Cách Hà Nội 44 km, làng cổ Đường Lâm chính là sự lựa chọn lý tưởng dành cho du khách đang tìm kiếm một vùng quê yên bình rời xa khói bụi ồn ào của thành phố. Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà đậm chất kiến trúc xưa với những con đường gạch, bức tường đá ong cùng nét văn hóa của làng quê vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, đây còn là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”.
Hiện nay, ngoài việc ghé thăm làng cổ Đường Lâm để tìm hiểu về giá trị lịch sử, du khách còn có thể tham gia các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, workshop để cảm nhận văn hoá truyền thống xứ Đoài. Đến làng cổ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những tác phẩm ấn tượng đầy sắc màu làm trên nền những viên gạch, viên ngói hay chiếc cửa gỗ sáng tác dựa trên văn hóa Đường Lâm, văn hóa xứ Đoài.
Đoài Creative nằm ở số 7 đường Làng Cổ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Mô hình được xây dựng dựa trên ý tưởng muốn tạo ra một không gian sáng tạo cho du khách, đặc biệt là trẻ em, du khách quốc tế để trải nghiệm những nghề thủ công, giá trị văn hóa truyền thống của Sơn Tây và hướng tới của các làng nghề khác trên địa bàn thành phố.
Anh Khuất Văn Thắng - người sáng lập Đoài Creative chia sẻ: “Vốn là người con sinh ra tại Thủ đô Hà Nội, thế nhưng cơ duyên giúp tôi tìm đến mảnh đất Đường Lâm và đem lòng yêu quý những giá trị nơi đây. Với tôi, Đường Lâm mang đậm nét truyền thống của người Việt, đó là sự giao thoa, hợp nhất của cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Chất nghệ sĩ và tình yêu văn hóa mãnh liệt, cũng như cách tôi cảm nhận về một Đường Lâm yên bình, thân thuộc đã khiến tôi định cư ngay tại mảnh đất này. Càng yêu mảnh đất nơi đây, tôi càng trân trọng những giá trị văn hóa nghệ thuật quý giá đang dần bị mai một. Đó cũng là lúc Đoài Creative ra đời với sứ mệnh tái sinh và phát triển các giá trị văn hóa tại Đường Lâm, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật sáng tạo”.
Ngay khi bước đến Đường Lâm, du khách sẽ có cơ hội tìm về một không gian văn hóa nghệ thuật tại ngôi nhà cổ bảy gian ngoài mặt đường làng. Đây là sự kết tinh của những chất liệu quen thuộc với làng quê miền Bắc như gỗ, tường đắp đất, mái ngói ta… Từ đó tạo nên một không gian mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi nhưng đồng thời vẫn giữ được yếu tố thẩm mỹ và sự tinh tế trong kiến trúc.
Ngôi nhà được anh Khuất Văn Thắng cải tạo thành quay lưng ra đường, quay mặt vào sân, nhưng cái lưng nhà được anh thiết kế một loạt cửa sổ, cánh lật như cửa bức bàn. Cách thiết kế này khiến ngôi nhà trở thành không gian mở cả hai chiều, phần hướng ra đường và phần nhìn ra sân nhà. Ngôi nhà cũ được lợp lại ngói, thiết kế một số công năng cho hoạt động văn hóa.
Kiến trúc sư khai thác những vật liệu cũ còn tận dụng được, sử dụng vật liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Bức tường gạch xây trát vữa cũ được đắp lại bằng đất trộn rơm theo phương thức truyền thống của nhà nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc có phụ gia khiến vách bùn hạn chế được những bất cập trong những ngôi nhà vách xưa. Điều đó khiến không gian Đoài Creative vừa giữ được nét cổ xưa vừa tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi.
Đoài Creative chính là không gian sáng tạo nghệ thuật phù hợp với những du khách mong muốn trải nghiệm ở làng nghề, làng cổ Việt Nam. Đến thăm làng cổ, cảnh quan, không gian, văn hóa tạo cho du khách cảm hứng nghệ thuật. Đoài Creative còn mang đến môi trường thể hiện khả năng sáng tạo, nhất là với những em thiếu nhi, sinh viên mỹ thuật, khách du lịch quốc tế.
