ nhân thường chọn gỗ xoan hoặc gỗ sung – loại gỗ nhẹ, bền, dễ điêu khắc và không bị nứt nẻ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, trưởng phường rối cạn cổ Tế Tiêu, cho biết: “Để làm ra những con rối, những nghệ nhân Tế Tiểu thường chọn gỗ xoan, gỗ sung. Đây là loại gỗ nhẹ, thuận tiện khi biểu diễn cầm tay. Gỗ sung, xoan cũng không bị nứt nẻ, rất dễ kiếm ở nông thôn”.
Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong các buổi biểu diễn múa rối cạn. Sân khấu rối cạn sử dụng nhạc cụ dân tộc như trống, não bạt, đàn tam, sáo, đàn bầu để giữ nhịp cho các động tác và khuấy động không khí. Những làn điệu dân ca, hát chèo, hát văn kết hợp với lời thoại hóm hỉnh, duyên dáng đã làm nên sức sống và sức hút của loại hình nghệ thuật này.
Tại triển lãm, những con rối cạn của phường rối Tế Tiêu được trưng bày nổi bật với các chi tiết chạm khắc tinh tế. Mỗi con rối, từ nhân vật Thạch Sanh với dáng vẻ mạnh mẽ, gương mặt rắn rỏi, đến Lý Thông với nét mặt mưu mô, gian xảo, đều toát lên cá tính riêng biệt. Nhìn vào những con rối du khách có thể cảm nhận được sự công phu, tỉ mỉ trong từng đường nét chạm khắc, từ những bộ trang phục nhiều màu sắc đến đôi mắt như biết cười.
Đặc biệt, con rối đại diện cho vị tướng với bộ giáp lộng lẫy và gương mặt dữ tợn gây ấn tượng mạnh mẽ với những chi tiết đặc tả cầu kỳ như bộ râu dài hay ánh mắt kiên nghị đã thổi hồn vào tác phẩm, khiến mọi người tham quan gần như cảm nhận được tinh thần mạnh mẽ và ý chí bất khuất mà nhân vật này đại diện. Từng con rối đều như đang kể lại câu chuyện của mình, nhắc nhở về những câu chuyện lịch sử, thần thoại đã gắn bó với bao thế hệ người Việt.
Là loại hình nghệ thuật dân gian đã tồn tại qua nhiều thế hệ, từ những ngày xưa chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội làng quê, sự hiện diện của múa rối cạn trong tuần lễ văn hóa làng lụa Vạn Phúc là một minh chứng rõ ràng rằng, những giá trị truyền thống vẫn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống hiện đại. Không gian trưng bày triển lãm đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng: những con rối và tích trò không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là một phần của đời sống tâm linh và văn hóa cộng đồng.
Trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật hiện đại đang lên ngôi, việc tiếp tục bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này không chỉ để giới thiệu với du khách tham quan mà còn để nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Những con rối, dù tĩnh lặng trên giá trưng bày, vẫn như đang nói lên tinh thần kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào những giá trị tốt đẹp mà nghệ thuật dân gian Việt Nam đại diện. Đến với triển lãm Mộc Họa Dân gian, mọi người không chỉ được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà còn được cảm nhận rõ hơn về sự sống động của một di sản, về cách mà những câu chuyện cổ xưa vẫn có thể tiếp tục truyền cảm hứng trong đời sống ngày nay. Đây là những chứng nhân của thời gian, là "lời nhắn gửi" từ cha ông về việc trân trọng và gìn giữ những điều tốt đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy hiện đại.
Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh khác: