Năm 1923, Chùa Tổ đình sắc tứ Giác Nguyên Tự hay còn biết đến với tên gọi chùa Bà Xám được xây dựng trên ngọn đồi tại thị trấn Đ’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ với mái lá và tường đất.
Vào thuở mới thành lập, Giác Nguyên Tự được xem là ngôi chùa cổ, kết cấu đậm nét nghệ thuật cổ truyền Việt Nam. Năm 1925, chùa được xây lại với gạch mái ngói khang trang, nơi chánh điện có chín cây cột nên còn được gọi là chùa Chín Cột. Chùa được phong sắc tứ (lệnh vua ban) vào năm 1939.
Đến năm 1976, hòa thượng Thích Pháp Chiếu người Bình Định về trụ trì đã cho sửa chữa, tu bổ và xây dựng chùa Trung, điện Thượng cùng nhiều công trình phụ trên ngọn đồi rộng lớn đối diện thủy điện Đa Nhim ở thị trấn Đ’Ran. Chùa cung nghinh xá lợi Phật do hoàng gia Thái Lan tặng vào năm 1999.
Cổng chùa nằm ngay ngoài đường lớn, thuận tiện cho việc di chuyển. Nguyễn Tấn Sang (25 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), một freelance photographer chia sẻ sau khi đến đây: “Đường đến chùa không quá khó khăn, vì chùa nằm trên trục đường lớn nên có thể di chuyển bằng xe máy, xe hơi theo bản đồ khi có dịp đi ngang Đơn Dương”.
Đi lên con dốc cao với hai bên rợp bóng cây xanh mát sẽ đến khoảng sân rộng thoáng mát, một bên là đền Trung, một bên là chánh điện, phía trước chánh điện là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đài sen cao.
“Với lợi thế ưu ái từ thiên nhiên, nằm trên ngọn đồi nhìn ra hồ thuỷ điện Đa Nhim, một trong những đập thuỷ điện xây dựng đầu tiên tại miền Nam, gắn liền với truyền thuyết tình yêu của K’Lang và Ha Biang. Bao bọc xung quanh là khung cảnh yên bình của thị trấn với những nếp nhà nhỏ nằm giữa đồi núi, vườn tược nên chùa Giác Nguyên được ví von như 'thượng uyển' của Phật chốn dân gian”, anh Sang cho biết.
Sau nhiều lần tu sửa, chùa được đánh giá là nét kết hợp thẩm mỹ Phật Giáo nói riêng và kiến trúc nói chung của nhiều nơi trên đất Việt và châu Á. Tất cả các ngôi điện thờ trong khuôn viên Sắc tứ Giác Nguyên Tự đều được xây dựng công phu và điêu khắc tỉ mỉ. Mái chùa uốn đao cong với hình chạm khắc rồng lân và hoa sen, hoa cúc tao nhã, sinh động, nét đặc trưng của nghệ thuật – mỹ thuật Việt Nam.
Từ khoảng sân rộng ngước nhìn lên những bậc thang cao là điện Thượng được xây dựng theo kiến trúc tổng thể của các công trình ở Giác Nguyên Tự với hoa văn trang trí đẹp mắt. Phía bên hông điện Thượng là một con đường nhỏ tỏa bóng những cây trúc xanh mát dẫn lối lên tòa bảo tháp và nơi ngự tượng Phật nghìn tay.
Điểm tô cho vẻ bình yên thanh tịnh của không gian là sắc hoa rực rỡ và bóng mát của cây cổ thụ. Ở chùa còn có cây Tùng Du Sam (loài cây nằm trong danh sách cần bảo tồn) vạm vỡ với tuổi thọ hơn 1600 năm.
Đứng từ khoảng sân, thu vào tầm mắt là khung cảnh nên thơ của đập thủy điện Đa Nhim. Trước cảnh trí như một bức tranh sơn thủy hữu tình, bất cứ ai đến đây cũng phải xuýt xoa sự tài hoa của bàn tay con người, sự khéo léo sắp đặt của thiên nhiên.
“Đối với mình, đập thuỷ điện Đa Nhim khá đẹp và ấn tượng vì nó khiến mình liên tưởng tới những khung cảnh từng thấy trong phim. Tiếp đến là hình ảnh nhà cửa, vườn tược lớp lớp của thị trấn D’Ran trải vào mắt. Cảm giác đứng từ sân chùa, gom gọn những hình ảnh đó khiến mình có cảm giác nhẹ nhàng, thanh bình, thật sự muốn ‘về quê nuôi cá và trồng thêm rau’, anh Sang chia sẻ.
Nơi đây được người dân đến lễ bái hàng năm, ngoài ra ngôi chùa còn là nơi nương nhờ, tu tập của nhiều trẻ em địa phương.
Theo anh Sang, đây là một địa điểm thích hợp để vãn cảnh và tịnh tâm. Do đó, khi đến chùa mọi người nên lựa chọn trang phục trang nhã, lịch sự cũng như ăn nói nhỏ nhẹ để phù hợp với không khí thanh tịnh của chốn linh thiêng.
“Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi thanh tịnh, đắm mình vào thiên nhiên bởi cây cối, núi non hay không khí để thư thái bản thân thì Chùa Tổ đình sắc tứ Giác Nguyên Tự là một lựa chọn hữu duyên”, anh Sang nhắn gửi thêm.