Cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến Greenland tan chảy với tốc độ chưa từng có, điều này đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và các công ty khai thác tìm kiếm một lượng khoáng sản quan trọng có khả năng cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Một nhóm tỷ phú bao gồm: Jeff Bezos, Michael Bloomberg và Bill Gates cùng những người khác, đang đặt cược rằng bên dưới bề mặt của những ngọn đồi và thung lũng trên Đảo Disko của Greenland và Bán đảo Nuussuaq có đủ khoáng sản quan trọng để cung cấp năng lượng cho hàng trăm triệu xe điện.
Theo Kobold Metals, công ty khởi nghiệp khai thác khoáng sản có trụ sở tại California, Mỹ đang hợp tác với Bluejay Mining để tìm kiếm các kim loại quý hiếm ở Greenland cần thiết cho quá trình chế tạo xe điện và pin dung lượng lớn để trữ năng lượng tái tạo. Đại diện của Kobold Metals cũng cho biết, họ đã nhận được nguồn hỗ trợ tài chính từ nhóm các tỷ phú giàu nhất thế giới. Ba tỷ phú Jeff Bezos, Michael Bloomberg và Bill Gates hiện vẫn chưa phản hồi về thông tin.
Kurt House, Giám đốc điều hành của Kobold Metals nói với CNN: “Chúng tôi đang tìm kiếm trữ lượng nickel và cobalt lớn nhất nhì thế giới".
Greenland là quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch, gần Bắc cực và là hòn đảo lớn nhất thế giới, rộng hơn 2 triệu km2, có dân số khoảng 57.000 người. 3/4 diện tích Greenland được bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu.
Có khoảng 30 nhà địa chất, nhà địa vật lý, đầu bếp, phi công và thợ máy đang cắm trại tại địa điểm nơi Kobold và Blujay Mining để lấy mẫu đất, đo trường điện từ của bề mặt và lập bản đồ các lớp đá bên dưới. Họ cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu nhằm xác định chính xác vị trí cần khoan, phục vụ việc khai thác khoáng sản vào đầu mùa hè tới.
Cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland cho biết, Greenland có thể trữ lượng lớn về than, đồng, vàng, các nguyên tố đất hiếm và kẽm. Chính phủ Greenland nhận ra tiềm năng của khu vực để đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia thông qua khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, băng biến mất của Greenland vốn đang đẩy mực nước biển lên cao hơn chính là mối quan tâm lớn đối với các nhà khoa học nghiên cứu về Bắc cực.
Nathan Kurtz, một nhà khoa học NASA nghiên cứu về băng biển, nói với CNN: “Mối quan tâm lớn đối với băng biển Bắc Cực là nó đã biến mất trong vài thập kỷ qua. Vào mùa thu, những gì từng là băng Artic bao phủ quanh năm giờ sẽ chỉ là băng phủ theo mùa".