Với vị trí nằm không quá xa thủ phủ Amsterdam, làng Zaanse Schans gần như là sự lựa chọn số một cho những du khách đang tìm kiếm một khoảng lặng để trốn tránh sự ồn ào và náo nhiệt của thành phố, cũng như tìm hiểu thêm về những giá trị truyền thống và văn hóa đầy màu sắc tại Hà Lan.
Ngôi làng “chở” gió xứ Hà Lan
Vì địa hình thấp, đất nước Hà Lan phải đối mặt với các nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng suốt chiều dài lịch sử. Để chống lại lũ lụt, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống thủy lợi như đê biển, trạm bơm… Trong đó, cối xay gió đóng vai trò quan trọng trong việc guồng nước đổ ra sông, ra biển.
Tên của làng xuất phát từ tổng đốc Diederil Sonoy dưới thời Guillaume d’Orange, ông đã cho xây dựng ngôi làng để phục vụ cho cuộc chiến chống Tây Ban Nha. Sau này, trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1974, nhiều ngôi nhà đã được sửa sang lại, kể cả các cối xay gió, để làm điểm tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Khung cảnh thôn quê của làng Zaanse Schans đã làm say lòng bao du khách. Làng có những con đường mòn đầy hoa dại, những cây cầu gỗ bắc qua sông, thấp thoáng đây đó là những ngôi nhà cổ màu xanh lá cây đặc trưng của người dân địa phương. Trên đồng cỏ xanh bát ngát là những đàn bò và cừu đang thong dong gặm cỏ.
Nép mình bên bờ sông Zaan, ngôi làng là nơi bảo tồn những chiếc cối xay gió cổ kính mà du khách đã có thể thấy từ xa. Hiện nay, làng có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là 6 chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây.
Những chiếc cối xay gió có tuổi đời lên đến hơn 300 năm, được xây dựng từ thế kỷ 17, 18. Ngoài ra ở đây còn có xưởng cưa, xưởng dầu…Vì thế, Zaanse Schans cũng được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Hà Lan với lối kiến trúc đặc trưng của “đất nước hoa Tulip”.
Ở ngôi làng cối xay gió này, du khách có thể tham quan bên trong De Kat - cối xay sản xuất bột màu duy nhất còn hoạt động kể từ đầu những năm 1900, bản sao của cối xay gió cắt gỗ Het Jonge Schaap xây từ năm 2005 (bản gốc ra đời từ năm 1680 đã bị phá hủy vào năm 1942).
Zaanse Schans còn mang nét quyến rũ bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình đậm chất Hà Lan. Ngôi làng có những con đường mòn đầy hoa dại, kênh đào và các cây cầu nhỏ sặc sỡ bắc ngang sông. Xa xa, trên cánh đồng cỏ bát ngát, từng đàn bò, đàn cừu thong dong gặm cỏ. Món quà thị giác chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn khi dạo bộ hoặc đạp xe.
Những ngôi nhà truyền thống màu xanh lá với khung cửa sổ trắng tựa như từng ốc đảo nối đuôi nhau cũng đẹp ngỡ ngàng. Ít ai biết rằng màu sơn này giúp tăng khả năng chống chịu của tổ ấm theo thời gian.
Ghé thăm xưởng sản xuất guốc gỗ ở làng cổ Zaanse Schans
Đến thăm làng Zaanse Schans, đi dọc bờ sông Zaan du khách sẽ đến khu vực sản xuất guốc gỗ truyền thống của Hà Lan. Gây ấn tượng với đôi guốc gỗ (clog) đồ sộ đặt ngay cổng chào, càng đi sâu vào khu trưng bày, càng mãn nhãn trước những “clog” rực rỡ với đường nét chạm trổ công phu. Đây có lẽ là nơi duy nhất để ngắm nhìn những đôi “guốc” trượt patin cổ điển của những năm 70.
Guốc gỗ được coi là một trong những biểu tượng của Hà Lan, đi cùng với bộ trang phục truyền thống váy nhiều tầng hoặc quần ống rộng. Hà Lan là nước thấp hơn mực nước biển, mùa đông giá rét và độ ẩm cao, ngày xưa nông dân không thể mua nổi giày vải đã nảy ra ý tưởng khoét rộng miếng gỗ, tạo thành một chiếc guốc chắc chắn có mũi vểnh lên như mũi thuyền.
Gỗ được chọn để đóng guốc thường là dương tía, liễu hay tần bì… Trong lòng guốc thêm rơm sẽ giúp bàn chân vừa êm vừa ấm áp. Ở nhiều gia đình nông dân Hà Lan ngày nay vẫn có những giá để guốc gỗ ngoài cửa. Mặc dù ngành công nghiệp da giày ở Hà Lan hiện nay đã phát triển song nhiều người nông dân và ngư dân vẫn giữ thói quen đi guốc gỗ.
Bảo tàng guốc gỗ nhỏ ở làng Zaanse Schans sở hữu một bộ sưu tập guốc gỗ rất độc đáo với đủ kiểu, đủ màu bày từ ngoài cửa đến bên trong gian bảo tàng. Tại đây người thợ thủ công sẽ trực tiếp làm ra những chiếc guốc gỗ cho du khách chiêm ngưỡng. Guốc gỗ ban đầu để mộc, sau đó được sơn, vẽ hay khắc hoa văn để tăng giá trị thẩm mỹ. Đôi guốc khắc hoa văn đi vào phong tục tập quán cổ của Hà Lan khi được chú rể chọn làm quà tặng cô dâu.
Ngôi làng mở cửa miễn phí những các địa điểm trong làng có thể sẽ tốn phí và vé trọn gói một ngày là 23,5 euro gồm: Bên trong cối xay gió, bảo tàng Zaanse Museum, xưởng sản xuất giày gỗ, nhà máy phô mai, nhà máy bánh quy và chocolate Verkade, xưởng đúc pewter… Bạn cần lưu ý nên cư xử đúng mực, giữ trật tự, không chụp hình quay phim ở những nơi có biển cấm hoặc khi chưa xin phép người dân, cơ quan chức năng.
Dường như có một Hà Lan thu nhỏ tại Zaanse Schans. Ngôi làng hội tụ đủ những biểu tượng truyền thống, văn hóa và nghề thủ công quốc gia. Nếu đến đúng mùa, còn có thể cảm nhận hương cacao từ các cánh đồng bay phảng phất trong gió. Nhiều hộ gia đình với nghề làm socola từ cacao nguyên chất, sẽ cho phép du khách trải nghiệm tự pha chế thức uống. Zaanse Schans quả thật là chốn dừng chân thú vị cho một chuyến rong chơi Hà Lan.