Chung Phạm (1996) rời Việt Nam tầm cuối tháng 2/2023 để sang Úc thực hiện chuyến working holiday, lúc đó cô đang làm kế toán đã được 4 năm kể từ khi ra trường. Chuyến đi này của cô kéo dài từ 1 - 3 năm tùy vào mong muốn của mình.
Working holiday Úc hiểu đơn giản là tham gia chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ ở Úc. Đây không phải một chương trình xuất khẩu lao động, việc làm hay du học. Nó vốn là một kỳ nghỉ cho phép công dân đất nước khác tới Úc vừa đi du lịch, khám phá kết hợp trải nghiệm văn hoá, làm việc và sinh sống tại đất nước này trong thời gian nhất định.
“Working holiday visa phù hợp với những người trẻ mong muốn có cơ hội được học tập, làm việc và trải nghiệm ở nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Cơ hội 1 - 3 năm gap year khám phá một đất nước mới, những con người mới, văn hóa mới, môi trường mới... để hiểu hơn về bản thân mình và có những kế hoạch mới cho tương lai”, Chung Phạm cho hay.
Tùy theo mục đích của mỗi người mà họ có thể cân đối giữa “working” hoặc “holiday” nhiều hơn. Chung Phạm lại kết hợp cùng lúc cả working và holiday đồng thời. Tính đến thời điểm hiện tại, hành trình working holiday ở Úc của cô vừa tròn 6 tháng, trải qua 4/6 tiểu bang: Victoria, New South Wales, South Australia, Northern Territory.
“Nhắc tới xu hướng working and holiday, khá phổ biến với các nước phương Tây, gap year là một điều vô cùng bình thường mà hầu hết sinh viên, học sinh đều trải qua. Sinh viên tại đây sẽ được nghỉ một năm trước hoặc sau khi đi học Đại học, Cao đẳng. Trong đó, đối tượng gap year nhiều nhất có lẽ là sinh viên trước khi vào Đại học. Tiếp đến là đối tượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn đi làm ngay lập tức mà dành một khoảng thời gian nhất định để thực hiện những sở thích, thú vui và đam mê của bản thân. Thật ra, mỗi sự thay đổi, lựa chọn nào cũng đều có thú vị riêng mặc dù gặp không ít khó khăn”, Chung Phạm nói.
Bước ra vùng an toàn, đặt chân đến đất nước mới
Hành trình bước ra khỏi vùng an toàn dành cho mình khám phá những điều mới lạ ở một đất nước mới không phải là điều dễ dàng. Theo Chung Phạm, câu chuyện khó khăn đầu tiên không thể không kể đến là rào cản ngôn ngữ. Mặc dù khi có được visa để sang Úc, phải có đủ tiêu chuẩn IELTS/PTE (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), nhưng việc giao tiếp ở thời gian đầu với người nước ngoài, đặc biệt là người Úc khá khó khăn.
Giao tiếp là cầu nối giữa con người với nhau, nếu không giao tiếp được, mặc nhiên sẽ cảm thấy chơi vơi, lạc lõng, mất đi sự kết nối. Tiếp đến là những vấn đề liên quan đến công việc, chỗ ở, phương tiện di chuyển, kết giao bạn mới...
“Nếu cuộc đời là một phương trình gồm các biến số gồm công việc, chỗ ở, đi lại, tạo mối quan hệ mới... thì việc thay đổi bất kỳ một biến số nào cũng có thể dẫn đến thay đổi phương trình cuộc đời. Và mình sẽ trải nghiệm những gì ở nơi mới, đi đâu, đi như nào, chi phí ra sao, trải nghiệm như nào cho thật trọn vẹn”, cô tâm sự.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Chung Phạm nhớ lại lúc cô rời công việc tại một tiệm cà phê, đồng nghiệp ôm cô cùng khóc, giây phút đó khiến cô thực sự xúc động. Với cô, mỗi cuộc chia tay đều mang một ý nghĩa riêng, thật khó để rời đi nếu như đã dành tình cảm ở đó, nhưng cuộc đời vẫn còn nhiều chuyến đi để tiếp tục trải nghiệm. Tình cảm không phân biệt tuổi tác, ngôn ngữ, vị trí địa lý... ở những nơi đi qua, nhận được sự yêu thương từ mọi người ở đất nước xa lạ, đó là điều thật sự rất may mắn đối với Chung Phạm. Hay những lần gặp gỡ tình cờ các bạn, anh chị cùng working holiday làm cho cô cảm thấy bản thân mình thật may mắn và có cảm giác ấm áp.
