Về chùa Thầy, lắng nghe hoa gạo kể chuyện giao mùa

31/03/2025

Những ngày này, hoa gạo nở rực bên mái chùa cổ, thả từng cánh đỏ xuống hồ Long Trì tĩnh lặng. Chùa Thầy lúc này không chỉ là chốn linh thiêng mà còn là bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc, nơi những người lữ khách tìm đến để gom về những khoảnh khắc bình yên.

Tháng Ba, khi những cơn mưa xuân vừa tạnh, những bông hoa gạo bắt đầu nở rộ, nhuộm sắc đỏ rực rỡ lên bầu trời và mặt nước. Ở chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội), một trong những ngôi chùa cổ kính bậc nhất miền Bắc, cây hoa gạo nơi đây không chỉ làm say lòng những người yêu nhiếp ảnh mà còn tạo nên một không gian đầy thiêng liêng, hòa quyện giữa thiên nhiên và tâm linh.

Bài liên quan
Những cánh hoa đỏ thắm như những ngọn lửa nhỏ giữa trời

Những cánh hoa đỏ thắm như những ngọn lửa nhỏ giữa trời

Lê Tuấn, một sinh viên đam mê nhiếp ảnh thiên nhiên, đã tìm đến chùa Thầy vào một buổi chiều tháng Ba để ghi lại vẻ đẹp của mùa hoa gạo. "Lý do mà mình đến chùa Thầy chụp ảnh hoa gạo là vì muốn chụp lại bộ ảnh về các loài hoa đang nở trong tháng Ba. Mình đã chụp hoa sưa, hoa ban trắng và tiếp theo là hoa gạo. Mình tình cờ thấy được video cây hoa gạo ở chùa Thầy trên mạng xã hội và ngay lập tức muốn chụp lại vẻ đẹp của hoa gạo trong một không gian cổ kính và linh thiêng như vậy", Tuấn chia sẻ.

Bước chân vào khuôn viên chùa, hình ảnh cây hoa gạo hiện ra như một điểm nhấn rực rỡ giữa bức tranh trầm mặc của chốn thiền môn. Tuấn nói: "Điều làm mình ấn tượng là cây hoa gạo nổi bật hơn tất cả với những bông hoa đỏ rực được ánh nắng chiều chiếu vào, một khung cảnh mà những người mê chụp ảnh như mình luôn khao khát được ghi lại". Quả thực, hoa gạo nở không chỉ làm đẹp cho cảnh quan mà còn gợi lên những hoài niệm, cảm giác bình yên và gắn bó với làng quê Bắc Bộ.

Hoa gạo nở không chỉ làm đẹp cho cảnh quan mà còn gợi lên những hoài niệm, cảm giác bình yên và gắn bó với làng quê Bắc Bộ

Hoa gạo nở không chỉ làm đẹp cho cảnh quan mà còn gợi lên những hoài niệm, cảm giác bình yên và gắn bó với làng quê Bắc Bộ

Chùa Thầy, nơi gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo bao gồm cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên vắt ngang hồ Long Trì, cùng những mái ngói cổ kính rêu phong. Cây hoa gạo trồng trong khuôn viên chùa dường như đã trở thành một phần không thể thiếu của cảnh sắc nơi đây. "Cây được trồng ở trong khuôn viên chùa Thầy, một bên là hồ nước, một bên là núi, bên cạnh là những mái ngói cổ kính. Một khung cảnh tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa", Tuấn nhận xét.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những cành hoa gạo tạo điểm nhấn đầy ấn tượng cho ngôi chùa cổ

Những cành hoa gạo tạo điểm nhấn đầy ấn tượng cho ngôi chùa cổ

Cầu Nhật Tiên soi bóng dưới làn nước trong veo, hòa cùng sắc đỏ hoa gạo bên chùa Thầy

Cầu Nhật Tiên soi bóng dưới làn nước trong veo, hòa cùng sắc đỏ hoa gạo bên chùa Thầy

Buổi chiều hôm ấy, ánh nắng từ từ rút xuống sau dãy núi, nhuộm vàng lên những bông hoa gạo. Tuấn không giấu được niềm phấn khích khi kịp bắt trọn khoảnh khắc thiên nhiên giao hòa cùng không gian tâm linh. "Mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi có thể chụp lại khoảnh khắc những bông hoa gạo rực rỡ trong ánh nắng chiều. Cứ từng phút trôi qua, mặt trời lại xuống dần sau núi, mình đã chạy quanh hồ để kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày", anh bày tỏ.

Không chỉ là nơi ngắm hoa, chùa Thầy còn mang đến một không gian sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân địa phương. Chiều đến, người dân xung quanh chùa ra đây hóng mát, tập thể dục, uống trà ăn bánh, ngắm nhìn cây hoa gạo đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Một khung cảnh thật sự yên bình, nhẹ nhàng. Giữa nhịp sống hối hả của đô thị, tìm đến chùa Thầy vào mùa hoa gạo như một cách để lắng lại, để cảm nhận sự giao thoa giữa thiên nhiên và tâm hồn.

Empty
Empty
Giữa nhịp sống hối hả của đô thị, tìm đến chùa Thầy vào mùa hoa gạo như một cách để lắng lại, để cảm nhận sự giao thoa giữa thiên nhiên và tâm hồn

Giữa nhịp sống hối hả của đô thị, tìm đến chùa Thầy vào mùa hoa gạo như một cách để lắng lại, để cảm nhận sự giao thoa giữa thiên nhiên và tâm hồn

Với Tuấn, vẻ đẹp của hoa gạo và không gian cổ kính của chùa Thầy có một sự kết nối đặc biệt. Chàng trai chia sẻ: "Hoa gạo đại diện cho sự sống và tái sinh, trong khi chùa Thầy đại diện cho sự linh thiêng và văn hóa. Sự kết hợp này tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa. Mình cảm thấy như đang được kết nối với một phần của lịch sử và văn hóa nơi đây".

Mùa hoa gạo dù chỉ kéo dài vài tuần ngắn ngủi, nhưng lại là thời điểm đẹp nhất để du khách tìm đến chùa Thầy. "Cây hoa gạo đỏ rực đã khiến cho ngôi chùa trở nên đẹp hơn, sinh động hơn. Những khung cảnh đẹp đẽ này giúp chùa Thầy được nhiều du khách biết đến hơn. Hôm mình đi cũng có rất nhiều người đến để có thể ngắm nhìn, chụp ảnh hoa gạo và chùa Thầy. Đây thực sự là dịp để thúc đẩy phát triển về du lịch văn hóa ở ngôi chùa này", Tuấn nói.

Cận cảnh những bông hoa gạo rực lửa, làm bừng sáng không gian thanh tịnh của chùa Thầy

Cận cảnh những bông hoa gạo rực lửa, làm bừng sáng không gian thanh tịnh của chùa Thầy

Dưới gốc hoa gạo trăm năm, những vị khách lặng lẽ ngắm cảnh và tìm về sự bình yên

Dưới gốc hoa gạo trăm năm, những vị khách lặng lẽ ngắm cảnh và tìm về sự bình yên

Có lẽ, giữa tháng Ba, khi hoa gạo nở, người ta không chỉ đến chùa Thầy để vãn cảnh hay chiêm bái mà còn để tìm cho mình một khoảng lặng trong tâm hồn. Giữa sắc đỏ rực của hoa gạo, giữa hồ nước, núi non và mái chùa cổ kính, lòng người bỗng nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn. Và có lẽ, đó chính là điều đẹp nhất mà mùa hoa gạo chùa Thầy mang lại.

Hà Mai Trinh - Ảnh: NVCC
RELATED ARTICLES