Rosie (30 tuổi, Quy Nhơn), Duy Anh (27 tuổi, Đà Nẵng) và Hồ Long (Tp.Hồ Chí Minh), ba chủ kinh doanh Airbnb tại Việt Nam đã có những chia sẻ về hành trình kinh doanh của họ trong thời gian trước, trong và sau dịch. Những thông tin đưa ra góc nhìn đa chiều về thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb.
LAO ĐAO, CẮT GIẢM VÀ NGỪNG KINH DOANH...
"Trước dịch, các căn hộ do mình quản lý thường có công suất phòng đạt 70% - 95% mỗi tháng trên Airbnb", Rosie chia sẻ. Duy Anh và Hồ Long cũng có tỷ lệ đặt phòng luôn duy trì ở mức 90%. Tình trạng hủy phòng rất thấp, chỉ dao động trong khoảng dưới 20% hoặc không đáng kể. Hầu hết các chủ kinh doanh Airbnb đều hoạt động trơn tru trong việc kinh doanh loại hình lưu trú cho đến khi dịch Covid xuất hiện.
Rosie cho biết: "Khi dịch Covid ập tới, tỷ lệ đặt phòng giảm dần. Đỉnh điểm là giai đoạn Tp.Hồ Chí Minh thực hiện cách ly vào tháng 7-9/2021, các căn hộ mình kinh doanh phải đóng cửa hoàn toàn không nhận khách". Cô đã phải ngừng kinh doanh 28/30 Airbnb tại thành phố Hồ Chí Minh với các loại hình khác nhau như: homestay, hostel, căn hộ dịch vụ, căn hộ cao cấp,... "May mắn là mình đã xử lý bằng cách cho khách thuê dài hạn, chủ nhà cũng hỗ trợ chút ít nên đủ chi phí trả tiền thuê nhà, chỉ bù lỗ đôi chút một vài tháng", cô tâm sự.
Nhưng không phải chủ kinh doanh Airbnb nào cũng có thể áp dụng cách đó để giải quyết. Duy Anh chia sẻ rằng, trong thời gian dịch hầu như không có khách hàng, tình trạng hủy phòng diễn ra ồ ạt và liên tục, khiến anh phải đưa ra quyết định ngừng kinh doanh toàn bộ 10 căn hộ tại Đà Nẵng. Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Long cũng phải cắt giảm số lượng căn hộ cho thuê vì tỷ lệ đặt phòng thấp chưa từng có.
BÀI TOÁN KHÓ: PHỤC HỒI SAU DỊCH NHƯ THẾ NÀO?
Chia sẻ với phóng viên, Rosie cho biết: "Mọi thứ bắt đầu hồi phục trở lại như trước dịch cho hai căn mình quản lý kể từ tháng 12 năm 2021. Từ đó tới nay, hai căn mình vận hành luôn đạt tỷ lệ đặt phòng 80-95% dù chỉ cho thuê trên duy nhất 1 nền tảng Airbnb". Dù vậy, hiện nay cả ba chủ kinh doanh đều gặp phải những bài toán khó với riêng họ.
Đối đầu với khó khăn về chi phí luôn là một khó khăn thường trực với các chủ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Chi phí thuê phòng sau dịch cũng tăng, chi phí vận hành bao gồm điện, nước, chi phí quản lý, trang trí nội thất... khiến chủ kinh doanh phải đau đầu. Hồ Long cho biết: "Thời gian sau dịch Covid, lượng khách quốc tế đến ít hơn, các chi phí đều tăng". Do đó, anh đã chuyển hướng tập trung vào thị trường khách nội địa và giảm bớt số lượng căn hộ cho thuê.
Duy Anh cũng chỉ ra những sự thay đổi mà anh gặp phải: "Khách hàng thường xuyên đặt phòng cận ngày hơn so với lúc trước dịch. Họ thường đến sát ngày hơn và mong muốn được giảm giá cho dịch vụ lưu trú. Xu hướng tiêu dùng cũng chuyển dần sang tầm thấp và tầm trung, ít khách hàng đặt phòng hạng sang". Anh đưa ra ba giải pháp cho khó khăn phải đối mặt: thay đổi chính sách về giá, thay đổi chính sách hủy phòng và chính sách hỗ trợ cho những khách hàng có nhu cầu thuê phòng dài hạn.
