Có một Cao Bằng tươi đẹp khác

09/12/2022

Cao Bằng có một cung đường khác, thanh bình và đẹp đẽ, gần như còn nguyên sơ với du lịch.

“Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”

Câu ca dao trên không biết có tự thuở nào, nhưng phần nào đã gợi mở được nét hùng vĩ và diễm lệ của vùng đất Đông Bắc Tổ Quốc. Nói đến Cao Bằng, mọi người thường liên tưởng đến Khu di tích lịch sử hang Pác Bó, núi Các Mác, suối Lê-nin nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động những năm tiền Khởi nghĩa hay thác Bản Giốc – một trong những ngọn thác được vinh danh là đẹp nhất Thế giới, hoặc hang “mắt hổ” Ngườm Ngao, hạt dẻ Trùng Khánh trứ danh…Nhưng có một cung đường khác, thanh bình và đẹp đẽ, gần như còn nguyên sơ với du lịch mà gần đây những kẻ ưa xê dịch, muốn thỏa chí tang bồng ngắm mây bay gió thổi núi cao hồ rộng, hít khí Trời tinh khiết mới dần tìm đến. Cung đường Trà Lĩnh chạy vào Thông Nông xuyên qua những đồng cỏ bát ngát, những con suối nước ngập nửa bánh xe, cũng đẹp đẽ, hào sảng, mê hoặc và đầy quyến rũ.

Cao Bằng, vùng đất còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Cao Bằng, vùng đất còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Cuộc hành trình bắt đầu từ Hà Nội vào buổi sáng sớm, chúng tôi đi qua Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn… trải qua hành trình gần 300km thì tới Cao Bằng. Thành phố vùng cao bên dòng sông Bằng hiền hòa đang chuyển mình từng ngày, đã trù phú và thay đổi nhiều so với cách đây bảy năm lần đầu tiên tôi đến.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trời đang độ cuối Thu chuyển sang Đông nên thời tiết rất đẹp, sau bữa cơm trưa ngon lành với món đặc sản trứ danh chỉ có ở Cao Bằng: ong vò vẽ non xào măng, chúng tôi rời Thành phố, chạy qua đèo Mã Phục đi vào huyện Quảng Hòa. Xe dừng lại nơi đồng cỏ bát ngát với những hồ nước hiền hòa soi bóng rặng tre đằng ngà ở gần và trùng trùng từng dãy núi đá vôi vây bọc xung quanh. Từng đàn trâu bò ngựa thảnh thơi gặm cỏ uống nước, các bà các chị cùng đám mục đồng túm tụm từng nhóm nói chuyện, chơi đùa. Khung cảnh tưởng như đã trôi qua rất xa, từ 20, 30 năm trước khi chúng tôi còn là thành viên trong đám trẻ chăn trâu ở một làng quê Bắc Bộ chợt ùa về tràn đầy kỷ niệm. Mọi người tỏ mò và thích thú khi nhóm bạn tôi lôi ra giàn fly-cam lúi húi lắp, thích thú điều khiển để giàn máy ảnh bay lượn hòng thu được phần nào cảnh vật đẹp đẽ yên bình “như chiếc nón Bài Thơ” nơi đây.

Đồng cỏ Trà Lĩnh yên bình

Đồng cỏ Trà Lĩnh yên bình

Nơi tôi mong đợi được đến nhất, đấy là địa danh “núi Thủng”. Dân phượt đã đặt cho nó cái tên mang đầy vẻ mỹ miều liêu trai: Tuyệt Tình cốc Cao Bằng. Các nhà khoa học quốc tế khi đến nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ Công viên Địa chất Toàn cầu lại dùng cả một trường liên tưởng mộng mơ để gọi tên địa danh này là “Mountain Angel Eye” - Mắt của Thần núi.

Núi Thủng (tiếng Tày là Phja Piót) nằm ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh trong quần thể hồ Thang Hen thuộc Công viên Địa chất “Non nước Cao Bằng” kỳ thú, trải rộng 3.000km2, trùm lên 6 huyện là nơi cư ngụ lâu đời của 9 dân tộc ở vùng sơn thanh thủy tú này. Giữa trùng điệp núi non lớp lớp có một ngọn núi rất đặc biệt, các nhà Địa chất giải thích: Mắt Thần của núi thực chất là một hang thủng hình tròn, đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Hang phát triển trong địa hình đá vôi ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen huyền hoặc. Nét độc đáo của hệ thống hồ này là các hồ liên thông cùng nhau với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Ngỡ ngàng, sửng sốt xen lẫn thú vị, vui thích khi được khám phá một cảnh quan đặc biệt, kỳ thú làm cả đoàn chúng tôi ai cũng dùng dằng cứ muốn ngắm nghía, chụp thêm dăm tấm hình, quay thêm vài clip, chần chừ chẳng muốn về dù Trời đã ngả sang chiều muộn.