Đến với Đoài Creative, du khách có thể trải nghiệm nhiều các hoạt động sáng tác mỹ thuật khác nhau như: vẽ ngói, làm tranh, điêu khắc, làm diều, làm đèn trung thu… Song, điều độc đáo nhất là không gian này khuyến khích mọi người sáng tác dựa trên chất liệu thân thiện và luôn mang dấu ấn truyền thống.
Ví dụ như những chiếc ngói cổ tại Đường Lâm, thay vì dỡ chúng và bỏ đi, giờ đây ta có thể tận dụng làm nguyên liệu sáng tác, đồng thời giúp mọi người cảm nhận rõ nét hơn về các giá trị đặc trưng tại Đường Lâm. Hoặc với những nguyên liệu hay sản phẩm gần gũi trong dân gian Việt Nam như giấy dó, diều, đèn trung thu, khắc gỗ trên mộc bản…
Đoài Creative không ngừng tìm kiếm, phát triển thêm các chất liệu cũng như đa dạng các hoạt động, giúp mọi người có thể tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật một cách hào hứng và chủ động. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của du khách khi đến đây, đội ngũ của Đoài Creative luôn có những bạn trợ lý làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, hỗ trợ các bạn tạo nên tác phẩm của chính mình.
Có thể nói, điểm đầu tiên thu hút du khách chính là không gian chứa đựng nhiều nét văn hóa và tính nghệ thuật của Đoài Creative. Thế nhưng, khi đã tới và trải nghiệm tại nơi đây, mỗi người lại có những cách cảm nhận và sự yêu thích khác nhau. Có người yêu thích sự sáng tạo của những bức tranh, có người lại tận hưởng nét yên bình, gần gũi của không gian. Nhiều người say sưa trong những cuộc trò chuyện với bạn bè, nhưng có người lại hào hứng vì sự tỉ mỉ tạo lên tác phẩm của chính mình. Đoài trong mắt du khách đều là câu chuyện về địa điểm sáng tạo và nghệ thuật tại Đường Lâm, nhưng cũng như hàng trăm câu chuyện khác nhau trong cảm nhận của mỗi người.
Ngoài những trải nghiệm thường ngày, Đoài Creative còn nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo khác. Hiện tại, Đoài Creative đang tích cực xây dựng các chương trình ý nghĩa nhằm thu hút du khách và cả người dân Đường Lâm tham gia.
Một vài chương trình Đoài Creative đã tổ chức có thể kể đến như: Sự Kiện Triển Lãm Cá Gỗ Tháng 8 - nhằm lưu giữ và phát triển nét văn hóa Mõ Cá Gỗ tại Đường Lâm, Sự Kiện Lăng Kính Tuổi Thơ Tháng 6 - tôn vinh các tác phẩm sáng tạo qua góc nhìn của các em nhỏ, Sự kiện online Sáng Tạo Không Rào Cản Tháng 5 - kêu gọi mọi người bỏ qua các rào cản để sáng tạo lên tác phẩm của riêng mình… Các sự kiện của Đoài Creative đa phần tập trung ở quy mô vừa và nhỏ, nhưng chủ yếu mong muốn gài gắm trong đó là những giá trị về nghệ thuật và văn hóa được đẩy đi xa hơn nữa.
Chia sẻ thêm với độc giả Travellive, anh Khuất Văn Thắng nhắn gửi: “Trong con đường lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa của Đường Lâm nói riêng và Việt Nam nói chung, Đoài Creative nhận thấy rõ tầm quan trọng của các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi thứ trở nên 'phẳng' hơn, khi công chúng đang du nhập quá nhiều văn hóa từ nước ngoài mà quên đi tiếng nói riêng của văn hóa Việt Nam trên mảnh đất hội nhập quốc tế. Thì chỉ có bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam mới là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho tinh thần yêu nước của người trẻ hiện nay”.