Tìm kiếm nhân sự cho việc dọn dẹp phòng ốc trước khi bàn giao cho khách hàng cũng là một thử thách với Rosie. "Đây là một yếu tố then chốt quyết định về hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb. Nếu khách mới tới nhà mà đã không hài lòng với một căn phòng dọn dẹp không như ý thì họ có thể bỏ đi ngay lập tức; hoặc nếu chịu ở lại, họ cũng sẽ để lại đánh giá tệ. Cho dù chủ nhà có nhiệt tình tới cỡ nào thì cũng không cứu vãn nổi", Rosie chia sẻ.
AIRBNB SAU DỊCH, LIỆU CÒN HOT?
Rosie cho biết, cô thường xuyên theo dõi sát sao những cập mới nhất về các hoạt động và xu hướng của thị trường du lịch. Theo báo cáo về nhu cầu đặt phòng trên Airbnb của AirDNA, cô dự đoán 2023 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả trước dịch. Dạng căn hộ một phòng ngủ và hai phòng ngủ vẫn tiếp tục là xu hướng đầu tư chính, chiếm phần lớn doanh thu của thị trường.
Từ góc độ của một người tiêu dùng, Ngọc Thu (23 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Hai lần gần đây vào Tp. Hồ Chí Minh, mình đều lựa chọn Airbnb để đặt dịch vụ lưu trú". Cô chia sẻ, so với Booking và Agoda, Airbnb cho khách hàng như cô nhiều sự lựa chọn 'xịn' và phù hợp với nhu cầu sử dụng hơn. Cô thường đọc rất kỹ những đánh giá trên nền tảng này trước khi đặt phòng. "May mắn là những căn phòng mình từng thuê đều khá đúng với mô tả và đánh giá, nên mình khá yên tâm khi đặt Airbnb", Ngọc Thu chia sẻ. Cô cũng cho hay, Airbnb sẽ là sự lựa chọn tiếp theo của mình khi đến với những thành phố lớn.
Trên thị trường OTA (Online Travel Agents) hiện nay, Airbnb đang xếp ở vị trí thứ 3. So với 2 đối thủ cạnh tranh thành lập năm 1996, thì Airbnb có mặt muộn hơn trên thị trường 12 năm nhưng cũng không hề kém cạnh so với top 2 OTA. Theo báo cáo năm 2021, Airbnb đang cách xa Booking Holdings và Expedia Group lần lượt là 5 tỷ đô la Mỹ và 3,6 tỷ đô la Mỹ.
Thế nhưng, "em út" Airbnb lại cho thấy sự bứt phá đầy ấn tượng sau dịch, khi tổng giá trị đặt phòng (gross bookings) của Airbnb tăng 73% từ Q2.2019 đến Q2.2022. Trong khi con số đó là 38% đối với Booking Holdings, và Expedia Group là -8%. Đặc biệt hơn, chi phí Marketing mà ba ông lớn trong mảng OTA lại tỉ lệ nghịch với tổng giá trị đặt phòng của họ. Trong nửa đầu năm 2022, Airbnb chỉ chi ra 20% trên tổng doanh thu cho chi phí Marketing, còn Booking Holdings và Expedia Group lại cao hơn gấp đôi với con số lần lượt là 41% và 47%.
Chưa kể, báo cáo quý mới nhất của nền tảng cho thuê nhà ở Airbnb đã ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021 lên tới 1,2 tỷ USD, đồng thời xác nhận đà phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch vẫn tiếp diễn, trong bối cảnh lạm phát đang xảy ra ở nhiều quốc gia.
Airbnb cho biết họ đã cải thiện nguồn cung phòng có sẵn, giải quyết mối quan tâm hàng đầu của các chủ kinh doanh, thêm 900.000 địa điểm vào danh sách hoạt động hàng năm. Nhờ đó, tổng số danh sách địa điểm có sẵn trên Airbnb lên tới 6,6 triệu. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 16% so với 2021.
Theo Tổng cục Du lịch, tháng 1 năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 871.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022 và gấp hơn 44 lần cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, ngành du lịch còn đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Đây là cơ hội lớn cho những người kinh doanh Airbnb.
Từ những tín hiệu trên, có thể thấy rằng, Airbnb hiện tại vẫn còn chưa hết "hot". Khi du lịch tại các nước mở cửa, cộng thêm chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện tại - được thể hiện qua các bảng số liệu ở trên, Airbnb trong tương lai gần có thể vẫn là một "miếng bánh" thơm ngon cho những nhà kinh doanh có ý định đầu tư do dịch vụ lưu trú.