Núi Mắt Thần, một điểm đến du lịch nổi tiếng tại Cao Bằng (Nguồn: Unsplash)

Núi Mắt Thần, một điểm đến du lịch nổi tiếng tại Cao Bằng (Nguồn: Unsplash)

Sáng hôm sau, khi sương mai còn rung rinh trên ngọn cỏ, chúng tôi đi dọc sông Bằng tiến về huyện Thông Nông. Những con đường ven triền núi uốn lượn quanh co phủ tràn một mầu xanh rì cây cỏ. Cứ mỗi khi gặp cảnh đẹp ven đường đi, cậu bạn Thổ dân lại nhắc chúng tôi hoặc đi chậm lại hoặc dừng hẳn xe để cả đoàn ngắm nghía trầm trồ và cùng ghi lại cảnh “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Xe đi qua một con suối dài, đang mùa mưa nên nước lớn. Để thuận tiện giao thông, người ta trải những tấm bê-tông to ngang lòng suối như xây một chiếc đập tràn nhỏ để thuận tiện đi lại nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của suối. Từng thành viên trong đoàn xắn quần lội qua rồi lội lại, thích thú ngắm cảnh vật tươi đẹp hai bên bờ suối, ngắm nhìn người dân quanh đây lấy nước, giặt giũ bên dòng suối, tai nghe tiếng suối rì rào, chân tay đẫm dòng nước mát lạnh từ nguồn chảy ra mà nghe như tất cả các giác quan đều được đánh thức.

Xuyên qua con suối lớn đang lúc nước ròng, chúng tôi lại tiếp tục chạy qua những thung lũng đẹp dịu dàng mơ màng trong màn mưa mỏng cuối Thu, thi thoảng dừng lại ngắm những con lạch nhỏ nước trắng xóa tuôn ra từ vách đá hay vin cây hái những chùm ổi rừng chín mọng thơm lừng đung đưa sát lối đi.

Lái xe băng qua suối ở Thông Nông.

Lái xe băng qua suối ở Thông Nông.

Đồng cỏ Thông Nông hiện ra như một cảnh trong bình nguyên Mông Cổ có lần tôi đã xem trên Youtube. Nhóm bạn lại bày đồ chơi ra để lắp đặt điều khiển và thích thú với những cảnh quay đẹp mê mải từ những chiếc fly-cam mang lại. Tôi đi lang thang khắp thung lũng ngắm những rặng núi hùng vĩ soi bóng vụng hồ trong trẻo yên bình, những tán cây dại xanh đen giữa tiết đầu Đông vươn cao khỏe mạnh. Dưới những lùm cây cỏ rậm rạp là từng nhóm những chú lợn mán – chắc của cư dân sống xung quanh đây nuôi thả - tha thẩn gặm cỏ kiếm ăn khoe vẻ nhanh nhẹn, bé nhỏ mà chắc lẳn. Đi qua mí nước sát mặt hồ lớn, từng đàn vịt đang tung tăng bơi lội, có con còn cắm thẳng đầu xuống dựng đứng lông đuôi lên để mò ốc. Thấy chiếc dù mầu đỏ được bung hết dựng sát chiếc bè che chiếc camera đang bật, cậu em cùng đoàn nhẹ nhàng lượt lại khẽ khều vai tôi: “Im lặng hộ em, em đang ghi tiếng mưa rơi”.

Tạm biệt Cao Bằng với đôi mắt ghi đầy cảnh đẹp, buồng phổi hít đầy khí Trời thanh khiết, đôi chân như khỏe khoắn thêm lên sau khi vượt qua những chặng đường rừng… chúng tôi thầm hẹn sẽ sớm trở lại với Đất trời Cao Bằng tươi đẹp bình yên.

Đồng cỏ xanh mát ở Thông Nông.

Đồng cỏ xanh mát ở Thông Nông.

Tác giả bài viết, ở Thông Nông.

Tác giả bài viết, ở Thông Nông.

Lê Hồng Lam
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES