YouTuber IShowSpeed bị "chặt chém" tại TP.HCM: Gót chân Achilles của ngành du lịch

22/09/2024

Ngày 16/9/2024, IShowSpeed - YouTuber và streamer nổi tiếng người Mỹ với 29,8 triệu lượt theo dõi trên Youtube, trong một buổi livestream tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã được yêu cầu trả 1 triệu đồng cho chỉ 5 phút thuê xe điện cân bằng.

"Chặt chém" du khách nước ngoài tới Việt Nam đã từ lâu là một vấn đề nhức nhối của ngành du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Gần đây nhất là sự việc diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM ngày 16/9/2024 của IShowSpeed, YouTuber và streamer nổi tiếng người Mỹ với 29,8 triệu lượt theo dõi trên Youtube.

Bài liên quan

Đáng chú ý là việc "chặt chém" diễn ra ngay trong buổi livestream của IShowSpeed, từ đó lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Cụ thể, Youtuber này đã gặp phải tình huống đáng tiếc khi bị yêu cầu trả 1 triệu đồng cho chỉ 5 phút thuê xe điện cân bằng, trong khi giá thuê xe điện thông thường tại khu vực này thường chỉ ở mức vài chục nghìn đồng trong cùng thời gian.

Ngay sau khi sự việc được lan truyền, Sở Du lịch TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành điều tra và làm rõ. Nam thanh niên cung cấp dịch vụ thuê xe điện bị phạt 10 triệu đồng vì hành vi "hét giá" vô lý. Sở cũng gửi lời xin lỗi chính thức tới IShowSpeed và công khai cam kết bảo vệ quyền lợi của du khách, nhằm tránh những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Hành động kịp thời này phần nào giảm bớt những hệ lụy tiêu cực từ vụ việc, nhưng cũng nhấn mạnh một vấn đề lớn trong quản lý dịch vụ du lịch.

Youtuber Ishowspeed bị

Youtuber Ishowspeed bị "chặt chém" ngay trên sóng livestream và một loạt bình luận tiêu cực từ người xem

Nạn “chặt chém” không chỉ dừng lại ở một vài trường hợp cá biệt mà đã trở thành vấn đề muôn thuở của ngành du lịch Việt Nam, xuất hiện từ dịch vụ xe cộ, ăn uống đến mua sắm, tạo ra hình ảnh không mấy thiện cảm về Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Những vụ việc như của IShowSpeed chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, khi nhiều du khách từng phàn nàn về việc bị "ép giá" vô lý khi sử dụng các dịch vụ du lịch.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hồi tháng 5/2024 tại Hà Nội, hai du khách người Pháp bị tài xế taxi yêu cầu trả 500.000 đồng cho một quãng đường rất ngắn, khoảng 1 km, từ phố Trần Nhật Duật đến phố Chợ Gạo. Khi phát hiện hộ chiếu để quên trên xe, tài xế quay lại trả, nhưng lại đòi thêm 500.000 đồng tiền chuộc từ những hành khách xui xẻo này. Vụ việc này đã được cộng đồng mạng phản ánh và gây xôn xao dư luận.

Hai du khách người Pháp xui xẻo

Hai du khách người Pháp xui xẻo

Chiếc taxi duyên nợ và người tài xế

Chiếc taxi duyên nợ và người tài xế "chặt chém" họ tới hai lần

Trước đó, vào năm 2023, sự việc tương tự cũng xảy ra liên quan đến cặp vợ chồng du khách vợ Mỹ - chồng Việt bị "chặt chém" giá vé đi thuyền tại Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Theo chia sẻ, cặp đôi đã phải trả giá vé gần gấp đôi so với người Việt Nam cho cùng một dịch vụ khi tham gia tour du lịch trên thuyền để thưởng thức hải sản. Sự việc này khiến họ vô cùng thất vọng, đặc biệt khi người lái thuyền không đưa ra lời giải thích hợp lý và chỉ cười trừ trước sự chất vấn.

Theo nhiều chuyên gia du lịch, hành vi "chặt chém" thường bắt nguồn từ quan niệm sai lầm của một số người kinh doanh dịch vụ rằng "du khách nước ngoài có nhiều tiền", từ đó tìm cách "móc túi" họ bằng những mức giá phi lý. Điều này không chỉ làm tổn hại tới uy tín cá nhân của người kinh doanh, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Hành vi "chặt chém" có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng lại để lại hậu quả lâu dài khi du khách thất vọng và chia sẻ trải nghiệm xấu lên các nền tảng trực tuyến.

Hãy để khách nước ngoài tới Việt Nam không còn gặp phải những

Hãy để khách nước ngoài tới Việt Nam không còn gặp phải những "điểm trừ" xấu xí

Để giải quyết vấn đề này, việc niêm yết giá cả công khai và tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các điểm du lịch là điều cần thiết. Ngoài ra, việc đào tạo nâng cao nhận thức cho người làm dịch vụ về trách nhiệm giữ gìn hình ảnh quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích du khách phản ánh ngay khi gặp phải các hành vi không trung thực để chính quyền có thể xử lý kịp thời. Sức mạnh của mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, thông tin trên mạng xã hội đôi khi bị thổi phồng hoặc hiểu sai, do đó mỗi người đều cần có sự kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi chia sẻ.

Vụ việc của IShowSpeed là một lời nhắc nhở rằng, để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, sự trung thực và minh bạch trong kinh doanh là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ giúp giữ chân du khách mà còn nâng cao uy tín của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Thảo Hán - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES