Núi lửa Bromo - tiếng gầm giận dữ của thần Brahma

19/08/2022

Sâu trong miệng núi lửa cao 2339 mét, tiếng gầm gừ vẫn liên hồi không thôi, dự tính cho đợt phun trào tiếp theo chưa biết đến khi nào. Ấy vậy mà mỗi ngày đều có hàng nghìn người kéo đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi lửa Bromo.

Tiếng gầm hàng nghìn năm và những lời nguyện cầu bình an

Núi lửa Bromo thuộc dãy núi Tengger, được hình thành tại Đông Java, Surabaya, Indonesia từ hàng ngàn năm về trước.

Tương truyền rằng, tại ngôi làng Tengger xưa kia có một nàng công chúa. Nàng kết hôn với một vị phò mã khôi ngôi, tuấn tú nhưng mãi mà gặp vợ chồng trẻ không thể có con. Nàng cùng chồng đã đến một miệng núi lửa thuộc dãy Tengger để cầu xin thần Brahma - Đấng sáng tạo trong Hindu giáo mong có một mụn con.

Vẻ đẹp như tranh của dãy Tengger

Vẻ đẹp như tranh của dãy Tengger

Thần Hindu đã hiển linh và ban cho đôi vợ chồng trẻ không chỉ một người con mà đến 25 người, sau lời hứa sẽ hiến tế đứa con út của mình cho thần của hai vợ chồng. Tuy nhiên, công chúa và phò mã đã không giữ đúng lời hứa. Năm người con thứ 25 trưởng thành, chàng thái tử đang trong độ tuổi ngông cuồng, vì muốn chinh phục núi lửa nên đã đi đến và bị núi lửa nuốt chửng bởi nham thạch.

Kể từ đó, người dân Tengger cũng phải chịu sự trừng phạt của thần Brahma với những đợt phun trào dung nham bất chợt. Để tránh điều này, dân làng mỗi năm đều hiến tế người sống để xoa dịu Đấng thần linh và ngọn núi lửa cũng được đặt tên là Bromo, bắt nguồn từ phát âm tiếng Java của Brahma.

Người dân Tengger mang đồ hiến tế đến miệng núi lửa vào lễ hiến tế năm 2020.

Người dân Tengger mang đồ hiến tế đến miệng núi lửa vào lễ hiến tế năm 2020.

Empty
Empty

Phong tục hiến tế cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại, nhưng thay vì hiến tế người, dân làng Tengger hiến tế thực phẩm, gia súc để cầu mong bình an. Cho đến hiện tại, khi xã hội đã phát triển, tập tục này vẫn tiếp diễn nhưng thay vì lãng phí rất nhiều lương thực, thực phẩm, người Tengger vẫn ném vật phẩm xuống miệng núi lửa nhưng sẽ có một tốp người khác, mạo hiểm trèo xuống lòng núi và bằng những dụng cụ chuyên biệt, vớt những vật phẩm ấy lại.

Các vật phẩm được hứng trở lại bởi 1 tốp người khác.

Các vật phẩm được hứng trở lại bởi 1 tốp người khác.

Empty

Lễ hội hiến tế cho thần Brahma diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Đây là thời điểm nhộn nhịp nhất nhưng lại không dành cho du khách vì từng đoàn người hành hương vô cùng đông đúc và việc hiến tế có thể gây nguy hiểm. Mặc dù lễ hội chỉ diễn ra mỗi năm một lần nhưng Bromo lại là địa điểm du lịch thu hút nhất Đông Java.

Không chỉ có những đoàn khách du lịch chưa bao giờ ngớt mà người dân tại đây cũng đến để thả hoa nguyện cầu bình an mỗi ngày như một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống của họ.

Sự hiểm nguy ẩn sau vẻ đẹp an tĩnh

Kể từ lần phun trào cuối cùng vào năm 2016, núi lửa Bromo vẫn không hề ngớt khách du lịch ghé thăm và người địa phương đi cầu nguyện.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Có 2 cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bromo nói riêng và dãy núi Tengger nói chung. Du khách có thể đi tự túc hoặc mua tour trải nghiệm đều có thể tiếp cận được 2 hình thức này. Đầu tiên, du khách phải dậy thật sớm từ lúc 1h sáng để đi đến ngọn núi Penanjakan, cách Bromo 3,8km để có thể ngắm trọn khung cảnh dãy Tengger hiện ra khi bình minh đến.

Bầu trời đầy sao trên ngọn Penanjakan

Bầu trời đầy sao trên ngọn Penanjakan

Vào những ngày trời trong, bạn còn có thể may mắn ngắm nhìn milky way và những ánh sao băng trong lúc đốt lửa trại và nhâm nhi những tách trà gừng ấm nóng. Về đêm, nhiệt độ trên các ngọn núi ở Đông Java có thể xuống đến 10 độ C. Sương từ những cành lá khi chạm vào da cũng có thể gây nên cái lạnh tê buốt kéo dài.

Trong màn đêm huyền ảo của bầu trời sao, dãy núi Tengger thoắt ẩn thoắt hiện dưới lớp mây mù, từ phía xa có thể nhìn thấy cột khói trắng xoá từ miệng núi lửa Bromo bốc lên. Cột khói đó chưa bao giờ biến mất. Sát về phía bên trái, ngôi làng Tengger sáng rực ánh đèn, nép mình yên bình dưới sự bảo hộ của thần Brahma.

3 ngọn núi lửa thuộc dãy Tengger vào lúc trước bình minh.

3 ngọn núi lửa thuộc dãy Tengger vào lúc trước bình minh.

Người ta hay nói, những khoảnh khắc đẹp đẽ thường không xuất hiện lâu. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách lẫn dân địa phương phải thức dậy từ rất sớm và thậm chí mất một quãng đường rất xa đến đây chỉ để ngắm khoảnh khắc ngắn ngủi khi mặt trời rót những tia nắng đầu tiên lên rặng Tengger.

Bức tranh mờ ảo khi tối lúc này đã được thêm màu sắc. Ba đỉnh núi cao nhất của dãy Tengger bây giờ mới hiện ra rõ rệt. Từ đây, bạn có thể thấy được hình thù hoàn chỉnh của một ngọn núi lửa với những đường xếp li đều nhau do địa chấn trong quá trình hình thành, để rồi phải tấm tắc kinh ngạc với khả năng vô hạn của tạo hoá.

Vào khoảnh khắc mặt trời lên cao, khung cảnh sẽ chuyển từ màu vàng cam sang tím và tiếp theo đó, bầu trời xanh ngắt sẽ hiện ra làm nền cho dãy núi trông như phủ đầy rêu xanh cũ kỹ. Khói vẫn bốc lên từ miệng của những ngọn núi lửa, nhìn từ xa trông như những đám mây trắng xốp. Mây mù phủ đầy chân núi và chỉ tan khi mặt trời lên cao, để lộ ra hoang mạc đầy than và bụi nham thạch.

Du khách có thể ngắm nhìn đỉnh Bromo từ núi Penanjakan

Du khách có thể ngắm nhìn đỉnh Bromo từ núi Penanjakan

Trong khoảnh khắc đẹp đến nao lòng này, người đến đây chỉ muốn chiêm ngưỡng và gửi đến vũ trụ, đến những Đấng thần linh mà mình thờ phụng những lời cầu nguyện tốt lành. Nếu đứng giữa không gian mà tất cả mọi người đều lặng người nhìn ngắm vẻ đẹp bất di bất dịch này và cầu nguyện, bạn sẽ không khỏi có đôi chút xúc động.

Sau khi ngắm trọn vẹn ngọn Bromo hiện ra trong buổi ban mai, du khách tiếp tục di chuyển từ Penanjakan đến chân núi Bromo. Xe jeep chỉ có thể đưa du khách đến bãi hoang mạc, việc di chuyển đến chân núi bạn phải đi bộ hoặc thuê ngựa.

Cưỡi ngựa tại sa mạc

Cưỡi ngựa tại sa mạc "Biển Cát" là một trải nghiệm thu hút nhiều du khách.

Empty

Ở tại vùng đất cằn cỗi này, tìm kế sinh nhai dường như là thử thách đối với người dân Tengger. Họ có đủ cách để khai thác dịch vụ từ tiềm năng du lịch của mảnh đất này, cho thuê ngựa thồ là một trong số đó.

Hàng trăm chú ngựa được tập hợp tại đây, trung bình đưa 15 khách mỗi ngày ở cả 2 lượt đi và về. Khi mặt trời đứng bóng, khách du lịch không còn, những chú ngựa sẽ được dắt về nhà. Vì là điểm du lịch phát triển nên những người dân tại đây được tiếp thu tư duy khá tốt, nên không có chuyện những chú ngựa bị bóc lột sức lao động.

Khi di chuyển đến gần núi lửa, bạn sẽ thấy một đoàn người nối chân nhau như đi hành hương từ chân núi lên đến miệng núi. Tại đây, những gánh hàng hoa dạo được bày bán với giá 30.000 Rupiah/bó. Người dân hoặc du khách có thể mua hoa tại đây và mang lên đỉnh núi để cầu nguyện.

Hàng nghìn người có cả khách du lịch và dân địa phương đến đây để tham quan và cầu nguyện.

Hàng nghìn người có cả khách du lịch và dân địa phương đến đây để tham quan và cầu nguyện.

Empty

Tại đây có một chiếc thang cao 250 bậc được xây từ chân núi lên miệng núi như thách thức lòng tin của những kẻ ngoan đạo. Tuy thế, điều này chưa bao giờ làm chùng chân bất cứ ai. Sau khi kết thúc ở bậc thang cuối cùng, miệng núi lửa hiện ra với cột khói trắng như mây.

Dân du lịch đua nhau lưu lại khung cảnh không phải lúc nào cũng bắt gặp trong đời, còn dân địa phương thì thành tâm cầu nguyện, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp nhưng không hề bát nháo. Những lời cầu nguyện thành tâm được gửi vào những bó hoa rồi ném xuống miệng núi để chắc chắn rằng thần Brahma đã minh chứng cho lời cầu nguyện đó.

Trong khung cảnh đẹp đẽ, an tĩnh, tiếng gầm gừ của núi lửa vẫn phát lên từng đợt. Không một ai biết khi nào núi lửa sẽ phun trào một lần nữa. Chỉ biết rằng, hàng trăm ngàn đợt khách du lịch mỗi năm vẫn sẽ chọn lựa nơi đây để ngắm nhìn vẻ đẹp có một không hai này.

Lê Hồ Uy Di - Ảnh: Huỳnh Đạt, Lê Hồ Uy Di
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES