Vẻ đẹp của ngôi làng cổ được chọn làm bối cảnh phim "Cám"

19/09/2024

Làng cổ Phước Tích nằm cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc, bên dòng sông Ô Lâu thanh bình, nơi cảnh sắc tự nhiên và kiến trúc hòa quyện tạo nên không gian thanh tĩnh, tách biệt với nhịp sống hối hả ngoài kia.

Làng cổ Phước Tích gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý khi được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim "Cám", một phiên bản kinh dị của truyện cổ tích Tấm Cám. Đạo diễn Trần Hữu Tấn và đoàn làm phim đã lựa chọn làng Phước Tích để ghi hình nhờ vào vẻ đẹp cổ kính, nét kiến trúc độc đáo và không gian yên bình nơi đây.

Bài liên quan

Phước Tích, ngôi làng cổ thứ hai được công nhận là di sản cấp quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), có lịch sử từ thế kỷ XV, được thành lập dưới thời vua Lê Thánh Tông năm 1479. Làng nằm cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc, bên dòng Ô Lâu thanh bình, nơi cảnh sắc tự nhiên và kiến trúc hòa quyện tạo nên không gian tách biệt với nhịp sống hối hả ngoài kia.

Nét đẹp rất Huế ở làng cổ Phước Tích

Nét đẹp rất Huế ở làng cổ Phước Tích

Kiến trúc độc đáo của làng Phước Tích chính là những ngôi nhà rường bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo. Nhà thường theo kiểu ba gian hai chái, thiết kế truyền thống của Việt Nam ta trước đây. Điểm đặc biệt là mỗi căn nhà đều có khu vườn rộng rãi bao quanh, ngăn cách bởi những hàng chè xanh thẳng tắp. Quy hoạch thông minh và cẩn thận trong kiến trúc giúp giữ cho ngôi làng luôn xanh mát và tươi mới, dù đã tồn tại hàng trăm năm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Kiến trúc nhà rường 3 gian 2 trái đặc trưng

Kiến trúc nhà rường 3 gian 2 trái đặc trưng

Một trong những biểu tượng đặc trưng của làng Phước Tích là cây thị cổ thụ hơn 600 năm tuổi. Trải qua hàng trăm năm, cây thị cổ thụ vẫn tỏa bóng mát um tùm và tỏa hương thơm ngát. Người dân làng Phước Tích kể rằng, vào mùa gió Nam (gió phơn mùa hạ), những trái thị chín vàng sẽ theo gió rơi xuống sân miếu. Ai muốn nhặt quả về nhà phải vào miếu xin phép Bà. Mỗi mùa, cây chỉ rụng chưa đến chục trái, vì thế người dân làng rất quý trọng. Thay vì ăn, họ cung kính đặt quả lên bàn thờ, cầu mong sự che chở từ thần miếu, thần cây.

Cây thị hơn 600 tuổi chứng kiến biết bao thăng trầm của làng

Cây thị hơn 600 tuổi chứng kiến biết bao thăng trầm của làng

Phước Tích là nơi lưu giữ nghề gốm truyền thống đã tồn tại từ hơn 500 năm trước. Nghề gốm Phước Tích đặc trưng bởi kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm có độ bền cao, bóng mịn và tinh xảo. Các sản phẩm gốm Phước Tích từ xưa đã từng được dùng để dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Nghề gốm không chỉ là mang lại thu nhập cho người dân nơi đây mà còn là minh chứng cho sức sáng tạo bền bỉ và sự kiên trì gìn giữ nghề truyền thống qua các thế hệ.

Nghề làm gốm ở Phước Tích

Nghề làm gốm ở Phước Tích

Vẻ đẹp thiên nhiên của Phước Tích còn được tô điểm bởi dòng sông Ô Lâu bao quanh làng. Bắt nguồn từ đỉnh núi cao vút trên 905m, sông uốn mình quanh co giữa dãy Trường Sơn rồi xuôi về Vân Trình, chảy ra phá Tam Giang, ghé qua cửa Lác và ra biển Đông. Ô Lâu không chỉ mang lại nguồn nước trong lành, tươi mát mà mặt nước trong vắt, dòng chảy êm đềm đầy thơ mộng của con sông còn làm say lòng bao du khách.

"Trăm năm còn lỗi hẹn hò/ Cây đa bến nước con đò khác xưa/ Con đò đã thác năm xưa/ Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người"

Dịch vụ du lịch tại Phước Tích khá đa dạng, từ việc tham quan nhà rường cổ, trải nghiệm làm gốm, thưởng thức ẩm thực truyền thống đến việc dạo quanh làng bằng xe đạp. Với giá thuê 20.000 VND cho một chiếc xe đạp, du khách có thể tự do khám phá từng ngõ ngách của ngôi làng, hoặc trả thêm 50.000 VND để vào tham quan các nhà vườn.

Với những lợi thế về lịch sử, văn hóa, và thiên nhiên, làng cổ Phước Tích có tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững. Sự xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh như "Cám" chắc chắn sẽ giúp làng trở nên nổi tiếng hơn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, để phát triển du lịch mà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, gần gũi, việc bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng.

Thảo Hán - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES