Hà Nội và những địa danh lịch sử gắn liền với 70 năm Giải phóng Thủ đô

09/10/2024

Hơn bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, những địa danh lịch sử một thời vang danh nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Tuy nhiên, dưới lớp áo hiện đại ấy, giá trị lịch sử, văn hóa vẫn còn đó, vẹn nguyên và tỏa sáng. Mỗi ngóc ngách, mỗi ngôi nhà cổ kính như kể một câu chuyện hào hùng về những ngày tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy khí thế.

Giữa Thủ đô

Cụ Hồ về

Bộ đội

Tiến vào năm cửa ô

Về đến đây rồi, Hà Nội ơi

Người đi kháng chiến tám năm trời

Hôm nay về lại đây Hà Nội

Giàn giụa vui lên ướt mắt cười

(trích thơ Tố Hữu)

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vào ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đây là mốc son lịch sử chói lọi, là bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội được trang hoàng rực rỡ bởi màu đỏ của cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng trong dịp này, du khách quốc tế có thể ghé thăm những địa điểm gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Bài liên quan

Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử

Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.

Dấu vết lịch sử in hằn trên cây cầu

Dấu vết lịch sử in hằn trên cây cầu

Cả dân tộc quyết tâm chung sức đồng lòng, lập nên Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21-7-1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Kí ức lịch sử không quên của Thủ đô

Kí ức lịch sử không quên của Thủ đô

Đúng như lời hẹn ước, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, trước tinh thần chiến đấu ngoan cường “nếm mật nằm gai, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta. Các chiến sĩ bộ đội lại trở về trên chính cây cầu Long Biên lịch sử.

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nộ

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nộ

Ngày 08/10/1954 quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta vào tiếp quản tới đó. Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cây cầu là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.

Bắc Bộ phủ, dấu ấn lịch sử của Thủ đô

Bắc Bộ phủ còn có tên gọi là phủ Khâm sai, nay là Nhà khách Chính phủ, ở số nhà 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bắc Bộ phủ nằm ở trung tâm Thủ đô, cách Hồ Gươm 500m về phía đông, bên trái là vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) và phía sau là Bưu điện trung tâm Thành phố.

Bắc Bộ phủ trong ánh sáng mùa thu Cách mạng

Bắc Bộ phủ trong ánh sáng mùa thu Cách mạng

Di tích Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ

Di tích Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ

Trước đây, Bắc Bộ phủ là cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị Pháp ở Bắc Kỳ, dưới sự giám sát của Toàn quyền Đông Dương. Tòa nhà đã trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt. Bắc Bộ phủ là một trong những địa điểm đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày lịch sử 70 năm về trước.

Khu Thành cổ (Hoàng thành Thăng Long) mang trong mình câu chuyện lịch sử

Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long chính là nơi Quân đội ta tập trung khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột cờ Hà Nội.

Lễ chào cờ lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô tại Đoan Môn

Lễ chào cờ lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô tại Đoan Môn

Đoan Môn không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là một nhân chứng lịch sử sống động, ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh cổng thành đã trở thành một biểu tượng bất tử, ghi dấu một trang sử vàng của dân tộc. Mỗi viên gạch, mỗi vết tích trên tường thành đều là một câu chuyện, một dấu ấn của thời gian.

Cột cờ Hà Nội, tung bay mãi lá cờ Tổ quốc

Cột cờ được khởi công xây dựng từ năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và mất 7 năm để hoàn thành. Từ đó tới nay, trải qua hơn 200 năm lịch sử, Kỳ đài Hà Nội đã gắn liền với bao thăng trầm của Thủ đô. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử. Đây đã trở thành nơi di tích lịch sử của Thủ đô và cả nước.

“Biểu tượng Thủ đô”

“Biểu tượng Thủ đô”

Có tổng chiều cao lên tới 41,4m (tính cả phần trụ treo cờ) nên từ xa du khách đã có thể dễ dàng nhìn thấy Cột cờ Hà Nội. Cột cờ có cấu trúc gồm 3 tầng đế và 1 tòa tháp, kết nối giữa các tầng có cầu thang xoắn để di chuyển.

Các tầng đế cột cờ đều được xây dựng hình chóp vuông cụt, có diện tích nhỏ dần xếp chồng lên nhau. Tầng 1 cao 3,1m, kích thước mỗi cạnh dài 42,5m. Tầng 2 cao 3,7m, kích thước các cạnh là 27m, 3 trên 4 cửa có đắp chữ, gồm Hướng Minh (cửa Nam), Nghênh Húc (cửa Đông) và Hồi Quang (cửa Tây). Tầng 3 chiều cao 5,1m, kích thước mỗi cạnh là 12,8m, có cửa lên cầu thang hướng về phía Bắc.

Cột cờ còn là chứng tích cho một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt, dấu ấn kiên cường, bất khuất của các thế hệ con dân đất Hà thành

Cột cờ còn là chứng tích cho một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt, dấu ấn kiên cường, bất khuất của các thế hệ con dân đất Hà thành

Lá Quốc kỳ treo trên đỉnh cột cờ có diện tích 24m2 (4 x 6 m) được may bằng vải phi bóng. Góc cờ được trần quả trám để chống chịu những trận gió to. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ tung bay trong gió, nổi bật trên nền trời xanh mang ý nghĩa thiêng liêng, hào hùng.

Đường Kim Mã, nơi lịch sử đi qua

Vào ngày trọng đại của 70 năm trước, người dân Thủ đô đứng kín hai bên tuyến phố Kim Mã để chào đón Đại Đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô. Hiện nay, tuyến phố Kim Mã vẫn luôn tấp nập phương tiện giao thông lại qua lại, đóng vai trò là một trong những trục giao thông quan trọng của Hà Nội.

Con đường Kim Mã ghi dấu mốc son chói lọi của Thủ đô

Con đường Kim Mã ghi dấu mốc son chói lọi của Thủ đô

Vào những ngày này, tại nhiều khu vực trên đường phố Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Người dân Hà Nội cũng thể hiện niềm mừng vui, phấn khởi trước sự đổi thay tích cực của Thủ đô. Hà Nội đã thực sự chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song vẫn giữ được vẹn nguyên những địa danh lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống hào hùng của Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES