Chốn Thăng Long xưa trải qua bao trùng khởi đã gần cả ngàn năm, đổi thế thay thời để thành một Hà Nội phồn hoa đô hội của hiện thời. Đã có bao thế hệ, bao tinh hoa từ tứ phương bát hướng tề tựu thành hội, thành phường. Để rồi từ đó những cái tên phố hàng đã gắn liền với lịch sử của chốn Kinh Đô này.
Kinh qua biết bao phen khói lửa binh đao, đã bao lần người Hà Nội bỏ lại mảnh sân, góc vườn vì ngoại bang xâm lấn. Cánh cổng cũ của ngôi làng vẫn khép rồi mở ra trong thời thế loạn lạc, có thể không còn vẹn nguyên, nhưng cây đa, giếng nước sân đình và bóng dáng cánh cổng làng kia vẫn ăn sâu bám rễ trong tiềm thức mỗi con người.
Quá trình đô thị hoá đã dần bê tông cốt thép những dấu ấn lịch sử đã xa rời, để giờ đổi thay những phần nhìn, nhưng đâu đó về mặt ký ức vẫn trường tồn hình ảnh của làng xã Thăng Long xưa trong hồn cốt của bao thế hệ. Thăng Long khi xưa bao quanh bởi những làng, những xã, nhưng nay đã thành quận, thành phường, chỉ còn lẻ loi những cổng làng dẫn vào lối xưa ngõ cũ.
Theo sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay", tác giả Vũ Kiêm Ninh, tại 8 quận 5 huyện của Hà Nội, thu lượm được hình ảnh 109 cổng làng và những câu chuyện văn hóa làng qua truyện kể dân gian, hội làng và câu chữ nơi cổng làng. Tại 12 quận huyện, nội thành của Hà Nội còn những cổng làng: Quận Hoàn Kiếm có 2 cổng làng, quận Ba Đình (4 cổng làng), quận Cầu Giấy (9 cổng làng), huyện Đông Anh (22 cổng làng), quận Đống Đa (1 cổng làng), huyện Gia Lâm (9 cổng làng), quận Hoàng Mai (7 cổng làng), quận Long Biên (6 cổng làng), huyện Sóc Sơn (2 cổng làng), quận Tây Hồ (10 cổng làng), huyện Thanh Trì (17 cổng làng), quận Thanh Xuân (2 cổng làng), huyện Từ Liêm (18 cổng làng).
Làng trong phố
Trong nội đô, người ta vẫn hay nói tới phố Thuỵ Khuê nức tiếng với danh xưng Phố Cổng Làng, bởi đây khi xưa là Kẻ Bưởi, đến nay vẫn còn lưu trữ nhiều dấu vết làng xã xưa giữa phố phường hiện đại. Nơi đây thuộc địa phận của quận Tây Hồ, là con phố dài chạy song song với bờ Nam của Hồ Tây. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, Thuỵ Khuê dù nép mình giữa nhịp sống hiện đại vẫn phảng phất phong vị của ngày xưa.
Làng ở Thuỵ Khuê, khác nhau từ dáng dấp con người đến cánh cổng làng. Mỗi cánh cổng lại mang một kích thước, một dáng vẻ riêng, khó mà hoà lẫn. Chiếc cổng đầu tiên đi dọc con đường Thuỵ Khuê từ dốc Bưởi xuống, giao với ngã tư chợ Bưởi, đó là cổng Làng Yên Thái (hay An Thái). Làng An Thái xưa vốn nhiều cổng dẫn vào Làng, theo người dân quanh vùng kể lại, người ta đặt tên cho các cổng những cái tên dân giã, dễ nhớ dễ gọi: Cổng An Thái, cổng Hầu, cổng Giếng, cổng Xanh (Canh)... Gọi là cổng Giếng, vì giếng làng Yên Thái quanh năm trong xanh, đã đi vào ca dao nức tiếng xa gần:
“Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái lát gạch dễ đi".
Làng xã ở kẻ Bưởi xưa đã được lát vạt đá xanh, mà theo các cụ cao nhân kể lại rằng, trời mưa to cách mấy đi cũng không vướng bùn nham, sạch sẽ, bề thế, gọn gàng như nếp sống phong nhã của con dân kẻ Bưởi.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Nhịp chày gõ cả ngàn năm, song nghề làm giấy dó đã chẳng còn, giếng cổ cũng đã bị vùi lấp, Yên Thái đã đi vào ca dao như gợi nhớ một thuở mênh mang như sóng nước Tây Hồ. Giữa một vùng đô thị tấp nập, Yên Thái lặng lẽ với gió sương, cổng làng nghiêng nghiêng gạch đỏ thầm thì kể chuyện ngàn xưa, thật hiếm hoi trong lòng Thủ Đô vẫn còn một làng cổ nhiều năm tuổi, với cấu trúc ngõ ngách đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.
Đất lề quê thói, làng dù gần dù xa cũng có tục gìn giữ nếp làng tự thuở khai sinh. Bức đại tự treo trước cổng làng 4 chữ “Mỹ tục khả phong” do triều đình Tự Đức năm thứ 19 ban cho. Đi qua cổng làng, con người ngoại lai như tự khắc khuôn mình vào những thói xưa nếp cũ, như thoát ra khỏi ồn ã, như bỏ lại hơi thở của phố thị đằng sau bậc tam cấp của cánh cổng làng.
Làng ở Thuỵ Khuê cùng năm trên một trục số chẵn, dẫu bởi năm xưa, quanh theo mạn hồ Tây, là một loạt những phường hội, làng nghề nằm kế tiếp, tạo nên một vùng phong hoa tinh anh với những món nghề gia truyền còn lưu danh muôn thuở. Tiếp nối làng Yên Thái, cũng trên trục phố Thuỵ Khuê, là làng An Thọ. Làng gồm 3 cổng, cổng đình An Thọ, cổng Hầu và cổng Xanh. Người An Thọ xưa và nay, vẫn tự hào với cổng đình làng bề thế, còn giữ nguyên rêu phong tới tận bây giờ.
“Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn
Lý thành tả trĩ bút phong cao".
Người làng An Thọ xưa, thấm nhuần nguyên khí của mảnh đất Thăng Long, sản sanh cho nước nhà nhiều thế hệ quan văn, trí thức một thời, sau cáo lão hồi hương về nghỉ lập đình tại đây, nên tên gọi cổng Hầu cũng từ đó mà ra, “Hầu” trong tứ tước vinh quang Công, Hầu, Khanh, Tướng.
Cổng Xanh ở đầu ngõ 514 Thuỵ Khuê, hay còn gọi là cổng Canh. Khi xưa, cổng có chức năng ngăn chặn đường đi nước bước của giặc cướp vào làng, nên có chiếc điếm canh, người làng dựa theo chức năng thành luỹ mà đặt là cổng Canh, sau đọc chệch thành cổng Xanh.
Cổng làng Đông Xã nay dẫn vào con ngõ 444 Thuỵ Khuê, theo các bậc cao niên kể lại, thuở xưa còn có 5 bậc lên xuống, nhưng theo thời gian, cho thuận tiện với với quy hoạch hiện đại, đã phá bỏ, nay chỉ còn chiếc cổng vẫn vẹn nguyên dáng xưa vóc cũ, với đôi dòng câu đối, và dòng đại tự “An Đông chính lộ” nâng gót kẻ ra người vào.
Người nay đã ít đi bộ hơn, thay vào đó là những phương tiện lăn bánh, cổng làng Việt vốn cấu thành bởi những bậc tam cấp, nay cũng chẳng mấy giữ được những kết cấu dành riêng cho việc đi bộ. Làng Hồ Khẩu là làng có nhiều cổng nhất tại kẻ Bưởi này, với 3 cổng lớn bề thế, vững chãi, nhưng tiếc thay đều đã được trùng tu tôn tạo, nên không còn giữ lại được dáng vẻ năm xưa, chỉ duy nhất bậc tam cấp tại cổng chính còn giữ nguyên thay vì lát phẳng, để giữ lại phần nào những dấu ấn văn hoá đặc trưng.
Người làng còn, nếp làng còn, hồn làng còn nguyên vẹn tròn
Khen cho câu “Mỹ tục khả phong”, đẽo gọt vào tâm khảm mỗi người con của làng những cách sống, lề xưa thói cũ đã được ghi danh thành chuẩn mực. Làng quê Bắc Bộ vốn từ xa xưa đã gắn với chiếc cổng làng. Biết bao đời nay con người ta gửi gắm những nỗi niềm buồn vui, tâm tư mong mỏi vào cánh cổng làng, mà như bài hát "Mái đình làng biển" có câu “Gửi vào đây, vào đây, vui buồn người Việt…”.
Làng xã chốn Kinh Kỳ văn hiến, cũng như rất nhiều làng quê khác ở Bắc Bộ, đã có bao phong vân trong cả trăm năm thổi qua luỹ tre làng. Cổng làng phá rồi xây, nhưng cái hồn cốt của làng, của người làng dường như vẫn ẩn khuất ở khắp nơi. Sự trường tồn của làng xã qua bao dâu bể dường như chẳng bao giờ những kiến thức trên ghế nhà trường kia lý giải được, mà qua những góc nhìn, nỗi đồng cảm mà người đời nghiệm ra, rằng cái căn cốt ấy trường tồn, là do làng quê có nề nếp.
Người Việt có quan niệm “Vạn vật hữu linh”, để cánh cổng làng trở thành một bộ phận không thể tách rời của thực thể làng Việt, có vai trò thể hiện khát vọng, và ước mơ, hay hiện hữu cho dáng hình của người làng. Cổng làng, ngoài là vách ngăn, phân định giữa trong ngoài, còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến những chìm nổi của thời cuộc. Cổng làng đi cùng người Việt từ lúc xây làng lập ấp, đến nay, lại thành cái gốc gác cho người đi tứ xứ biết đường quay về. Thời thế là vậy. Đến lúc thanh bình, không còn phải được bữa nay, lo bữa mai, người ta mới sực nhớ ra, là cuộc sống dù đủ đầy, nhưng con người vẫn thiếu mất phần hồn vía.
Người thị thành quanh năm cuốn theo cơn lốc thị trường, bỗng trong tâm thức lại cuộn lên một nỗi nhớ mông lung. Đó là lúc tiếng nói thôn dã từ rất sâu trong tâm tưởng, gọi họ sớm quay về. Dù gần, dù xa, không có ai không từ quê mà ra. Dẫu nghèo túng bần hàn, hay phong hoa phú quý, ai cũng muốn có một quê hương để đi về.
Sự gắn bó giữa con người với thôn quê, giống như sự gắn kết của thôn quê với linh hồn của làng xã, đôi khi cả đời quên lãng mà lắm lúc lại bất chợt hiện ra. Chuyện trùng tu, như công cuộc gìn giữ cái căn cốt của làng, không phải là những tu sửa cao sang, mà cốt trọng ở việc bảo tồn những giá trị phi vật thể. Người làng còn, nếp làng còn, hồn làng còn nguyên vẹn tròn.
Giữa Thủ đô hối hả với cơn lốc đô thị hoá, bỗng chợt có tiếng chuông ngân, trống giục, câu hát văn khoan nhặt gọi chúng ta về. Để rồi sau những ngày tề tựu bên gia đình trong mâm cơm sum vầy, ai về việc nấy, trở lại với tất bật thị thành mà trong lòng vẫn âm vang một khúc hát quê hương.
Cổng làng, sau bao phong vân bão tố… cuối cùng vẫn là nơi bao dung nhất, làm thành luỹ cho khói lửa quá khứ, nay lại tiếp tục bệ đỡ cho những mệt nhọc giữa phồn hoa bát nháo thị thành. Sừng sững bao năm, như còn chút đức tin về yên ả sau bậc tam cấp, nâng bước chúng ta đủ sức đi qua mọi sóng cả cuộc đời.