Bát Tràng dường như là cái tên quen thuộc với những ai yêu thích gốm sứ và muốn tìm hiểu về một làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam. Đến với Bát Tràng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm tinh xảo mà còn có cơ hội tự tay tạo nên những tác phẩm độc đáo của riêng mình.
Cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 15 km, làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với sản phẩm gốm sứ tinh xảo mà còn là nơi lưu giữ nghệ thuật truyền thống có từ hàng trăm năm qua. Một trong những điểm đặc sắc nhất khi tham gia nặn gốm ở Bát Tràng là bạn sẽ được tự tay tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo. Từ việc nặn đất sét đến việc trang trí, mỗi bước đều mang lại cho bạn cảm giác hào hứng và tò mò.
Tại sân nặn gốm, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn chi tiết cách sử dụng đất sét và thao tác với bàn xoay. Sau khi hoàn thành, tác phẩm của bạn sẽ được đem đi nung đốt, tráng men để mang về. Tất cả những quy trình này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề làm gốm truyền thống và văn hóa đặc trưng của Bát Tràng.
Anh Lương Mạnh Hải, quản lý khu nặn gốm tại lò bầu cho biết: "Sẽ có 2 gói nặn gốm cho du khách lựa chọn. Nếu chọn gói 50.000 đồng sẽ chỉ nặn gốm tại đây nhưng không được sử dụng màu và mang sản phẩm về. Còn gói 100.000 đồng sẽ bao gồm tô màu, nung, tráng men và sau cùng bạn được mang sản phẩm của mình về nếu bạn muốn".
Thời điểm cuối tuần, đông đảo các bạn trẻ và gia đình có con nhỏ hội tụ về đây. Vừa có cơ hội chiêm ngưỡng lò bầu cổ cuối cùng còn sót lại, vừa có thể tự do sáng tạo trong không gian đầy cảm hứng.
Nặn gốm không chỉ là một hoạt động sáng tạo mà còn là hành trình khám phá văn hóa. Bát Tràng có một lịch sử phong phú với nghề gốm, việc tìm hiểu về nguồn gốc, các truyền thuyết liên quan đến làng nghề sẽ giúp bạn cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị văn hóa của sản phẩm gốm. Những câu chuyện từ các nghệ nhân sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn mới về nghệ thuật này.
Vị trí nặn gốm thường được bài trí trong những xưởng gốm đầy màu sắc hoặc nhà dân, với những tác phẩm gốm được trưng bày xung quanh. Không gian này không chỉ tạo cảm hứng cho bạn mà còn là nơi lý tưởng để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Ngoài các điểm đến như chợ Bát Tràng, Bảo tàng gốm Bát Tràng... một nơi độc đáo và thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi ghé nơi đây là lò bầu cổ cuối cùng còn tồn tại với 5 bầu nung có tuổi đời gần 1 thế kỷ. Trước đây, lò bầu này được sử dụng để nung đốt gốm theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay, người dân Bát Tràng đã chuyển sang sử dụng các kỹ thuật nung hiện đại hơn để bảo vệ môi trường, vì vậy lò bầu cổ này không còn được sử dụng mà chỉ giữ lại để du khách tham quan.
Khi tới đây, du khách có thể bước vào trong bầu nung này để chiêm ngưỡng cách sắp đặt các bình nung trước kia. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy lớp gạch phía trong lò được phủ 1 lớp tráng men đẹp mắt sau gần 100 năm hoạt động.
Lò bầu là một trong những biểu tượng đặc trưng của làng gốm Bát Tràng. Đây là loại lò nung gốm cổ truyền sử dụng củi làm nhiên liệu, có cấu trúc đặc biệt với nhiều bầu lò nối tiếp nhau. Nhìn từ xa, lò có hình dáng như năm mảnh vỏ sò được úp chồng lên nhau.
Theo người dân Bát Tràng kể lại, để chịu được nhiệt độ có thể lên tới 1.300 độ C mỗi khi nổi lửa, nguyên liệu xây dựng lò phải là loại gạch bền, chịu được nhiệt. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, số lượng lò bầu ngày càng giảm và tại Bát Tràng hiện chỉ còn một lò bầu cổ duy nhất. Đến lò bầu cổ, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, nặn gốm và mua các sản phẩm lưu niệm.
Với bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo, những nghệ nhân Bát Tràng đã tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm dấu ấn của làng nghề truyền thống. Từ những chiếc bát đĩa đơn giản đến những bức tượng tinh xảo, mỗi sản phẩm đều là một câu chuyện, một phần hồn của người nghệ nhân. Đến với Bát Tràng, bạn không chỉ được trải nghiệm làm gốm mà còn có cơ hội khám phá một kho tàng văn hóa phong phú, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện.