Nằm trong chuỗi hoạt động mừng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chương trình Tết Việt 2022 đưa khách tham quan quay ngược thời gian, trải nghiệm sống lại trong không gian của thời xưa cũ, với nhiều hoạt động đậm chất văn hoá-truyền thống của dân tộc.
Để chuẩn bị cho chương trình, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ghi hình các chương trình Tết Việt 2022 tại Hoàng thành Thăng Long, để khách tham quan được trải nghiệm hoạt động qua Trưng bày trực tuyến trên website www.hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Tại Trưng bày, các quy trình san khắc, in ấn, đóng quyển lịch được tái hiện một cách sinh động thông qua bộ sưu tập dụng cụ, nguyên liệu chuyên dụng của nghệ nhân khắc mộc bản. Điểm nhấn độc đáo của Trưng bày online này là những diễn giải tư liệu và hình ảnh về quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê, đặc biệt phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua.
Đặc biệt, năm nay, ngày 15/1, Trung tâm phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên, lần đầu thể nghiệm nghi lễ cung đình lễ Tiến lịch cũng tại Hoàng thành Thăng Long, dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với hình thức sân khấu hóa. Nghi lễ bao gồm các nghi thức diễn ra tại cửa Đoan Môn và sân Điện Kính Thiên như: các quan vào chầu, rước hoàng lịch, dâng hương, quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch, quan Truyền chế đọc chế, quan Lễ khoa ban quan lịch bách quan,…
Tết Nguyên đán là một lễ tiết quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước Đông Á. Đặc biệt, Tết trong cung đình còn mang vẻ độc đáo của sự tôn nghiêm và quyền lực. Để chuẩn bị cho năm mới, một trong những hoạt động đầu tiên của nhà vua và triều đình là tiến hành ban lịch cho bách quan và dân chúng.
Trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động giao lưu với nhà sử học Lê Văn Lan và nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo. Qua đó, công chúng có cơ hội tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và vai trò của nghi lễ Tiến lịch mừng xuân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trưng bày không gian phong tục tết truyền thống gồm hình ảnh không khí chuẩn bị đón Tết, tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết,…