Các điểm du lịch không quá xa khỏi thành phố lớn như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Hội An... hiện đang đông nghìn nghịt du khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay.
Kỳ nghỉ này cũng chứng kiến sự bùng nổ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch được tổ chức rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thu hút đông đảo du khách tham quan. Nhằm đảm bảo an toàn và chống “chặt chém” du khách, các địa phương tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn và thành lập đường dây nóng.
Bùng nổ sự kiện toàn quốc
Trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động thu hút lượng lớn du khách tham gia như khai trương tuyến phố đi bộ mới ở Sơn Tây, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2022, sự kiện tặng quà khách du lịch tại lăng Bác. Bên cạnh đó, ở Cao Bằng khai mạc Chương trình du lịch về nguồn năm 2022, Liên hoan du lịch Đồ Sơn sắc màu của biển 2022.
Tại TP.HCM, hàng loạt hoạt động chào đón dịp lễ 30/4 và 1/5 cũng được tổ chức. Công viên Văn hóa Đầm sen là một trong hai địa điểm được lựa chọn tổ chức bắn pháo hoa tại TP.HCM. Đầm Sen sẽ có biểu diễn kết hợp giữa hỏa thuật và hệ thống laser nhạc nước trên mặt hồ rộng. Laser nhạc nước trình chiếu những thước phim 3D hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi và Cung Văn hóa Lao động sẽ tổ chức triển lãm với chủ đề kỷ niệm 43 năm thống nhất đất nước và các thành tựu của thành phố.
Ở Đà Nẵng, trong ngày 30/4, toàn thành phố diễn ra hàng loạt hoạt động sôi nổi như: chương trình vũ hội đường phố, âm nhạc đường phố, ảo thuật đường phố tại hai bên bờ sông Hàn. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động tại Công viên APEC và chương trình biểu diễn tổng hợp tại sàn cảnh quan, công viên phía Bắc, bờ Đông cầu Trần Thị Lý.
Siết chặt nạn "chặt chém" du khách
Với hàng loạt các sự kiện sôi động đang diễn ra trên cả nước, các địa phương đã triển khai tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn và đặc biệt đưa ra giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng “chặt chém” du khách.
Là địa phương thu hút rất đông du khách trong kỳ nghỉ lễ này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết Sở đã tăng cường kiểm tra tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Sở đã nhắc nhở các địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và chuẩn bị công tác cứu nạn, cứu hộ. Biển cảnh báo an toàn, đường dây nóng được lắp đặt tại hầu hết các bãi biển, nơi tập trung đông người.
Tại Quảng Nam, tỉnh công khai đường dây nóng của các điểm du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp cùng cơ quan chức năng cam kết xử lý khi có phản ánh từ du khách. UBND thành phố Hội An cũng yêu cầu hộ kinh doanh niêm yết giá rõ ràng, tránh tình trạng chèo kéo, nâng ép giá gây ảnh hưởng tới điểm du lịch.
Riêng tại Đà Nẵng, có tới 600 chuyến bay nội địa và quốc tế dịp nghỉ lễ. Nhằm ứng phó với lượng khách quá tải, Sở Du lịch Đà Nẵng liên tục tổ chức các đợt kiểm tra cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, tàu thuyền, nhà ga, nhà hàng... để đảm bảo an toàn và ổn định giá dịch vụ.
Thậm chí, tại Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), chính quyền địa phương bố trí ba điểm cân đối chứng ở bến hải sản làng chài, giúp du khách không bị gian lận hay "chặt chém" khi mua hải sản.
Trước đó, ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ, đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong du lịch, tình trạng không niêm yết giá, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép du khách dịp cao điểm.