Không chỉ được thiên nhiên ban tặng núi rừng, sông suối kỳ vĩ, Cao Bằng còn thu hút du khách bởi văn hóa ẩm thực rất riêng mà chỉ vùng đất này mới có. Nếu vẫn còn đắn đo chưa biết mua đặc sản Cao Bằng nào về làm quà thì Travellive gợi ý cho bạn những đặc sản nổi tiếng ngon, bổ, rẻ và độc đáo dưới đây.
1. Lạp xưởng
Lạp xưởng là một trong những món ăn đặc trưng của khu vực vùng núi phía Bắc và Cao Bằng được chế biến vô cùng công phu. Nhân của lạp xưởng được làm từ những loại thịt thăn, thịt nạc vai hoặc thịt nạc mông, được băm nhuyễn và ướp với nhiều gia vị, có cả lá móc mật và củ gừng núi. Sau đó được bỏ vào lòng heo, rồi phơi nắng khoảng 3 ngày, tiếp tục treo lên nóc bếp để hun khói giúp săn hơn và ngon hơn.
Khói của bếp củi làm miếng lạp xưởng se lại và chắc chắn hơn. Lạp xưởng có thể ăn kèm cùng với một số món ăn như xôi, cơm trắng...
2. Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh được trồng ở Trùng Khánh - một huyện nhỏ thuộc tỉnh Cao Bằng, nằm sát cạnh biên giới Trung Quốc. Đất đai Trùng Khánh vốn dĩ màu mỡ, đặc biệt phù hợp để sản sinh ra giống hạt dẻ béo bùi, to tròn và thơm nồng nàn hơn hẳn loại hạt dẻ thông thường.
Hạt dẻ cũng có thể chế biến theo nhiều kiểu khác nhau: hạt dẻ rang vàng, hạt dẻ hấp hoặc xay thành bột làm bánh. Ngoài ra hạt dẻ cũng được ninh chín và được nấu thành những món canh vô cùng ngon và đầy hấp dẫn bạn có thể thưởng thức.
3. Bánh khảo
Đây là món bánh được rất nhiều người dân lựa chọn vào mỗi dịp tết đến xuân về. Bánh khảo được làm từ nguyên liệu vô cùng đơn giản. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp và đường, nhân bánh có đậu phộng, hạt mè cùng thịt mỡ. Cùng với đó được chế biết từ bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên một món bánh vô cùng đặc sắc đối với vùng đất này. Cắn một miếng bánh khảo rồi nhấp một ngụm trà thơm thì còn gì tuyệt vời bằng. Đến tỉnh Cao Bằng, bạn có thể mua bánh khảo ngon ở huyện Trung Khánh, Quảng Hoà, Hạ Lang...
4. Thạch đen
Thạch đen Cao bằng là một trong những món ăn quen thuộc và cũng đầy dân dã đối với người dân bạn địa nơi đây. Nhìn vẻ bề ngoài thạch đen khá giống với thạch sương sáo chúng ta thường ăn, nhưng thạch đen được làm từ loại cây cùng tên được trồng nhiều ở khu vực Thạch An. Ít ai biết rằng thạch đen vốn là một trong những dược liệu có tính mát vị ngọt và có tác dụng ổn định huyết áp chữa cảm mạo cũng như đau nhức xương khớp. Sau hành trình khám phá Cao Bằng mệt nhoài, được thưởng thứ một chén thạch đen pha nước đường ngọt lịm thì còn gì bằng.
5. Miến dong
Miến dong Phia Đén hay còn gọi là miến dong Cao Bằng hoặc miến dong Nguyên Bình. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường khác nhưng lại lôi cuốn thực khách bởi sự thơm ngon nguyên chất. Miến dong Phia Đén được làm hoàn toàn từ củ dong riềng đỏ được trồng tại các sườn núi ở huyện Nguyên Bình. Từng sợi miến đặc biệt vô cùng mềm dai không bị dính.
Sau khi thu hoạch, củ dong riềng đỏ được phơi trên phên nứa, không sử dụng chất tẩy, chất tạo màu hay các hóa chất nào khác. Miến khi nấu sợi mềm thơm, trong, dai, ngọt mát rất ngon và tốt cho sức khỏe.
Miến dong có thể chế biến thành những món ăn khác nhau, miến đen rất tốt cho sức khoẻ, ngoài ra còn giúp bạn phục hồi nhanh các căn bệnh tiểu đường mỡ trong máu… Miến còn rất phù hợp cho người ăn kiêng cùng vị ngọt tự nhiên.
6. Bánh bò
Dường như những món đặc sản tại khu vực Cao Bằng chủ yếu là những món ăn vặt, bánh bò cũng không ngoại lệ. Đây được coi là món ăn đặc sản với miếng bánh bò vàng ươm cùng với đó cùng vị mật ong vị thanh mộc mạc khiến cho ai dừng chân tại đây cũng phải mê mẩn với món ăn này.
Nhìn ngoài món bánh bò giống như là một chiếc bánh bông lan làm từ bột mì nhưng món ăn này lại được làm từ gạo tẻ, men, đường phèn bánh bò dai, xốp có vị ngọt thanh của đường phèn và mùi thơm nhẹ nhàng của men tạo lên chiếc bánh mềm mại. Vị bánh ngọt thanh, vỏ màu vàng hơi xốp với phần ruột mềm mịn. Bánh bò được làm trong khuôn lớn rồi cắt ra thành từng miếng vừa ăn, khi đến tay người mua vẫn còn giữ được hơi nóng, ăn cực kỳ hợp vào những ngày trời se lạnh.