Những thói quen này đã tác động đến việc lựa chọn điểm đến du lịch của du khách Việt trong kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay.
Các dữ liệu đặt phòng trên nền tảng Booking.com cho thấy những bãi biển và thành phố biển tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt khi đi du lịch (61%), theo sau là các thành phố lớn (60%).
Điều này thể hiện trong danh sách 10 điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất cho kỳ nghỉ sắp tới, với 6/10 điểm đến là các thành phố biển hàng đầu Việt Nam.
Theo đó, 10 điểm đến trong nước được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất từ ngày 2 đến 4-9-2023, xếp thứ tự theo tỉ lệ ưa thích của du khách gồm: Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM, Mũi Né, Hà Nội, Hạ Long, Phú Quốc và Hội An.
Với các chuyến đi nước ngoài cho kỳ nghỉ dài cuối cùng của năm, du khách Việt có xu hướng lựa chọn những điểm đến quốc tế gần là Thái Lan và Singapore. Sau đó mới đến Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Hong Kong, Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia) và Úc.
Ông Varun Grover - giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam - cho biết nhìn vào cách lựa chọn các điểm đến thì thấy du khách Việt đang có nhu cầu lớn hơn bình thường đối với loại hình nghỉ dưỡng là "staycation", tức du lịch ở gần hoặc ngay tại thành phố sinh sống. Và thứ hai là "drivecations" (du lịch bằng xe hơi và nghỉ trên xe) tới các địa điểm không quá xa.
Kết quả này cũng tương thích với tình hình đặt tour qua các công ty lữ hành ở TP.HCM. Kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ tiếp tục thách thức với các điểm đến Hạ Long hay Phú Quốc, vốn rất "nóng" trong mùa trước nhưng nay trở nên kén khách vì thiếu vắng sản phẩm mới.
Bà Phạm Phương Anh - tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt - cho biết đang có xu hướng dịch chuyển theo nhóm bạn bè, gia đình trong lễ 2-9 nhờ giá vé máy bay không còn quá cao trong các chặng nội địa.
Thói quen đặt tour du lịch cận kề cũng tác động đến số lượng vé máy bay và số lượng chỗ các tour nội địa còn mở bán. Tuy vậy, khách vẫn thích chọn tự lái xe hoặc các điểm gần nơi mình sống hơn là chọn các điểm xa. Đa phần khách chọn các tour du lịch biển đảo ngắn ngày, lưu trú khách sạn...
Sức mua không có tăng đột biến, vì thế giá phòng đến nay chỉ cao một số điểm "nóng", còn lại giá các dịch vụ khác khá ổn định.
Nghiên cứu do Booking.com ủy quyền và Milieu Insight thực hiện độc lập trên mẫu gồm 8.800 người trả lời ở 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp APAC (800 người đến từ Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam). Để tham gia cuộc khảo sát này, người trả lời phải từ 18 tuổi trở lên.
Nghiên cứu đã tính toán chỉ số dựa trên các số liệu cụ thể như mức độ sẵn sàng đi du lịch, chi tiêu du lịch tiềm năng, thời lượng, số chuyến đi dự định và đáng chú ý là xu hướng đi lại trong tình trạng kinh tế vĩ mô hiện tại.
Các lĩnh vực khác mà nghiên cứu khám phá là những cân nhắc về du lịch và đặt chỗ, quan điểm về tính bền vững và các câu hỏi cụ thể khác về thị trường.