Một chuyến road trip từ Nam Úc sang Bắc Úc
Chung Phạm chia sẻ thêm: “Nước Úc thật sự rộng lớn và đẹp, vườn hoa cải vàng ươm, vườn nho, dâu thẳng tắp, hoàng hôn rực rỡ, đồi thông bạt ngàn... được tận mắt chiêm ngưỡng những gì tự nhiên ban tặng quả thật rất hấp dẫn”.
Trong hành trình working holiday, Chung Phạm đã dành ra một tháng road trip từ Nam Úc sang Bắc Úc vào mùa Đông, chuyến đi thấy rõ sự khác biệt về cảnh quan, lẫn khí hậu so với các mùa còn lại.
Theo lời kể của Chung Phạm, ở Nam Úc mùa Đông rất lạnh, di chuyển từ Melbourne sẽ thoát khỏi cái lạnh của Úc, cây cối rụng trụi lá. Chuyển sang Adelaide của Nam Úc, cây cối xum xuê, khí hậu mát mẻ dễ chịu hơn. Nhưng khi tiến sâu dần vào lục địa, khí hậu hanh, khô, đất đỏ, cây cỏ ngả màu vàng, thỉnh thoảng vài nơi nắng nóng cháy rừng. Mọi thay đổi đều thấy rất rõ, theo từng ngày của hành trình.
Khi đến đây, Chung Phạm tìm hiểu về người thổ dân Aboriginal và những đặc trưng trong văn hóa của họ. Ví dụ, người thổ dân Anangu sống ở quanh tảng đá huyền thoại Uluru và nét linh thiêng và linh hồn trong tảng đá của họ. Ngoài ra, biết được lịch sử, sự đa dạng về văn hóa của dân tộc, đặc điểm các tiểu bang ở Úc cũng tạo nên sự độc đáo cho chuyến road trip của cô.
“Thực ra, để thực hiện chuyến đi không quá khó khăn, có 1 chiếc xe, 1 chiếc điện thoại với đủ tiền và đủ sóng, 1 vài người bạn đồng hành thú vị... để trải nghiệm chuyến đi tuyệt vời. Ở Úc có văn hóa camping, từ đó có nhiều dịch vụ tiện nghi và đầy đủ để hòa mình với thiên nhiên. Đi road trip thường dài ngày, nên tập lối sống tối giản, chỉ mang theo những gì thực sự cần thiết cũng đủ để chuyến đi thú vị, đáng nhớ. Việc cần ưu tiên cho chuyến đi dài ngày là đảm bảo an toàn", Chung Phạm gợi ý.
Để thực hiện “working holiday” cần lưu ý điều gì?
Working holiday của Úc dành cho Việt Nam tính đến nay đã bước sang năm thứ 6 (bắt đầu 2017), đến hiện tại xu hướng này đang ngày càng phổ biến. Cộng đồng người Việt tại Úc tính tới thời điểm 2021 là 308.000 người, dù là working holiday, dù là Student, hay đã có PR (thẻ xanh)... nếu có thể, hãy giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển ở đất nước này.
Độ tuổi phù hợp để công dân có thể thực hiện một chuyến working holiday là từ 18 tuổi và không vượt quá 31 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ xin visa. Trình độ học vấn của công dân phải ở cấp Đại học hoặc Cao đẳng đang trong thời gian gap year. Đặc biệt, cần phải cân nhắc thêm về một số chứng chỉ Tiếng Anh cần thiết như: tối thiểu IELTS 4.5, PTE 30 hoặc các chứng chỉ tương đương còn hiệu lực.
Để tham gia chương trình Working Holiday, bạn cần có visa working holiday Úc (visa diện 462 hoặc visa 417) được cấp bởi chính phủ Úc, Việt Nam nằm trong danh sách thị thực 462. Muốn có trải nghiệm hoàn hảo và được Chính phủ cấp visa working holiday Úc, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện về: kỹ năng tiếng Anh, giấy tờ tùy thân, chi phí trang trải, học vấn, sức khỏe, công việc. Đây là cơ hội để khám phá một vùng đất mới vô cùng thú vị.
“Nếu có thể, hãy dành một năm để trải nghiệm cuộc đời mình theo một cách riêng và đáng nhớ. Hãy bước ra vùng an toàn của bản thân, bớt đi những nỗi sợ hãi hiện hữu. Không ngại học hỏi bất kỳ điều gì mới mẻ trên hành trình, có đam mê trải nghiệm và khám phá đủ lớn. Khả năng tự lập cao, không ngại vất vả, bởi sẽ có nhiều lúc rất áp lực và cô đơn. Để khi trải nghiệm hết những gì về working and holiday thì mới thực sự ấn tượng và đáng nhớ mỗi lần nhắc lại”, Chung Phạm chia sẻ thêm.