5 giờ sáng, tôi đã có mặt tại thành phố Cao Bằng sau khi di chuyển xe khách một đêm từ trung tâm Hà Nội. Liên lạc với chỗ thuê xe máy, tôi được chủ nhà sắp xếp chỗ ngủ tạm để sáng dậy bắt đầu hành trình. Sáng sớm, để lấp đầy cái bụng đói tôi thưởng thức món ăn trứ danh ở Cao Bằng là bánh cuốn cùng trứng và giò, vị bánh cuốn ở đây cũng rất khác so với dưới vùng xuôi. Sau đó, tôi tiếp tục hành trình chinh phục những chặng đường dài tại các điểm đến ở vùng đất thuộc miền Đông Bắc.
Cao Bằng mang một vẻ đẹp bình yên, thơ mộng như một bức tranh sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ban tặng hệ thống đồi núi, ao hồ và thác nước xanh mướt. 3 ngày khám phá Cao Bằng, tôi được phóng tầm mắt vào cảnh thiên nhiên hùng vĩ và có nhiều trải nghiệm ấn tượng, dưới đây là những kinh nghiệm bỏ túi cho một chuyến đi trọn vẹn.
3 ngày ở Cao Bằng thì đi đâu?
Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, giáp liền Trung Quốc với đường biên giới dài trên 300 km. Nơi đây địa hình 90% là đồi núi trập trùng hiểm trở, chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc cùng các thung lũng sâu thẳm. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Cao Bằng cũng đủ để thu hút các tín đồ mê xê dịch đặt chân đến vùng đất này.
Ngày đầu tiên, từ thành phố Cao Bằng, di chuyển đến thác Bản Giốc và làng đá Khuổi Ky, sau đó quay lại thành phố lưu trú một đêm. Ngày thứ hai, di chuyển từ thành phố đến rừng trúc Thành Công và khu di tích Pác Bó. Ngày cuối cùng, đi từ Hà Quảng về thành phố trước khi lên xe khách quay lại Hà Nội.
Ngoài các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cao Bằng, điều ấn tượng với hầu hết du khách nói chung khi đến đây là vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, chưa chịu nhiều tác động từ con người. Trong tất cả các điểm đến nổi tiếng khi đến Cao Bằng, tôi ấn tượng bởi: thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky và khu di tích Pác Bó.
Thác Bản Giốc - tiên cảnh giữa đại ngàn
Thác Bản Giốc nằm tại vị trí giao thoa giữa biên giới Trung Quốc và Việt Nam, nơi đây đẹp tựa dải lụa trắng tinh khôi giữa núi rừng Cao Bằng và đổ xuống dòng sông Quây Sơn màu ngọc bích. Địa điểm này được biết đến như là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á với độ cao hơn 60 m, trong đó tầng dốc dài nhất lên đến 30 m.
Cấu trúc của dòng thác này được chia tầng độc đáo với từng khối nước chảy len lỏi qua nhiều lớp đá vôi và cây cỏ. Từ trung tâm Cao Bằng cách thác Bản Giốc khoảng 100 km nên có thể đến đây dễ dàng bằng ô tô hoặc xe máy với cung đường bằng phẳng.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến thác Bản Giốc rơi vào tháng 8 và tháng 9 vì đây là lúc thác Bản Giốc khoe sắc bởi màu xanh ngọc, ngắm được trọn vẹn sự hùng vĩ của nơi này. Lượng nước lớn từ sông sẽ chảy cuồn cuộn và đổ xuống qua các tầng đá cao thấp khác nhau. Giữa núi rừng bạt ngàn, tất cả hòa vào nhau, tạo thành một bức tranh non nước hữu tình như trong truyện cổ tích. Bạn cũng có thể trải nghiệm đi bè độc mộc để ngắm cảnh, hoặc chèo kayak trên sông Quây Sơn xanh mướt.
Làng đá cổ Khuổi Ky
Đến Cao Bằng, chắc chắn bạn không thể bỏ lỡ làng đá xóm núi biên cương với hơn 400 tuổi. Làng đá Khuổi Ky chỉ cách Thác Bản Giốc tầm 3 km và cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100 km. Hiện tại, ngôi làng cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, huyền bí và các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày.
Với vị trí tựa vào núi đá vôi và diện tích khoảng 1ha, đây là sinh sống của hơn 14 hộ dân thuộc người Tày. Điểm đặc biệt của địa điểm du lịch Cao Bằng cổ kính này là những căn nhà bằng đá được xây dựng từ những năm 1594. Kiến trúc chung của những ngôi nhà này đều là theo lối truyền thống - nhà ba gian lợp ngói với nền móng làm bằng đá. Không chỉ nhà ở, đá được tìm thấy khắp mọi nơi trong làng Khuổi Ky, từ hàng rào, bếp lò, cối xay cho đến đập nước.
Sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch, hiện nay, ở làng đá Khuổi Ky đang phát triển với mô hình lưu trú homestay và du lịch cộng đồng. Khách du lịch đến đây còn được khám phá nếp sinh hoạt và văn hóa của người Tày trong nhà sàn đá.
Khu di tích Pác Bó
Đã đến Cao Bằng thì không thể bỏ qua khu di tích Pác Bó, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa tiên cảnh. Sở hữu diện tích hơn 500 ha, khu di tích Pác Bó bao gồm nhiều cụm di tích gắn liền với sinh hoạt thường ngày của Bác Hồ: Cốc Bó, suối Lê Nin, cột mốc 108, khu ruộng Goọc Mu, núi Các Mác...
Ở đây, mùa nào cũng đẹp. Nhưng bạn nên đến đây vào những tháng mùa khô (tháng 5 - tháng 9). Thiên nhiên lúc này tại Pác Bó xanh mướt, dòng suối Lê Nin xanh vắt thu hút nhiều du khách đến đây check-in.
Kinh nghiệm và lưu ý khi du lịch Cao Bằng
Cao Bằng thuộc vùng biên giới, vì vậy cần mang đầy đủ các giấy tờ tùy thân. Nên chuẩn bị quần áo phù hợp, gọn nhẹ theo mùa khi du lịch Cao Bằng. Ngoài ra, mang theo những vật dụng đi kèm như: áo mưa, mũ, sạc dự phòng, xịt côn trùng để phòng những trường hợp bất ngờ. Thời tiết ở Cao Bằng khá thất thường, bạn cần xem trước thời tiết và có phương án dự phòng nếu trời mưa.
Các cung đường ở Cao Bằng chủ yếu là đường đèo mặc dù không quá khó đi, nên người lái phải có tay lái vững. Trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ và kiểm tra xe thật kỹ lưỡng để tránh bị hư hỏng dọc đường. Bên cạnh đó, Cao Bằng là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc, bạn cần tìm hiểu về các phong tục tập quán của người dân bản địa để không phạm phải những kiêng kỵ khi tham quan.
Ngoài ra ở Cao Bằng đa dạng về ẩm thực văn hóa vùng cao. Có vô vàn món ngon mà bạn có thể thưởng thức hoặc mua về. Tất cả là những món đặc trưng mà chỉ vùng đất này mới có. Chắc chắn phải thử qua những đặc sản trứ danh như: phở vịt quay, bánh cuốn, phở chua, khâu nhục, bánh trứng kiến, thịt gác bếp, lạp xưởng, măng rừng, hạt dẻ Trùng Khánh, thạch đen...